KHI NÀO ĐƯỢC XEM LÀ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

Khi xảy ra ẩu đả, tranh chấp giữa các bên với nhau, gây ra nhiều thương tích, thương tật cho các bên. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích của con người, pháp luật Việt Nam có quy định về hành vi phòng vệ chính đáng. Vậy thế nào là phòng vệ chính đáng? Nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì có bị xử lý hình sự hay không? Bài viết sau đây, NPLaw sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề pháp lý liên quan đến Phòng vệ chính đáng.

I. Phòng vệ chính đáng là gì?

Trong nhiều trường hợp, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị người khác xâm phạm đến, bên bị hại đã có hành vi chống trả, sinh ra trạng thái phòng vệ để bảo vệ bản thân, Vậy phòng vệ chính đáng là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 thì: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

1. Bản chất của phòng vệ chính đáng 

Bản chất của hành vi phòng vệ chính đáng là hành vi nhằm bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng một cách hợp pháp của bản thân, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức nên đã gây ra thiệt hại cho người có hành vi xâm phạm. Chính vì vậy, nên người có hành vi phòng vệ chính đáng được miễn trách nhiệm hình sự khi không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

2. Ví dụ về phòng vệ chính đáng

Dựa trên các lý thuyết được quy định như trên về phòng vệ chính đáng, thì sau đây NPLaw gửi đến bạn đọc một ví dụ về trường hợp phòng vệ chính đáng hợp pháp, cần thiết.

Ví dụ: Trong trường hợp, tên tội phạm có dấu hiệu muốn giết con tin. Lúc này, để bảo vệ con tin, cảnh sát cơ động đã ập vào và bắn vào cánh tay tên tội phạm, làm cho tên tội phạm bị thương đánh rơi dao xuống đất. Đây được xem là hành vi phòng vệ chính đáng để bảo vệ tính mạng của con tin trước sự uy hiếp của tội phạm.

II. Luật quy định phòng vệ chính đáng như thế nào?

Pháp luật nước ta, đã có quy định về phòng vệ chính đáng một cách rõ ràng, chi tiết, đáp ứng kịp thời trong quá trình thực tiễn. 

Được quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, pháp luật nước ta cũng có quy định về trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Vậy hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

III. Các thắc mắc thường gặp về phòng vệ chính đáng

Để làm rõ hơn về phòng vệ chính đáng thì ta sẽ giải đáp cùng với NP LAW trong các trường hợp sau đây:

1. Trường hợp đang mang thai nhưng vì phòng vệ mà giết người thì đi tù bao nhiêu năm? Đây có được xem là phòng vệ chính đáng không?

Một hành vi phòng vệ chính đáng phải thỏa mãn 4 điều kiện:

  • Về phía nạn nhân (người bị chết hoặc người bị thương tích) phải là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác. Hành vi xâm phạm này phải có tính chất nguy hiểm đáng kể.
  • Về phía người phòng vệ

Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe cho người có hành vi xâm phạm.

  • Điều kiện về sự tương xứng giữa hành vi tấn công gây thiệt hại và hành vi phòng vệ chính đáng
  • Hành vi chống trả phải cần thiết

Trong trường hợp trên về phía người nạn nhân đã có hành vi đe dọa đối với người đang mang thai. Về phía người phụ nữ đang mang thai vì bảo vệ bản thân mà thực hiện hành vi giết người. Trường hợp trên đã thỏa mãn hai điều kiện về phía nạn nhân và phía người phòng vệ.

Tuy nhiên có phải là phòng vệ chính đáng hay không ta còn phải xét đến yếu tố mức độ tương xứng giữa hành vi tấn công gây thiệt hại và hành vi phòng vệ chính đáng. Trong trường hợp trên, mức độ uy hiếp của đối phương chưa được xác định cụ thể, có thể mức độ uy hiếp mang tính đe dọa hoặc mức độ uy hiếp ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng thì mức độ phòng vệ có thể thay đổi theo.

Hành vi chống trả của người phụ nữ mang thai có phải là cần thiết? Trong trường hợp này giết người có phải biện pháp cuối cùng và duy nhất mà người phụ nữ có thể làm. Thay vì giết người thì có thể có các biện pháp khác như hô hoán kêu cứu, đánh vào chân, tay khiến cho đối phương không còn khả năng uy hiếp đến bản thân…

Tùy vào chi tiết trong vụ việc thì người phụ nữ mang thai có thể là phòng vệ chính đáng hoặc phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Nếu trong trường hợp Tòa án nhân dân xác định người phụ nữ giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo Điều 126 Bộ luật Hình sự quy định về: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”.

2. Đáp trả lại hành động tấn công của người khác dẫn tới việc người đó bị thương có được xem là phòng vệ chính đáng không?

Tương tự như trường hợp trên ta cần phải xác định hành vi chống trả có thực sự cần thiết và hành vi đáp trả có tương xứng hay không. Trong trường hợp này có thể kêu gọi sự giúp đỡ của người dân xung quanh hoặc la lớn, gọi điện báo cảnh sát hoặc bỏ chạy. Dùng bạo lực chống trả chỉ là biện pháp sau cùng khi không thể làm gì khác.

Trong trường hợp trên, nếu hành vi phòng vệ quá mức cần thiết mà gây thương tích cho người khác trên 31% có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 136 BLHS 2015.

Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

3. Hiếp dâm trẻ 9 tuổi nhưng bị chống trả và bị đâm kéo vào ngực nhưng không chết thì người bị hiếp dâm có phải đi tù không? Đây có phải phòng vệ chính đáng không?

  • Thứ nhất

Theo Điều 12, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 có quy định về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như sau:

"1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Vậy trong trường hợp trên dù đứa trẻ 9 tuổi có phải phòng vệ chính đáng hay không thì vẫn không phải chịu trách nhiệm hình sự.

  • Thứ hai

Xét các điều kiện về phòng vệ chính đáng

Về phía nạn nhân đang thực hiện hành vi hiếp dâm được quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi 2017), người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân.

Đây là hành vi xâm phạm đến sức khỏe danh, danh dự của người khác bị pháp luật nghiêm cấm.

Về phía người phòng vệ do cảm thấy bản thân đang bị de dọa nên tìm cách để bảo vệ bản thân.

Trong trường hợp này hành vi phòng vệ là tương xứng và cần thiết vì người phòng vệ chỉ là trẻ em 9 tuổi không có khả năng trốn chạy hay chống trả kẻ hiếp dâm và mức độ chống trả nằm trong mức cho phép khi chỉ làm bị thương đối phương chứ không gây nguy hiểm tính mạng hoặc giết người.

Thỏa mãn đủ điều kiện phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự 2015.

Trên đây là bài viết tham khảo về phòng vệ chính đáng, hy vọng có thể giúp bạn hiểu và nắm được các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Nếu cần hỗ trợ giải đáp thắc mắc và tư vấn thêm về vấn đề trên, hãy liên hệ ngay với NPLaw.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan