CÔNG TY KHÔNG GIẢI QUYẾT NGHỈ VIỆC THÌ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

I. Thực trạng liên quan đến công ty không giải quyết nghỉ việc

Nghỉ việc hay kết thúc hợp đồng lao động với Công ty là vấn đề thường xuyên gặp phải ở nhân viên khi làm việc được một khoảng thời gian nhất định tại công ty và thực trạng Công ty không đồng ý hoặc không giải quyết nghỉ việc cũng xảy ra phổ biến. Vậy thì, khi rơi vào tình huống này người lao động cần làm gì để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé!

II. Các quy định liên quan đến công ty không giải quyết nghỉ việc

1. Công ty không giải quyết nghỉ việc được hiểu như thế nào?

Pháp luật hiện hành không có quy định thế nào là không giải quyết nghỉ việc, tuy nhiên dựa trên các quy định pháp luật lao động liên quan, có thể hiểu là việc người sử dụng lao động không chịu trách nhiệm giải quyết các thủ tục cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, việc công ty không giải quyết nghỉ việc còn có thể hiểu là việc công ty không thực hiện trách nhiệm bắt buộc khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm:

- Không thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp luật định có thể kéo dài tối đa 30 ngày.

- Không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

- Không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu.

2. Công ty không giải quyết nghỉ việc thì có bị xử phạt không?

Việc công ty không giải quyết nghỉ việc cho người lao động, cụ thể là không thực hiện đúng trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định pháp luật khi người lao động đã thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật đối với từng trường hợp tương ứng thì sẽ bị xử phạt như sau:

- Căn cứ tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm phải trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu công ty không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì bị xử phạt hành chính từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 150.000.000 đồng căn cứ tại khoản 1 Điều 6 và khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

- Công ty có trách nhiệm trả đủ lương cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp công ty sau 14 ngày mà công ty không trả lương là hành vi vi phạm quy định về chấm dứt hợp đồng lao động sẽ bị xử lý theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, theo đó tùy thuộc vào số lượng người lao động và công ty vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

- Công ty không trả giấy tờ cho người lao động nghỉ việc thì tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động theo quy định tại Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, theo đó tùy thuộc vào số lượng người lao động và công ty vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trả lại bản chính các giấy tờ đã giữ của người lao động (điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

3. Những quyền lợi nào mà nhân viên có thể yêu cầu nếu công ty không giải quyết nghỉ việc?

Căn cứ BLLĐ năm 2019, người lao động nghỉ việc thì tùy trường hợp mà có thể được nhận các khoản tiền sau:

  • Tiền lương cho những ngày làm việc chưa được thanh toán

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, mọi người lao động đều được nhận khoản tiền này. Theo Điều 48 BLLĐ năm 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động (trong đó có tiền lương).

Hạn thanh toán này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày trong trường hợp đặc biệt như: Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động; thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; chia, tách, hợp nhất,…

  • Tiền phép năm chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết

Theo quy định tại Điều 113 BLLĐ năm 2019, tùy vào đối tượng lao động và điều kiện làm việc thì người lao động làm việc đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động sẽ được nghỉ phép năm từ 12 - 16 ngày.

Trường hợp người lao động chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết mà phải nghỉ việc thì có thể được thanh toán tiền nghỉ phép năm theo khoản 3 Điều 113 BLLĐ 2019. Như vậy, cùng với tiền lương, người lao động sẽ được nhận tiền phép năm chưa nghỉ hết nếu do thôi việc hoặc mất việc làm.

  • Tiền trợ cấp thất nghiệp

Khác với các khoản tiền nói trên, tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả, chứ không phải người sử dụng lao động. Tuy nhiên để được hưởng khoản tiền này, người lao động cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

- Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động.

- Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN.

Ngoài các khoản tiền đề cập ở trên, nếu hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể có ghi nhận thêm về các khoản tiền khác mà người lao động được nhận khi nghỉ việc thì người này cũng sẽ được hưởng thêm các quyền lợi đó. 

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến công ty không giải quyết nghỉ việc

1. Người lao động xin nghỉ nhưng công ty không giải quyết nghỉ việc thì có được tự ý nghỉ không?

Căn cứ Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần người sử dụng lao động đồng ý. Theo cách này, người lao động cần đảm bảo thời gian báo trước cho người sử dụng lao động biết hoặc người lao động không cần báo trước nếu thuộc các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước theo quy định pháp luật.

Như vậy, người lao động xin nghỉ nhưng công ty không giải quyết nghỉ việc thì có quyền nghỉ nếu thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật hoặc trường hợp luật cho phép đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.

2. Có thể yêu cầu bồi thường nếu công ty không giải quyết nghỉ việc đúng quy định không?

Nếu công ty không giải quyết nghỉ việc đúng quy định, cụ thể là không thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng như thanh toán các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động thì ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, công ty còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

  • Trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt;
  • Trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động.

3. Có thể khiếu nại khi công ty không giải quyết nghỉ việc được không? Nếu khiếu nại không được giải quyết thì hướng xử lý là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 5 và Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, theo đó, trường hợp công ty không giải quyết nghỉ việc thì người lao động có thể khiếu nại lần đầu với công ty của mình.

Nếu quá thời hạn giải quyết mà công ty không giải quyết khiếu nại của người lao động hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của công ty thì có thể khiếu nại lần hai tại Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.

Đồng thời tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này cũng quy định trường hợp người lao động khiếu nại nhưng không được giải quyết thì người lao động có quyền khởi kiện tại Tòa án.

Bên cạnh đó, người lao động cần lưu ý các trường hợp việc khiếu nại sẽ không được thụ lý giải quyết theo quy định tại Điều 9 Nghị định này khi:

  • Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
  • Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp.
  • Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại.
  • Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
  • Thời hiệu khiếu nại theo quy định tại đã hết mà không có lý do.
  • Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày, kể từ ngày có văn bản thông báo người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại.
  • Khiếu nại đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.
  • Khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án.

IV. Tại sao nên tìm luật sư tư vấn khi công ty không giải quyết nghỉ việc?

Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động thường không tìm hiểu sâu đến vấn đề về quyền lợi của mình được hưởng sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng đến bản thân nên tìm luật sư tư vấn vì:

Thứ nhất, Luật sư am hiểu pháp luật lao động, có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản về chuyên môn sẽ tư vấn được cho người lao động nắm rõ các quyền mà bạn sẽ được hưởng;

Thứ hai, sẽ được tư vấn về rủi ro, đưa ra các phương án dự trù có thể xảy ra trong quá trình người lao động xin nghỉ việc, từ đó người lao động có thể đủ cơ sở đòi lại những quyền lợi mình được hưởng đúng pháp luật quy định;

Thứ ba, Luật sư có thể giúp bạn giải quyết được vấn đề khi xảy ra phát sinh về tranh chấp do phía doanh nghiệp không có thiện chí cung cấp hay trả đúng và đủ các quyền lợi cho người lao động. Khi ấy, Luật sư sẽ tư vấn cụ thể về các phương thức giải quyết tranh chấp này từ đó lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp, có lợi nhất, mỗi phương thức sẽ có những trình tự, thủ tục thực hiện khác nhau, do vậy, nếu như không có sự tư vấn của Luật sư thì người lao động sẽ rất khó để thực hiện đúng và đủ theo đúng quy định pháp luật.

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về công ty không giải quyết nghỉ việc mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan

A PHP Error was encountered

Severity: Core Warning

Message: PHP Startup: Unable to load dynamic library 'pdo_mysql.so' (tried: /opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so (/opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so: cannot open shared object file: No such file or directory), /opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so.so (/opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so.so: cannot open shared object file: No such file or directory))

Filename: Unknown

Line Number: 0

Backtrace: