MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI TIẾN HÀNH GIẢI QUYẾT LY HÔN

Ly hôn được xem là căn cứ để chấm dứt mối quan hệ hôn nhân đã được xác lập trước đó, đồng thời đây cũng là sự kết thúc của mối quan hệ vợ chồng và các quyền liên quan khác trong quan hệ này. Do đó, vấn đề ly hôn là một vấn đề được quan tâm và không ngừng hoàn thiện trong pháp luật hôn nhân và gia đình. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết về vấn đề “giải quyết ly hôn” theo pháp luật hiện hành. 

I. Ai có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Quyền yêu cầu ly hôn là quyền nhân thân, nó gắn liền với vợ, chồng và không thể chuyển giao cho người khác. Vậy ai là người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn? Quyền yêu cầu ly hôn có thể chia ra làm hai trường hợp là ly hôn thuận tình và ly hôn theo yêu cầu của một bên. 

Thứ nhất, về ly hôn thuận tình do những mâu thuẫn không thể hòa giải, không muốn chung sống cùng nhau thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, ly hôn theo sự tự nguyện và vợ chồng đã tự thỏa thuận về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con cái trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng cho vợ và con thì Tòa án sẽ công nhận ly hôn thuận tình. Nếu không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho vợ và con thì Tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn. Về thuận tình ly hôn được quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó vợ chồng cùng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. 

Thứ hai, về đơn phương ly hôn tức là ly hôn theo yêu cầu của một bên. Khác với thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:

" - Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ".

Theo đó, pháp luật ghi nhận người có quyền yêu cầu ly hôn là vợ, chồng hoặc cả hai người. Tuy nhiên xuất phát từ thực trạng đời sống vợ chồng và nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên vợ hoặc hồng không thể nhận thức, điều khiển hành vi pháp luật đã quy định thêm trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn

Như vậy, có thể thấy trong quan hệ hôn nhân thì pháp luật đã có quy định về việc vợ chồng bình đẳng với nhau về quyền yêu cầu ly hôn. Do đó, trong suốt thời kỳ hôn nhân, vợ chồng đều có quyền ly hôn như nhau, không ai được cưỡng ép, lừa dối, cản trở vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng trong việc thực hiện quyền yêu cầu ly hôn. Tuy nhiên nhằm bảo vệ lợi ích của phụ nữ, của trẻ em và của xã hội, khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

II. Quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 28 Và khoản 2 Điều 29 BLTTDS 2015 quy định về những yêu cầu, tranh chấp về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trong đó có tranh chấp về ly hôn và công nhận thuận tình ly hôn. Theo đó, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn. 

Bên cạnh đó, Tại Điều 39 Bộ Luật Tố Tụng dân sự 2015 quy định như sau: “Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”

Căn cứ vào quy định pháp luật trên thì: 

- Nếu vợ chồng ly hôn thuận tình thì có thể thỏa thuận với nhau về Tòa án nơi nộp đơn, có thể là Tòa án nơi cư trú hoặc Tòa án nơi chồng hoặc vợ cư trú hoặc Tòa án nơi cả hai vợ chồng cư trú.

- Nếu ly hôn đơn phương thì phải nộp đơn khởi kiện ly hôn tới Tòa án nhân dân quận/huyện nơi chồng hoặc vợ cư trú.

III. Thủ tục giải quyết ly hôn theo quy định mới nhất

1. Thủ tục ly hôn thuận tình 

Ly hôn thuận tình là việc cả hai bên trong quan hệ hôn nhân (vợ-chồng) cùng thỏa thuận được với nhau về vấn đề chấm dứt quan hệ hôn nhân, chia tài sản chung, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái (nếu có). Trong trường hợp này, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của hai đương sự thì tòa án sẽ tiến hành giải quyết việc công nhận sự thuận tình ly hôn theo thủ tục công nhận một việc dân sự. (Điều 55 luật Hôn nhân gia đình 2014)

  • Hồ sơ thuận tình ly hôn gồm có: (Hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường Bưu điện)

- Đơn yêu cầu thuận tình ly hôn 

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

- CCCD/CMND/Hộ chiếu (Bản sao);

- Giấy xác nhận thông tin cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Giấy khai sinh của con (Bản sao - nếu có);

- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: GCNQSDĐ (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao);

- Chứng cứ chứng minh thỏa thuận về thuận tình ly hôn (Khoản 3 Điều 396 BLTTDS 2015)

  • Thủ tục thuận tình ly hôn

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND quận/huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng; (Theo Điều 39 BLTTDS 2015).

Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc Tòa án kiểm tra đơn và ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí (Khoản 4 Điều 363 BLTTDS năm 2015)

Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày, nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí Tòa án; 

(Khoản 2 Điều 195 BLTTDS năm 2015)

Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày làm việc Tòa án tiến hành mở phiên họp kể từ ngày quyết định mở phiên họp  (Khoản 4 Điều 366 BLTTDS 2015) 

Bước 5: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải không thành (không thay đổi quyết định về việc ly hôn) nếu các bên không thay đổi ý kiến Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. (Khoản 1 Điều 212 BLTTDS 2015) 

2. Thủ tục ly hôn đơn phương

Ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên) là việc vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn khi có căn cứ cho rằng bên còn lại đang vi phạm nghĩa vụ vợ/chồng với mình và (hoặc) hai bên chưa thỏa thuận được về vấn đề chia tài sản chung, nuôi con, cấp dưỡng cho con khi ly hôn.

  • Hồ sơ thực hiện thủ tục ly hôn

+ Đơn khởi kiện ly hôn (theo mẫu của Tòa án ban hành hoặc theo mẫu đơn khởi kiện quy định tại mẫu số 23 phụ lục ban hành kèm theo nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP-TANDTC ) với trường hợp ly hôn đơn phương;

+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

+ CCCD hoặc CMND (Bản sao);

+ Giấy xác nhận thông tin cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

+ Bản sao giấy khai sinh của con (Nếu có);

+ Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ); Đăng ký xe; sổ tiết kiệm… (bản sao chứng thực).

+ Bằng chứng chứng minh quan hệ vợ chồng lâm vào tình trạng trầm trọng. Ví dụ: xác nhận của UBND xã/phường về việc anh chị đã ly thân, có bạo lực gia đình, xúc phạm danh dự nhân phẩm, không chung thủy...

  • Thủ tục đơn phương ly hôn (tương tự như thuận tình ly hôn)

Lưu ý: Thời hạn chuẩn bị xét xử với vụ án về hôn nhân gia đình tối đa là 04 tháng, nếu vụ án có nhiều tình tiết phức tạp thì thẩm phán được phân công có quyền gia hạn thêm nhưng không quá 02 tháng. (Khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015). Trong thời gian chuẩn bị xét xử, tòa án sẽ gửi thông báo mời các đương sự có mặt tại tòa để tiến hành đánh giá chứng cứ, tài liệu và hòa giải cho các bên. Hết thời hạn chuẩn bị xét xử, nếu không hòa giải được cho các bên thì thẩm phán ra quyết định mở phiên tòa xét xử vụ việc. 

IV. Các câu hỏi thường gặp về giải quyết ly hôn

1. Thời gian giải quyết ly hôn là bao lâu

Như đã nêu ở trên, Tòa án thông báo thụ lý giải quyết yêu cầu ly hôn thuận tình cao nhất là 10 ngày. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Sau đó, theo khoản 1 Điều 366 Bộ luật Tố tụng dân sự, thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Nếu có tình tiết phức tạp thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài nhưng không quá 01 tháng. Và sau khi ra quyết định mở phiên họp thì Tòa án phải mở phiên họp trong thời hạn 15 ngày.

Do đó, việc ly hôn thuận tình có thể kéo dài trong khoảng từ 02 - 03 tháng tùy vào từng trường hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định của pháp luật. Trong thực tế, nếu có vấn đề bất khả kháng, sự kiện khách quan khác… thì việc ly hôn thuận tình có thể kéo dài hơn.

Đối với ly hôn đơn phương thời gian giải quyết sẽ lâu hơn, như phân tích thời gian thực hiện các trình tự thủ tục ở mục III phía trên, có thể thấy để giải quyết một vụ ly hôn đơn phương nhanh nhất khoảng 04 tháng hoặc có thể kéo dài hơn nhiều tùy tính chất của từng vụ việc. 

2. Giải quyết ly hôn khi Tòa án triệu tập nhưng không đến thì vụ án ly hôn có được xét xử cho ly hôn không?

Căn cứ theo điều 227 BLTTDS năm 2015 quy định cụ thể về sự có mặt của đương sự như sau: ““Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa; trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai; đương sự hoặc người đại diện của họ; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa; thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện; và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó; trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa; thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”

Theo quy định của pháp luật, nếu Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà đương sự vẫn vắng mặt thì Tòa án sẽ xét xử vắng mặt nếu là bị đơn còn nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện.

Như vậy, trong trường hợp ly hôn Tòa án triệu tập đến nhưng không đến thì Tòa án sẽ xét xử vụ án ly hôn vắng mặt theo quy định tại Điều 228 BLTTDS năm 2015


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan