HỒ SƠ THIẾT KẾ KIẾN TRÚC - NHỮNG ĐIỀU BẠN NÊN BIẾT

Dân số ngày càng gia tăng chính vì thế mà nhu cầu về nơi sinh hoạt nói chung và nhu cầu về nhà ở nói riêng rất được quan tâm. Bên cạnh giá cả, vị trí ngôi nhà thì vấn đề thiết kế, thi công để làm sao có được một nơi ở như ý là hết sức cần thiết. Để có một nơi ở, sinh hoạt chất lượng tốt với chi phí hợp lý thì việc thiết kế kiến trúc trước thi công là điều tiên quyết. 

Nhu cầu lập hồ sơ thiết kế kiến trúc hiện nay

Vậy tại sao phải có thiết kế kiến trúc trước khi thi công? Bộ hồ sơ thiết kế kiến trúc gồm những gì? Kính mời Quý độc giả cùng theo chân NPLaw giải đáp những câu hỏi liên quan đến hồ sơ thiết kế kiến trúc qua bài viết dưới đây.

I. Nhu cầu lập hồ sơ thiết kế kiến trúc hiện nay

Để bắt đầu xây dựng một công trình kiến trúc thì nhu cầu về hồ sơ thiết kế kiến trúc luôn được ưu tiên hàng đầu và có vai trò hết sức quan trọng. Hồ sơ thiết kế kiến trúc sẽ giúp việc thi công công trình được thuận lợi và nhanh chóng hơn, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí và thời gian xây dựng.

Căn cứ vào bộ hồ sơ thiết kế đã có, đội ngũ thi công sẽ biết được hướng làm việc và quy cách xây dựng phù hợp, cũng như nắm được các yêu cầu và mong muốn của chủ đầu tư. Ngược lại, nếu như không có bộ hồ sơ thiết kế thì việc thi công sẽ không được bảo đảm về chất lượng, về yêu cầu cũng như khó quy kết trách nhiệm khi có sai sót. 

Có thể thấy, nhu cầu lập hồ sơ thiết kế kiến trúc hiện nay là vô cùng cần thiết nhất là khi nhu cầu về nhà ở của con người ngày càng tăng.

II. Các quy định liên quan đến hồ sơ thiết kế kiến trúc

Hồ sơ thiết kế kiến trúc được xây dựng dựa trên những quy cách và tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể, tại Thông tư số 03/2020/TT-BXD có quy định về vấn đề này.

1. Hồ sơ thiết kế kiến trúc là gì?

Hồ sơ thiết kế kiến trúc là thành phần của hồ sơ thiết kế xây dựng được thực hiện thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật xây dựng. Hồ sơ thiết kế kiến trúc là bộ giấy tờ diễn giải chi tiết về căn nhà qua hình vẽ, kí hiệu, chữ viết,... Hồ sơ thiết kế kiến trúc được xem là kim chỉ nam trong việc thi công xây dựng căn nhà, giúp chủ đầu tư và bên thi công định hình các công việc cần thực hiện một cách dễ dàng hơn. Hồ sơ thiết kiến trúc thể hiện mong muốn của gia chủ và giúp cho đội ngũ công nhân sẽ nắm được kiến trúc xây dựng của căn nhà để phù hợp với yêu cầu.

2. Hồ sơ thiết kế kiến trúc gồm các thành phần nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 03/2020/TT-BXD, hồ sơ thiết kế kiến trúc bao gồm các thành phần bản vẽ và thuyết minh. Trong đó thường có các thành phần chính sau:

  • Ảnh phối hợp cảnh 3D dự án kiến trúc
  • Bản vẽ mặt đứng, mặt bằng, mặt cắt ngôi nhà
  • Bản vẽ chi tiết các bộ phần dầm, sàn, mái
  • Bản vẽ chi tiết sàn, cầu thang, nhà vệ sinh, cửa, cổng rào

Trong mỗi phần của hồ sơ thiết kế lại bao gồm các bản vẽ chi tiết tương ứng với từng phần gộp chung lại tạo thành một bộ hồ sơ thiết kế kiến trúc hoàn chỉnh.

3. Hồ sơ thiết kế kiến trúc phải đảm bảo các yêu cầu gì?

Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư số 03/2020/TT-BXD, hồ sơ thiết kế kiến trúc phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  1. Quy cách, tỷ lệ bản vẽ theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5671:2012 về hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng - hồ sơ thiết kế kiến trúc;
  2. Khung tên bản vẽ phải tuân thủ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5571:2012 về hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng - bản vẽ xây dựng - khung tên.

Bên cạnh đó, cá nhân chịu trách nhiệm về chuyên môn kiến trúc của tổ chức, người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền phải ký, đóng dấu của nhà thầu thiết kế theo quy định.

Ngoài ra, chủ nhiệm thiết kế được ghi tên trong hồ sơ thiết kế phải đảm bảo:

  • Trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ thiết kế, có chuyên môn và chịu trách nhiệm cao nhất về nội dung và chất lượng của thiết kế kiến trúc, kiểm soát các bộ môn để phối hợp, thống nhất với kiến trúc;
  • Chủ nhiệm thiết kế có thể là tác giả phương án kiến trúc hoặc người trực tiếp tổ chức thực hiện ý tưởng của tác giả.
  • Và chủ trì thiết kế kiến trúc được ghi tên trong hồ sơ thiết kế phải đảm bảo:
  • Phải đủ năng lực được giao chủ trì thiết kế kiến trúc công trình hoặc chủ trì thẩm tra thiết kế kiến trúc, chịu trách nhiệm về nội dung của thiết kế kiến trúc;
  • Chủ trì có thể thay thế vai trò chủ nhiệm nếu được chủ nhiệm ủy quyền.

Các thắc mắc liên quan đến hồ sơ thiết kế kiến trúc

Có thể thấy, hồ sơ thiết kế kiến trúc phải bảo đảm các yêu cầu nhất định về mặt kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

III. Các thắc mắc liên quan đến hồ sơ thiết kế kiến trúc

Sau đây, xin mời Quý độc giả cùng với NPLaw giải đáp một số thắc mắc liên quan đến hồ sơ thiết kế kiến trúc.

1. Bản vẽ và thuyết minh trong hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gồm những nội dung gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 03/2020/TT-BXD, bản vẽ và thuyết minh trong hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm những nội dung sau:

Thứ nhất, nội dung về bản vẽ gồm:

  • Sơ đồ vị trí, địa điểm khu đất xây dựng, số liệu quy mô, tính chất dự án, hiện trạng, ranh giới khu đất, thông tin quy hoạch, hướng, tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu và theo quy hoạch được phê duyệt (nếu có), công trình hiện hữu và kiến trúc cảnh quan xung quanh, phân tích mối liên kết giao thông;
  • Các bản vẽ thiết kế ý tưởng kiến trúc thể hiện: dây chuyền công năng, hình khối, đường nét, màu sắc, ánh sáng trên các bản vẽ tổng thể, phối cảnh, mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, nội ngoại thất, mối liên hệ với không gian kiến trúc cảnh quan chung của khu vực.

Thứ hai, nội dung về thuyết minh gồm:

  • Thuyết minh các nội dung trong bản vẽ hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ;
  • Các định hướng về giải pháp kết cấu, hệ thống trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật và quản lý vận hành, khai thác;
  • Danh mục các quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng;
  • Phụ lục các văn bản pháp luật liên quan đến tính pháp lý của việc lập hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ.

Như vậy, những nội dung của bản vẽ và thuyết minh trong hồ sơ thiết kế kiến trúc sơ bộ ở giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ tuân theo quy định tại Điều 4 Thông tư 03/2020/TT-BXD.

2. Bản vẽ trong hồ sơ thiết kế kiến trúc kỹ thuật gồm những gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 03/2020/TT-BXD, bản vẽ trong hồ sơ thiết kế kiến trúc kỹ thuật gồm có các nội dung sau:

  • Sơ đồ vị trí, địa điểm khu đất xây dựng, bản đồ hiện trạng, ranh giới khu đất, thông tin quy hoạch theo quy hoạch được phê duyệt;
  • Bản vẽ tổng mặt bằng: thể hiện các hạng mục dự án đầu tư xây dựng, quy định rõ hạng mục xây mới, cải tạo, chỉnh trang trên cơ sở hiện trạng khu đất, xác định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, xác định các lối vào, lối ra và phân luồng giao thông, các chỉ tiêu kỹ thuật về diện tích khu đất nghiên cứu, diện tích xây dựng, mật độ xây dựng, tổng diện tích sàn, hệ số sử dụng đất, diện tích các hạng mục, số tầng, hệ thống giao thông nội bộ, xác định ranh giới và định vị các công trình ngầm;
  • Các bản vẽ định vị công trình, mặt bằng các tầng, mặt đứng, mặt cắt, sơ đồ dây chuyền và tổ chức không gian;
  • Các bản vẽ minh họa: phối cảnh tổng thể, phối cảnh góc, nội ngoại thất cơ bản;
  • Các bản vẽ kích thước, thống kê các loại cửa, buồng thang; thống kê diện tích, chỉ định vật liệu, màu sắc kiến trúc mặt đứng, khu vệ sinh, ốp lát sàn, danh mục vật liệu hoàn thiện;
  • Bản vẽ công trình phụ trợ và bên ngoài nhà, hàng rào, cây xanh, sân vườn.

3. Hồ sơ thiết kế nội thất có thuộc thành phần hồ sơ thiết kế kiến trúc không?

Câu trả lời là không.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 03/2020/TT-BXD thì hồ sơ thiết kế nội thất không thuộc thành phần hồ sơ thiết kế kiến trúc bản vẽ thi công. 

Ngoài ra thì hồ sơ thiết kế nội thất được lập theo yêu cầu của chủ đầu tư với nhà thầu thiết kế và hồ sơ thiết kế nội thất không thuộc các loại hồ sơ thiết kế kiến trúc quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 03/2020/TT-BXD.

Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến hồ sơ thiết kế kiến trúc

Như vậy, hồ sơ thiết kế nội thất không thuộc thành phần của hồ sơ thiết kế kiến trúc.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến hồ sơ thiết kế kiến trúc

Trên đây là các thông tin cần thiết mà NPLaw cung cấp tới quý Khách hàng liên quan đến hồ sơ thiết kế kiến trúc. Nếu có bất cứ những vướng mắc nào liên quan đến vấn đề trên hay có trăn trở về bất cứ lĩnh vực pháp lý nào, hãy liên hệ ngay với NPLaw. Các Luật sư, Chuyên viên với trình độ chuyên môn cao sẽ giải đáp thắc mắc và tư vấn cụ thể, chuyên sâu hơn cho quý Khách hàng thông qua hình thức tin nhắn, qua điện thoại hoặc email tư vấn. 

Quý Khách hàng có thể liên hệ ngay với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ – HÃNG LUẬT NPLAW

Hotline: 0913 449 968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan