MUA BÁN HÀNG GIẢ LÀ GÌ? QUY ĐỊNH VỀ HÀNG GIẢ

Chuyện hàng giả, hàng nhái đã diễn ra trong cuộc sống của chúng ta từ rất lâu, thậm chí dường như xã hội còn chấp nhận sự tồn tại của nó và sống chung với nó. Việc buôn bán hàng giả không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ, uy tín và lợi nhuận của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng thật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng nếu họ mua phải hàng giả kém chất lượng là các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, …

I. THỰC TRẠNG KINH DOANH BÁN HÀNG GIẢ HIỆN NAY

1. Nguyên nhân

Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn diễn ra phổ biến và hết sức phức tạp cả về quy mô, lĩnh vực, phương thức phân phối. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do:

- Siêu lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả;

- Các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chưa thật sự quan tâm đến việc đăng ký và thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

- Một bộ phận người tiêu dùng biết là hàng giả nhưng vẫn chấp nhận mua vì giá của loại hàng hóa này rẻ hơn so với hàng thật (nhất là đối với các sản phẩm như túi xách, giày dép, …)

2. Hậu quả:

- Gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh chân chính. Các mặt hàng giả thường kém chất lượng hơn hàng thật, làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn về chất lượng của hàng thật, từ đó làm giảm uy tín của thương hiệu. Mặc khác, do có lợi thế cạnh tranh về giá, hàng giả khiến những mặt hàng chính hãng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.

- Bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, hàng giả còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm hàng giả là đồ ăn, thức uống, thuốc men, mỹ phẩm.

II. MUA BÁN HÀNG GIẢ LÀ GÌ?

Mua bán hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng giả vào lưu thông.

Hàng giả lưu thông trên thị trường gồm hàng giả được trưng bày, khuyến mại, bảo quản, vận chuyển và lưu giữ trong quá trình mua bán hàng giả.

MUA BÁN HÀNG GIẢ LÀ GÌ?

III. QUY ĐỊNH VỀ HÀNG GIẢ

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ quy định hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ như sau:

“1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.

3. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.”

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng giả gồm:

-  Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hoá không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

- Hàng hoá có nhãn hàng hoá hoặc bao bì hàng hoá ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hoá; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hoá hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

- Tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả.

IV. HÀNG GIẢ CÓ PHẢI LÀ HÀNG NHÁI KHÔNG?

Thuật ngữ "hàng nhái" và "hàng giả" thường được sử dụng thay cho nhau, nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau.

Hàng giả được thiết kế để trông bề ngoài giống y như hàng thật nhưng thường được làm từ vật liệu chất lượng thấp và gắn logo, nhãn hiệu của hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng rằng đó là hàng thật.

Hàng nhái cũng là sản phẩm có kiểu dáng bên ngoài gần giống hàng thật nhưng sẽ không giống y hệt và không gắn logo, nhãn hiệu của sản phẩm thật hoặc sẽ gắn logo là biến thể của sản phẩm thật. Nói chung, đối với sản phẩm nhái, người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận biết rằng đó không phải là sản phẩm thật.

V. CÁC TRƯỜNG HỢP BÁN HÀNG GIẢ PHỔ BIẾN

1. Bán hàng giả ở các cửa hàng, chợ truyền thống

Việc buôn bán hàng giả ở các cửa hàng, chợ truyền thống đã có từ rất lâu, các cơ quan chức năng cũng nhiều lần mở các đợt ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nhưng cuối cùng đâu lại vào đó. Nguồn hàng giả chủ yếu được nhập từ Trung Quốc với giá rất rẻ, vì lợi nhuận cao nên các chủ cửa hàng, tiểu thương sẵn sàng nhập về để bán và một bộ phận người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn sẵn sàng mua vì phù hợp với thu nhập của họ.

CÁC TRƯỜNG HỢP BÁN HÀNG GIẢ PHỔ BIẾN

2. Bán hàng giả trên mạng internet

Trong thời gian gần đây, do sự phát triển của internet, việc buôn bán các sản phẩm có dấu hiệu giả, nhái đang diễn ra tràn lan từ mạng xã hội đến các sàn thương mại điện tử.

Điển hình là những video livestream bán hàng hiệu giá rẻ trên Facebook, những video livestream này có đến cả trăm nghìn lượt xem mỗi tối. Những mặt hàng được quảng cáo đến từ các thương hiệu lớn như Gucci, Dior, Louis Vuitton, ... nhưng lại có giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Bên cạnh những mạng xã hội đã xuất hiện nhiều năm nay như Facebook hay Zalo, TikTok hiện cũng đang là kênh bán hàng được ưa chuộng.

Ngoài mạng xã hội, việc bán hàng có dấu hiệu làm giả qua các kênh thương mại điện tử cũng đang bùng phát mạnh mẽ. Người tiêu dùng chỉ cần lên mạng gõ từ khóa tìm kiếm, hàng loạt sản phẩm sẽ hiện ra với đủ loại mẫu mã, giá cả, chất lượng khác nhau. Việc tràn lan các hình thức bán hàng online khiến cho người dùng như rơi vào một ma trận bởi cả những thông tin về xuất xứ, mã code, mã vạch cũng đều có thể bị làm giả một cách dễ dàng.

VI. BUÔN BÁN HÀNG GIẢ BỊ PHẠT TÙ BAO NHIÊU NĂM?

1. Nếu hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự thì người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

2. Nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

Theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự thì người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

3. Nếu hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi

Theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Hình sự thì người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

4. Nếu hàng giả không thuộc các trường hợp nêu trên

Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự thì người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả không thuộc các trường hợp nêu trên thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 09 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

BUÔN BÁN HÀNG GIẢ BỊ PHẠT TÙ BAO NHIÊU NĂM?

VII. BÁN TIỀN GIẢ GIAO HÀNG TẬN NƠI” BỊ TRUY TỐ NHƯ THẾ NÀO? (TÌNH HUỐNG BÁN TIỀN, TRAO ĐỔI TIỀN TRÊN FACEBOOK)

Theo quy định của Điều 207 Bộ luật Hình sự thì người nào thực hiện hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả thì tùy thuộc vào trị giá tương ứng của tiền giả mà có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

VIII. LÁI XE CHỞ HÀNG GIẢ BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Nếu lái xe biết hàng hóa mà mình vận chuyển là hàng giả nhưng vẫn vận chuyển thì sẽ được xem là đồng phạm với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Tùy số lượng hàng giả, số tiền thu lợi bất chính mà hành vi sẽ bị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự. Trong trường hợp hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Tòa án sẽ xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm để quyết định hình phạt cụ thể.

IX. TỐ CÁO BÁN HÀNG GIẢ Ở ĐÂU?

1. Thủ tục xử lý hàng giả

Để xử lý hàng giả thì chủ thể quyền thực hiện các bước sau:

- Bước 1: Giám định yếu tố xâm phạm

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nộp hồ sơ đề nghị giám định tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ để tiến hành giám định. Việc giám định sẽ là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm xác định có hay không có yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Bước 2: Gửi văn bản cho tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm

Sau khi có kết quả giám định xác định có hành vi xâm phạm thì chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ gửi văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả phải chấm dứt hành vi xâm phạm. Đây là bước không bắt buộc, tuy nhiên nếu sau khi nhận được văn bản này mà tổ chức, cá nhân vi phạm tự nguyện chấm dứt hành vi xâm phạm thì sẽ giúp tiết kiệm công sức, chi phí và thời gian xử lý xâm phạm.

- Bước 3: Áp dụng các biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả

Nếu bên vi phạm không tự nguyện chấm dứt hành vi xâm phạm thì chủ sở hữu tiến hành nộp yêu cầu xử lý tới cơ quan chức năng theo thẩm quyền tương ứng với biện pháp xử lý mà chủ sở hữu muốn áp dụng (hành chính, dân sự, hình sự)

2. Dịch vụ xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú chuyên cung cấp dịch vụ xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được thực hiện bởi các Luật sư tận tâm và có nhiều năm kinh nghiệm. Các dịch vụ của Công ty Luật TNHH Ngọc Phú trong lĩnh vực này bao gồm:

- Tư vấn quy trình xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả;

- Tư vấn nộp hồ sơ đề nghị giám định yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Soạn thảo văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và gửi cho bên vi phạm;

- Nộp đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tới cơ quan chức năng;

- Tham gia với tư cách là đại diện chủ sở hữu trong quá trình xử lý vi phạm;

- Thực hiện các công việc khác liên quan để giải quyết vụ việc.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan