PHÂN LOẠI, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG THEO QUY ĐỊNH MỚI NHẤT

Trong thời gian qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng; đồng thời làm gia tăng lượng phát sinh chất thải rắn công nghiệp với thành phần càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý chất thải ở Việt Nam. Để tìm hiểu sâu hơn quy định pháp luật về chất thải rắn công nghiệp, xin mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

I. Khái niệm chất thải công nghiệp

Chất thải rắn công nghiệp là chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ mà các chủ thể phát sinh chất thải chính là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp, tạo ra nguồn chất thải công nghiệp lớn.

II. Quy định pháp luật về chất thải rắn công nghiệp.

Chất thải rắn công nghiệp có nguồn gốc phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó bao gồm chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Dưới đây là một số quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Quy định pháp luật về chất thải rắn công nghiệp.

1. Phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường

Phân loại chất thải là hoạt động phân tách chất thải (đã được phân định) trên thực tế nhằm chia thành các loại hoặc nhóm chất thải để có các quy trình quản lý khác nhau. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm phân định, phân loại chất thải rắn công nghiệp theo quy định. Theo đó,chất thải rắn công nghiệp thông thường được phân loại thành 03 nhóm như sau:
- Nhóm 1: Nhóm được tái sử dụng, tái chế sử dụng làm nguyên liệu sản xuất.
- Nhóm 2: Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng;

- Nhóm 3: Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
Trường hợp nếu chất thải không thể phân loại được theo nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường thì cần phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.

2. Yêu cầu đối với vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Căn cứ Điều 34 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định về yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường như sau:

Thứ nhất, phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải.

Thứ hai, chất thải rắn công nghiệp thông thường được lưu chứa trong thiết bị lưu giữ chất thải hoặc lưu chứa trực tiếp các phương tiện vận chuyển. Thiết bị lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

Thứ ba, phương tiện vận chuyển rắn công nghiệp thông thường bảo đảm không rơi vãi chất thải rắn công nghiệp thông thường, phát tán bụi, mùi trong quá trình vận chuyển.

Thứ tư, xe tải thùng hở phải phủ bạt kín che nắng, mưa trong quá trình thu gom, lưu chứa, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Thứ năm, phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đang hoạt động phải có dòng chữ : “VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI” ở hai bên thành của phương tiện với chiều cao ít nhất 15 cm, kèm theo tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên lạc.

Như vậy, yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường được quy định khá chặt chẽ nhằm đảm bảo chủ nguồn chất thải, cơ sở vận chuyển chất thải công nghiệp thông thường có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

3. Trách nhiệm của chủ nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường

Căn cứ tại Điều 66 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường như sau:

- Phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường; có thiết bị, dụng cụ, khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định của khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường; được phép chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường quy định tại khoản 1 Điều 65 Nghị định này sau khi phân loại theo đúng quy định cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

- Sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành khi chuyển giao nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý quy định tại điểm c khoản 1 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường.
Yêu cầu đối với vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Như vậy, nâng cao trách nhiệm của chủ nguồn chất thải là bước đầu trong việc quản lý chất thải rắn công nghiệp nhằm phân loại, rút ngắn, giảm thiểu số lượng rác thải ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

III. Xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được quy định như thế nào?

Xử lý chất thải rắn công nghiệp được xem là giai đoạn cuối cùng của quá trình quản lý chất thải, là giai đoạn đảm bảo rằng chất thải qua quá trình xử lý được đưa vào môi trường mà không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Căn cứ tại Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường như sau:
- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải công nghiệp thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020:
+ Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật;
+ Cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp;
+ Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp;
+ Cơ sở vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đã có hợp đồng chuyển giao với đối tượng quy định tại điểm a,b hoặc c của khoản này.

- Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
- Chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường.
- Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý được tự tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường.

Từ thực tế các quy định của pháp luật đối với hoạt động xử lý chất thải rắn công nghiệp thì các chủ thể xử lý chất thải phải có trách nhiệm lựa chọn công nghệ và chu trình xử lý sao cho phù hợp với từng loại chất thải đã phân loại.

IV. Một số câu hỏi thường gặp về chất thải rắn công nghiệp.

1. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng điều kiện gì?

Một số câu hỏi thường gặp về chất thải rắn công nghiệp.

Theo khoản 5 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 đã quy định phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Các phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Thiết bị lưu chứa được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Có thành, đấy, kết cấu cứng, chịu được va chạm, không bị rách vỡ bởi trọng lượng chất thải, có dấu hiệu cảnh báo phòng ngừa đối với chất thải nguy hại.
- Các phương tiện cần phải đáp ứng các yêu cầu đặc thù. Xe tải thùng hở phải được phủ bạt kín sau khi chứa chất thải. Xe mô tô, xe gắn máy phải có thùng chứa và được gắn trên giá để hàng phía sau vị trí ngồi lái của xe mô tô, xe gắn máy.

2. Chất thải rắn công nghiệp thông thường có lẫn chất thải nguy hại không thể phân loại được thì giải quyết như thế nào?.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 80 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Chất thải rắn công nghiệp thông thường có lẫn chất thải nguy hại không thực hiện việc phân loại hoặc không thể phân loại được thì được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Việc phân loại và tách bạch chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất rắn nguy hại trong nhóm chất thải rắn công nghiệp là khó xác định. Chủ nguồn thải đòi hỏi phải có trình độ nhất định về việc nhận biết và quản lý chất thải mới có thể dễ dàng phân loại được. Do đó, dẫn tới tình trạng chất thải rắn công nghiệp được thải bỏ ra không được phân loại đúng theo quy định, nhiều trường hợp để lẫn với các loại chất thải khác

V. Luật sư tư vấn về chất thải rắn công nghiệp.

Hoạt động xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn công nghiệp là hoạt động của chủ thể có thẩm quyền dựa trên các quy định pháp luật hiện hành hành để xử lý vi phạm.Theo khoản 2, khoản 4, khoản 7 Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ nguồn chất thải rắn công nghiệp có thể bị xử lý vi phạm hành chính khi thực hiện cách hành vi sau đây:
- Hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (khoản 2 Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).

- Hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (khoản 4 Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).

- Hành vi vi phạm trong hoạt động xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng ( khoản 7 Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).

Cá nhân, tổ chức vi phạm một trong các hành vi trên sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính và hình thức phạt bổ sung kèm theo các biện pháp khắc phục hiệu quả. Do đó, các chủ nguồn thải chất thải cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất thải công nghiệp nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan