Giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu: Những vấn đề pháp lý cần lưu ý

Giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu là một hoạt động quan trọng trong quá trình trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia. Đây không chỉ là vấn đề về vận chuyển mà còn liên quan đến nhiều quy định pháp lý, nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch. 

Xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển 

Vậy các bên có lưu ý những vấn đề pháp lý gì về giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Sau đây, NPLAW sẽ tư vấn giải đáp thắc mắc cho quý khách hàng. 

I. Thực trạng liên quan đến giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu

Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, thực trạng liên quan đến hoạt động này hiện nay vẫn đang đối mặt với một số thách thức lớn, như:

  • Khác biệt trong quy định pháp lý giữa các quốc gia, thiếu sự đồng bộ trong quản lý hải quan;
  • Tình trạng vi phạm hợp đồng và tranh chấp phát sinh, khó khăn trong giải quyết tranh chấp;
  • Vấn đề hàng hóa không đúng chất lượng, kiểm soát chất lượng không chặt chẽ;
  • Chi phí vận chuyển tăng cao, thủ tục hải quan chậm trễ;...

II. Các quy định liên quan đến giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu

1. Thế nào là giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu?

Giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu là sự phối hợp giữa các hoạt động lấy hàng, bốc xếp, vận chuyển, lưu kho, phân phối các hàng hóa đã nhận hoặc đôi khi bao gồm cả quá trình đóng gói. 

Nói ngắn gọn, quá trình sẽ nhận hàng ở một địa điểm, sau đó trung chuyển về kho và giao hàng ở một địa điểm khác. Quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu về cơ bản cũng có những phương thức vận chuyển phổ biến như vận chuyển bằng đường bộ, đường biển và vận chuyển hàng hoá đường hàng không.

2. Các hình thức giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu cơ bản hiện nay

Hiện nay có 03 phương thức giao nhận xuất nhập khẩu chính, đó là: 

  • Giao nhận bằng đường biển: Do đặc điểm 2/3 diện tích bề mặt trái đất là biển nên phương thức vận tải biển rất thích hợp cho việc vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn và cự ly vận chuyển dài, vì vậy phương thức giao nhận bằng đường biển là một trong những phương thức vận tải ra đời sớm nhất và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế thương mại của xã hội loài người.
  • Giao nhận bằng đường hàng không: Phương thức giao nhận bằng đường hàng không ra đời sau những phương thức vận tải khác, song đến thời điểm hiện nay, vận tải hàng không cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thương mại quốc tế.  Phương thức vận tải hàng không thích hợp để vận chuyển các lô hàng nhỏ, hàng hóa đòi hỏi giao hàng ngay, an toàn và chính xác, hàng hóa có giá trị cao và hàng hóa có cự ly vận chuyển dài.
  • Giao nhận bằng đường bộ: Phương thức giao nhận bằng đường bộ là phương thức vận tải phổ biến và thông dụng nhất trong các loại hình vận tải. Tuy phương thức vận tải này bị hạn chế bởi khối lượng và kích thước hàng hóa, không chở được những khối lượng hàng hóa lớn như vận tải bằng đường thủy hay nhanh chóng bằng vận chuyển hàng không, nhưng lại khá linh hoạt với những hàng hóa có khối lượng vận chuyển không quá lớn và nhỏ.

3. Thủ tục giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu

Thủ tục giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu được thực hiện theo quy trình sau:

  1. Booking tàu

Booking tàu (thuê tàu) là công việc bắt buộc phải thực hiện khi muốn thực hiện thủ tục giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc đặt chỗ tàu có thể được thực hiện bởi bên mua hoặc bên bán, tùy vào thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, thông thường để book được tàu với giá cả cạnh tranh và nhanh nhất, các doanh nghiệp thường sẽ nhờ đến những công ty Forwarder.

Quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa 

Họ sẽ thực hiện toàn bộ công tác book vé tàu, nhiệm vụ của doanh nghiệp là kiểm tra các thông tin có trên chứng nhận booking tàu, bao gồm: cảng đi – đến, ngày khởi hành, ngày cập bến, loại container, số lượng, ngày cắt máng,…

(2) Đóng hàng

Bước tiếp theo trong thủ tục giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu là đóng hàng. Hiện nay, chúng ta có hai hình thức đóng gói hàng hóa chính, gồm hàng lẻ (LCL) và hàng nguyên kiện (FCL).

(3) Làm thủ tục hải quan

Thủ tục hải quan sẽ được thực hiện trước thời điểm tàu khởi hành. Việc làm thủ tục hải quan sẽ diễn ra tại cảng biển nơi doanh nghiệp gửi hàng. Nhà xuất khẩu có thể tự đến và thực hiện các thủ tục hải quan hoặc ủy quyền cho các công ty Forwarder để tiết kiệm thời gian và công sức.

(4) Phát hành B/L

Bước thứ tư trong thủ tục giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu là phát hành B/L. Trước khi đóng gói hàng hóa, nhà nhập khẩu hoặc công ty Forwarder được ủy quyền có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ các thông tin làm vận đơn cho bên phía vận chuyển. Sau khi kiện hàng được đưa lên tàu và rời cảng, nhà nhập khẩu sẽ được hãng tàu phát hành B/L.

(5) Gửi – nhận chứng từ

Trong quá trình tàu chạy, người xuất khẩu sẽ phải gửi toàn bộ chứng từ cho người nhập khẩu. Ban đầu, nếu chưa thể thu thập và gửi đầy đủ chứng từ gốc, doanh nghiệp phải gửi file mềm để người mua có thể nắm được toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình giao nhận.

Sau đó, trước khi tàu cập bến, người bán bắt buộc phải gửi đủ các chứng từ gốc cho người mua để thực hiện quá trình thông quan và bốc dỡ hàng hóa. Các giấy tờ cần gửi sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của bên mua. Thông thường chúng sẽ bao gồm: phiếu đóng gói hàng hóa, hóa đơn thương mại, giấy chứng nhận xuất xứ, B/L,…

(6) Thông báo hàng đến

Trước ngày tàu nhập cảng ít nhất là một ngày, nhà nhập khẩu sẽ nhận được thông báo hàng đến từ hãng tàu hoặc công ty Forwarder được ủy quyền. Lúc này, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin có trong thông báo hàng đến, bao gồm: Ngày tàu cập cảng, nơi lưu giữ hàng hóa chờ thông quan, các chi phí phải nộp,… để có sự chuẩn bị trước cho các bước tiếp theo trong quy trình giao nhận hàng hóa của mình.

(7) Lấy lệnh giao hàng

Để tiến hành lấy lệnh giao hàng, người nhập khẩu cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ bao gồm giấy giới thiệu, bill hàng gốc và giấy ủy quyền nếu được yêu cầu. Sau đó, người mua hàng cần cung cấp bộ chứng từ này cho công ty Forwarder hoặc tự mình gửi cho cảng tàu, sau đó đóng đầy đủ các khoản phí và lấy lệnh giao hàng.

(8) Đăng ký các chứng nhận

Tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia và chủng loại hàng hóa mà người nhận hàng có trách nhiệm đăng ký các thủ tục xin cấp chứng nhận liên quan đến kiện hàng của mình. Nếu không xuất trình được đầy đủ các chứng nhận này, lô hàng của doanh nghiệp sẽ khó lòng mà thông quan suôn sẻ.

(9) Khai báo hải quan

Người nhập khẩu có thể mở tờ khai hải quan trực tuyến tại các phần mềm hải quan chính thống theo quy định, sau đó chờ khi tàu nhập cảng thì thực hiện thông quan. 

(10) Mở, thông quan và thanh lý tờ khai

Bước kế đến trong quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu là mở, thông quan và thanh lý tờ khai. Sau khi làm thủ tục hải quan tại cảng xong, nhà nhập khẩu cần chuẩn bị các giấy tờ để mở tờ khai hải quan. 

(11) Dỡ hàng, vận chuyển về kho và trả container rỗng

Bước cuối cùng trong quy trình giao nhận hàng hóa là dỡ hàng, vận chuyển về kho và trả container rỗng. Sau khi hoàn tất toàn bộ các thủ tục, lô hàng sẽ được bốc dỡ theo sơ đồ đã thỏa thuận từ trước. Người nhập hàng sẽ trực tiếp chuyển hàng về kho hoặc thuê các công ty Forwarder để điều chuyển.

Trong trường hợp hàng nguyên kiện thì sau khi rút hàng về kho xong, người bán có nhiệm vụ trả lại container rỗng nguyên vẹn cho hãng tàu.

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu

1. Chủ hàng có thể uỷ quyền cho bên khác giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu không?

Theo Điều 16 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP quy định: Thương nhân được ủy thác cho thương nhân khác xuất khẩu, nhập khẩu hoặc được nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu từ thương nhân khác các loại hàng hóa, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không

Như vậy được quyền ủy quyền xuất khẩu hàng hóa nhưng hàng hóa phải không thuộc danh mục hàng hóa bị cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu. 

2. Hồ sơ giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu gồm các tài liệu nào?

Thông thường, bộ chứng từ xuất nhập khẩu được chia thành 3 nhóm gồm:

  • Những chứng từ bắt buộc.
  • Những chứng từ thông thường.
  • Những chứng từ khác tùy thuộc vào loại hàng hóa, quốc gia và điều kiện giao dịch.

Chứng từ xuất nhập khẩu bắt buộc

Căn cứ theo Điều 16 của Thông tư 39/2018/TT-BTC, các chứng từ xuất nhập khẩu bắt buộc phải có bao gồm:

  • Hợp đồng thương mại (Sales Contract)
  • Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)
  • Vận đơn (Bill of Lading - B/L)
  • Tờ khai hải quan (Customs Declaration)
  • Phiếu đóng gói hàng hóa (Packing list)

Chứng từ xuất nhập khẩu thường có

Bộ chứng từ xuất nhập khẩu thường có bao gồm những giấy tờ và chứng từ sau:

  • Hóa đơn chiếu lệ (Proforma Invoice)
  • Chứng từ bảo hiểm (Insurance Certificate)
  • Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin)
  • Tín dụng thư (L/C – Letter of Credit)
  • Chứng thư kiểm dịch (Phytosanitary Certificate)

Một số chứng từ xuất nhập khẩu khác

Bên cạnh những chứng từ xuất nhập khẩu nêu trên, cũng cần chuẩn bị một số loại chứng từ xuất nhập khẩu khác, bao gồm: 

  • Chứng nhận chất lượng (CQ - Certificate of quality)
  • Chứng nhận kiểm định (CA - Certificate of analysis).
  • Chứng nhận vệ sinh (Sanitary certificate)
  • Chứng thư hun trùng (Fumigation certificate)

3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nào được thực hiện việc giao nhận trước, đăng ký tờ khai hải quan sau?

Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện việc giao nhận trước, đăng ký tờ khai hải quan sau được quy định tại khoản 1 Điều 93 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện việc giao nhận trước, đăng ký tờ khai hải quan bao gồm:

  • Mặt hàng điện năng xuất khẩu, nhập khẩu;
  • Hàng hóa bán trong khu vực cách ly tại các sân bay quốc tế (trừ hàng bán miễn thuế);
  • Hàng hóa cung cấp cho hành khách trên các chuyến bay tuyến quốc tế;
  • Xăng dầu cung ứng cho tàu bay xuất cảnh;
  • Các trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ thực hiện việc giao nhận hàng hóa nhiều lần trong ngày hoặc trong tháng theo quy định tại khoản 6 Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

4. Bên thực hiện giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu làm mất hàng hoá thì có phải bồi thường không?

Theo Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015, Luật Thương mại 2005 và các quy định khác liên quan đến vận chuyển hàng hóa, nếu bên thực hiện giao nhận hàng hóa làm mất hàng hóa trong quá trình vận chuyển hoặc giao nhận, bên đó sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên nhận hàng. Trường hợp này có thể được áp dụng nếu việc mất mát hàng hóa xảy ra do hành vi thiếu trách nhiệm, sơ suất hoặc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng.

Ngoài ra, trong các giao dịch xuất nhập khẩu, bên giao nhận cũng có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường theo các quy định của Công ước quốc tế về hợp đồng vận chuyển hàng hóa (như Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng vận tải hàng hóa (C.M.R.), hoặc các quy định khác tùy theo phương thức vận chuyển). Những quy định này sẽ xác định rõ trách nhiệm của bên vận chuyển trong việc bảo vệ hàng hóa khỏi mất mát, hư hỏng trong suốt quá trình vận chuyển.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu. Trường hợp Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến người bán giao thừa hàng hóa, hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan