HIỂU THẾ NÀO VỀ GÓI THẦU PC THEO PHÁP LUẬT HIỆN NAY

 

I. Tìm hiểu về gói thầu PC

Gói thầu là một thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực đấu thầu, là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm, có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với dự toán mua sắm, mua sắm tập trung theo quy định tại khoản 15 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023. Và gói thầu PC là một trong những gói thầu hỗn hợp được phân loại dựa trên nội dung công việc của gói thầu.

II. Quy định pháp luật về gói thầu PC

1. Thế nào là gói thầu PC

Tại Khoản 16 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023, Gói thầu hỗn hợp là gói thầu bao gồm thiết kế và cung cấp hàng hóa (EP); thiết kế và xây lắp (EC); cung cấp hàng hóa và xây lắp (PC); thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC); lập dự án, thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (chìa khóa trao tay).


 

Trong đó, Hàng hóa gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; sản phẩm; phương tiện; hàng tiêu dùng; thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; phần mềm thương mại. Và xây lắp gồm những công việc thuộc quá trình xây dựng và lắp đặt công trình, hạng mục công trình căn cứ tại khoản 17, 33 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023.

Như vậy, gói thầu PC còn gọi là gói thầu cung cấp hàng hóa và xây lắp và là một loại gói thầu hỗn hợp.

2. Các lĩnh vực sử dụng gói thầu PC

Dựa theo Bảng phân loại các lĩnh vực mời thầu và nhóm công việc mời thầu theo danh mục phân loại của Trung tâm đấu thầu qua mạng Quốc Gia. Các nhà thầu có thể tham khảo các lĩnh vực được phân loại và so sánh với nhóm ngành mà doanh nghiệp của bạn đang hoạt động. Hiện nay, gói thầu PC được sử dụng cho nhiều lĩnh vực có liên quan đến việc cung cấp hàng hóa và xây lắp như lĩnh vực điện, công trình xây dựng, nhà ở các loại, công trình giao thông, thủy lợi, đập, đê ,kè, sản xuất công nghiệp, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, Cung cấp máy móc, thiết bị và thi công, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải và một số lĩnh vực liên quan khác.

3. Giá của gói thầu PC được quy định như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về giá gói thầu như sau:

Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng), phí, lệ phí và thuế.

 

Lưu ý: Trường hợp pháp luật có quy định hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế, miễn phí thì giá gói thầu không bao gồm các khoản thuế, phí được miễn.

Tùy theo tính chất công việc của loại gói thầu mà áp dụng đơn giá khác nhau. Đối với gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh, chi phí dự phòng bao gồm cả các khoản tạm tính (nếu có) và chỉ được sử dụng khi có phát sinh xảy ra. Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện gói thầu ngắn, ít có khả năng phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa theo quy định của pháp luật (nếu có).

Theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 24/2024/NĐ-CP giá gói thầu được lập căn cứ theo một trong các thông tin sau:

  • Dự toán gói thầu được duyệt (nếu có) trong trường hợp pháp luật có quy định về việc lập dự toán hoặc có hướng dẫn về định mức, đơn giá;
  • Nội dung và phạm vi công việc, số lượng chuyên gia, thời gian thực hiện, năng lực, kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn, mức lương chuyên gia theo quy định của pháp luật (nếu có) và các yếu tố khác;
  • Kết quả lựa chọn nhà thầu đối với hàng hóa, dịch vụ tương tự trong thời gian tối đa 12 tháng trước ngày trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó có thể điều chỉnh kết quả này theo các thay đổi về khối lượng mua sắm hoặc giá thị trường của hàng hóa hay dịch vụ cần mua sắm để xây dựng giá gói thầu;
  • Tối thiểu 01 báo giá của hàng hóa, dịch vụ; khuyến khích thu thập nhiều hơn 01 báo giá; trường hợp có nhiều hơn 01 báo giá thì lấy giá trung bình của các báo giá.
  • Kết quả thẩm định giá của hội đồng thẩm định giá hoặc của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.
  • Giá niêm yết của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, đại lý, nhà phân phối, nhà cung ứng, doanh nghiệp;
  • Giả kê khai do cơ quan, đơn vị có chức năng, thẩm quyền công bố hoặc cung cấp.

Như vậy, giá của gói thầu PC căn cứ theo thông tin trên.

III. Một số thắc mắc về gói thầu PC

1. Nhà thầu có phải ký quỹ khi tham gia gói thầu PC không?

Theo khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư 2020 và khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:

- Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê;

- Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án có sử dụng đất;

- Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ/đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định ở văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư;

- Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác;

- Dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật trước 01/7/2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Như vậy, trường hợp thực hiện dự án có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì các nhà đầu tư phải ký quỹ.

Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 77 Luật Đầu tư 2020 quy định: Trường hợp nhà đầu tư điều chỉnh mục tiêu, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi Luật này có hiệu lực thì phải thực hiện ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ theo quy định.

Do đó, nếu gói thầu có liên quan đến lĩnh vực nêu trên thì phải thực hiện ký quỹ theo quy định.

2. Cơ quan quản lý đối với việc thực hiện gói thầu PC hiện nay là cơ quan nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 84 Luật Đấu thầu 2023 và Điều 114 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, thì trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động đấu thầu, thực hiện gói thầu thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu. Ngoài ra, còn có sự giám sát, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi quản lý của mình đối với hoạt động đấu thầu:

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương chủ trì tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu đối với các dự án thuộc phạm vi quản lý của mình;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý và các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư;

- Người có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu đối với các dự án đầu tư do mình quyết định đầu tư, dự án đầu tư của doanh nghiệp do doanh nghiệp mình nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý chung đối với việc thực hiện các gói thầu hiện nay.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan gói thầu PC

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về gói thầu PC mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan