Hiện nay, mở cửa hàng chăm sóc thú y tại Việt Nam là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển khá mạnh mẽ. Ngày càng nhiều người yêu quý và chăm sóc thú cưng, đặc biệt là chó và mèo. Điều này tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về các dịch vụ chăm sóc thú y chất lượng. Vậy điều kiện mở cửa hàng chăm sóc thú y được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào? Hồ sơ, thủ tục ra sao? Vấn đề nêu trên sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây của Hãng luật NPLaw. Hy vọng những thông tin mà NPLaw sắp cung cấp sẽ mang lại cho quý độc giả một cái nhìn tổng quan về vấn đề mở hàng chăm sóc thú y, qua đó nắm được các điều kiện cần thiết cũng như hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện việc mở cửa hàng chăm sóc thú y đúng quy định pháp luật.
Thực tế tại Việt Nam hiện nay cho thấy, ngày càng có nhiều người yêu quý và chăm sóc thú cưng như thỏ, chuột, rùa, cá... và đặc biệt là chó và mèo. Điều này tạo ra nhu cầu ngày càng cao về các dịch vụ chăm sóc thú y chất lượng. Vì thế, việc mở cửa hàng chăm sóc thú y ngày càng phổ biến nhưng để thực hiện được việc này đòi hỏi phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện nhất định như kiến thức chuyên môn về thú y, quản lý kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật,... Ngoài ra, việc tìm được đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm chăm sóc thú y cũng là một thách thức khác mà các cửa hàng chăm sóc thú y phải đối mặt. Bên cạnh đó cá nhân, tổ chức mở cửa hàng chăm sóc thú y còn cần đảm bảo một số điều kiện theo luật định.
Để có cái nhìn tổng quan về vấn đề mở cửa hàng chăm sóc thú y, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu chăm sóc thú y là gì? Thế nào là cửa hàng chăm sóc thú y? Và việc mở cửa hàng chăm sóc thú y được hiểu như thế nào?
Chăm sóc thú y là một lĩnh vực trong y học thú y, tập trung vào việc chăm sóc và điều trị sức khỏe của thú cưng và các động vật nhỏ khác. Nó bao gồm các biện pháp phòng ngừa bệnh, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý, và đưa ra các phương pháp chăm sóc tổng thể sức khỏe cho thú cưng.
Các dịch vụ chăm sóc thú y thường bao gồm cả việc chăm sóc bên trong lẫn bên ngoài cho thú cưng. Có thể kể đến như kiểm tra sức khỏe định kỳ, tiêm phòng, điều trị bệnh, phẫu thuật, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, tư vấn chăm sóc dinh dưỡng, theo dõi và điều trị các bệnh về da, lông, mắt, tai, răng miệng, hệ tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, hệ tiết niệu,... của thú cưng.
Dựa vào khái niệm nêu trên, cửa hàng chăm sóc thú y có thể hiểu là một nơi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe và nhu cầu của thú cưng. Ở đây, chủ cửa hàng và nhân viên cần có kiến thức chuyên môn về y tế và chăm sóc thú y để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của thú cưng và chủ nuôi. Các dịch vụ chăm sóc thú y phổ biến là khám, chữa bệnh cho vật nuôi; chăm sóc “sắc đẹp” cho chúng; bán thực phẩm thú y, đồ dùng cho thú cưng và kinh doanh thuốc thú y.
Mở cửa hàng chăm sóc thú y có nghĩa là bạn sẽ kinh doanh một cửa hàng dịch vụ chuyên về chăm sóc và điều trị các vấn đề sức khỏe của thú cưng, bao gồm các dịch vụ chăm sóc thú y phổ biến như khám, chữa bệnh cho vật nuôi; chăm sóc “sắc đẹp” cho chúng; bán thực phẩm thú y, đồ dùng cho thú cưng và kinh doanh thuốc thú y.
Để thành công trong việc mở cửa hàng chăm sóc thú y, bạn cần có kiến thức chuyên môn về sức khỏe và chăm sóc thú y, có đội ngũ nhân viên có kỹ năng và kinh nghiệm tương ứng, cũng như cần cung cấp các dịch vụ chất lượng và sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mặt khác, bạn cũng cần đảm bảo các điều kiện nhất định theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.
Khi mở cửa hàng chăm sóc thú y có buôn bán thuốc thú y, bạn cần tuân thủ các điều kiện được quy định tại Điều 92 Luật Thú y năm 2015 về điều kiện buôn bán thuốc thú y. Cụ thể như sau:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Có địa điểm, cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp;
- Người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y phải có Chứng chỉ hành nghề thú y;
- Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.
Bên cạnh đó, Điều 17 Nghị định 35/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 2 Nghị định 123/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thú y năm 2015 cũng quy định chi tiết hơn về điều kiện buôn bán thuốc thú y như sau:
- Có đủ quầy, tủ, giá kệ để chứa, đựng và trưng bày sản phẩm phải đảm bảo chắc chắn, dễ vệ sinh và tránh được những tác động bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, nấm mốc, động vật gặm nhấm và côn trùng gây hại;
- Có trang thiết bị để bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm; có nhiệt kế, ẩm kế theo dõi điều kiện bảo quản sản phẩm. Đối với cơ sở buôn bán vắc xin, chế phẩm sinh học phải có tủ lạnh, tủ mát hoặc kho lạnh; có nhiệt kế để kiểm tra điều kiện bảo quản; có máy phát điện dự phòng, vật dụng, phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin bảo đảm điều kiện bảo quản ghi trên nhãn sản phẩm.
Như vậy, để có thể mở cửa hàng chăm sóc thú y có buôn bán thuốc thú y, bạn cần phải đảm bảo được các điều kiện nêu trên theo quy định pháp luật.
Khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện để được mở cửa hàng chăm sóc thú y, bạn cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký theo quy định tại Điều 21 Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 18/2018/TT-BNNPTNT và khoản 9 Điều 3 Thông tư 13/2022/TT-BNNPTNT. Các giấy tờ, tài liệu cần chuẩn bị như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Chứng chỉ hành nghề thú y;
- Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XX, XXXI ban hành kèm theo Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT;
- Bản thuyết minh chi tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật buôn bán thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Thông tư trên;
- Biên bản kiểm tra điều kiện buôn bán thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIV ban hành kèm theo Thông tư này.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký cho Cục Thú y. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y kiểm tra điều kiện của cơ sở chăm sóc và buôn bán thuốc thú y, nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi được cấp phép từ cơ quan có thẩm quyền, bạn đã có thể mở cửa hàng chăm sóc thú y như mong muốn.
Trước, trong và sau quá trình chuẩn bị hồ sơ, thực hiện thủ tục mở cửa hàng chăm sóc thú y, chắc chắn các bạn không thể tránh khỏi những vướng mắc pháp lý nhất định. Và sau đây NPLaw sẽ giúp quý độc giả giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến việc mở cửa hàng chăm sóc thú y.
Trước tiên, người làm việc trong cửa hàng chăm sóc thú y cần đảm bảo các điều kiện hành nghề thú y quy định tại Điều 108 Luật Thú y năm 2015. Cá nhân hành nghề thú y cần đảm bảo: (1) Có Chứng chỉ hành nghề thú y phù hợp với từng loại hình hành nghề thú y; (2) Có đạo đức nghề nghiệp; (3) Có đủ sức khỏe hành nghề.
Còn đối với tổ chức hành nghề thú y: (1) Có cá nhân đáp ứng các yêu cầu hành nghề thú y theo quy định; (2) Có cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với từng loại hình hành nghề thú y theo quy định của pháp luật.
Ngoài các điều kiện nêu trên, tổ chức, cá nhân hành nghề thú y cần phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn quy định tại Điều 21 Nghị định 35/2016/NĐ-CP như sau:
- Người hành nghề chẩn đoán, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y tối thiểu phải có bằng trung cấp chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản. Người hành nghề tiêm phòng cho động vật phải có chứng chỉ tốt nghiệp lớp đào tạo về kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh cấp.
- Người phụ trách kỹ thuật của cơ sở phẫu thuật động vật, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản.
- Người buôn bán thuốc thú y phải có bằng trung cấp trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản.
Như vậy, người làm việc trong cửa hàng chăm sóc thú y cần phải có Chứng chỉ hành nghề thú y và bằng cấp chuyên môn tương ứng với các vị trí làm việc nêu trên.
Trong quá trình hoạt động cửa hàng chăm sóc thú y cần nhập khẩu, kinh doanh thuốc thú y thì phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 98 Luật Thú y năm 2015. Hồ sơ, thủ tục thực hiện được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y bao gồm:
- Đơn đăng ký;
- Bản thuyết minh chi tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Chứng chỉ hành nghề thú y.
Thứ hai, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y như sau:
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y cho Cục Thú y;
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y kiểm tra điều kiện của cơ sở nhập khẩu thuốc thú y, nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Khoản 3 Điều 98 Luật Thú y năm 2015 có quy định về Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y trong trường hợp bị mất, sai sót, hư hỏng; thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký. Mặt khác, tại điểm a khoản 4 Điều này lại quy định Cục Thú y thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y của tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y trong trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung.
Như vậy, nếu Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu thuốc thú y bị tẩy xóa thì không thuộc trường hợp được cấp lại và sẽ bị Cục Thú y thu hồi lại giấy phép đã cấp.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, Điều 41 Nghị định trên có quy định xử phạt vi phạm về thủ tục và hoạt động trong hành nghề thú y, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa nội dung ghi trong Chứng chỉ hành nghề thú y.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn, thuê, mượn Chứng chỉ hành nghề thú y.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi hành nghề tiêm phòng, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật; tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y không có Chứng chỉ hành nghề thú y hoặc Chứng chỉ hành nghề thú y hết hiệu lực.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khai man, giả mạo hồ sơ để xin cấp Chứng chỉ hành nghề thú y.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như tịch thu các loại hồ sơ, giấy tờ, Chứng chỉ hành nghề thú y đối với hành vi vi phạm.
VI. Dịch vụ tư vấn và thực hiện thủ tục liên quan đến việc mở cửa hàng chăm sóc thú y
Mở cửa hàng chăm sóc thú y là một tiềm năng kinh tế đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, vì thế để mở cửa hàng một cách nhanh chóng, dễ dàng, mà lại tiết kiệm thời gian, công sức thì bạn nên tìm cho mình một đội ngũ pháp lý tư vấn và hỗ trợ để tiến hành soạn thảo, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ cần thiết và thực hiện thủ tục đăng ký mở cửa hàng chăm sóc thú y.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn