Pháp luật quy định như thế nào về kinh doanh spa?

Công việc hiện đại bận rộn dẫn đến việc nhiều áp lực, stress,... để giải tỏa những nỗi căng thẳng này, hầu hết mọi người đều lựa chọn đi spa thư giãn, chăm sóc lại nhan sắc. Vì nhu cầu này ngày càng tăng mà các cơ sở kinh doanh spa cũng mọc lên như nấm. Thế nhưng không phải cơ sở nào cũng cần xin cấp phép kinh doanh và không phải muốn xin cấp phép kinh doanh spa đều được. Vì có những quy định riêng mà nhiều cơ sở gặp khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí trong việc thành lập và xin cấp phép kinh doanh spa. Hãy cùng NPLAW tìm hiểu và xem qua bài viết dưới đây để có thêm kiến thức pháp lý về kinh doanh spa nhé!

I/ Thế nào là kinh doanh spa?

Kinh doanh spa có thể hiểu là loại hình kinh doanh dịch vụ làm đẹp cho các đối tượng có nhu cầu chăm sóc, cải thiện nhan sắc. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này thu lại lợi nhuận thông qua cung cấp các dịch vụ chăm sóc cơ thể, làm đẹp. Bên cạnh đó kinh doanh spa còn thường kết hợp với bán các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà.

1. Thực trạng kinh doanh spa hiện nay

Nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng tăng, thậm chí là các đấng mày râu cũng chăm chút không kém cạnh hội chị em. Mỗi năm nước ta lại có thêm khoảng 2.000 đơn vị kinh doanh spa, thẩm mỹ viện mở ra. Và không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều chuyên gia chuyên ngành làm đẹp cho rằng, thập kỷ tới là “thời điểm vàng” của ngành spa cũng như ngành chăm sóc sắc đẹp. Dự báo, mỗi năm sẽ có thêm 2.000 spa mở mới để đáp ứng nhu cầu của người dân, tương ứng với hàng chục nghìn vị trí tuyển dụng đang thiếu.

Đây là hệ quả tất yếu khi mà nhu cầu làm đẹp của con người ngày một tăng lên khi đời sống và kinh tế đã ổn định. Spa – làm đẹp không chỉ dành cho người có tiền, mà cả những người thu nhập trung bình vẫn có thể làm đẹp, chăm sóc cơ thể.

2. Mã ngành nghề kinh doanh spa

Theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành nghề kinh doanh thì các mã ngành đăng ký kinh doanh liên quan đến dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (Spa) bao gồm:

9610: Dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự (trừ hoạt động thể thao). Chi tiết nhóm này gồm: Dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật (đánh mỡ bụng, làm thon thả thân hình…);

9631: Cắt tóc, làm đầu, gội đầu. Chi tiết nhóm này gồm:

– Cắt tóc, gội đầu, uốn, sấy, nhuộm tóc, duỗi thẳng, ép tóc và các dịch vụ làm tóc khác phục vụ cả nam và nữ; phun thêu thẩm mỹ chân mày, mắt môi

– Cắt, tỉa và cạo râu;

– Massage mặt, làm móng chân, móng tay, trang điểm…

Loại trừ: Làm tóc giả được phân vào nhóm 32900 (Sản xuất khác chưa được phân vào đâu).

Do vậy, theo quy định pháp lý nêu trên, Dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (Spa) là hoạt động chăm sóc sắc đẹp không gây chảy máu, không thực hiện phẫu thuật trên cơ thể con người giống như bệnh viện hay thẩm mỹ viện thuộc mã 9610 và 9631.

3. Ví dụ về các loại hình spa hiện nay

Hiện nay có nhiều loại hình spa đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, điển hình như:

  • Spa truyền thống: loại hình spa này hay còn được gọi với cái tên khác là Day spa. Khách hàng có thể ghé spa trong bất kể khoảng thời gian nào trong giờ mở cửa spa. Và có thể lựa chọn các liệu pháp trị liệu hoặc dịch vụ đơn lẻ như massage, xoa bóp, chăm sóc da mặt, da toàn thân hoặc gói kết hợp các dịch vụ spa. 
  • Clinic spa: là sự kết hợp giữa phòng khám và điều trị chuyên cung cấp các dịch vụ giải quyết vấn đề về da như mụn, nám, dị ứng da… Những dịch vụ này sẽ bao gồm các quy trình từ tư vấn, thăm khám, điều trị và sử dụng thuốc sau điều trị. 
  • Spa trị liệu toàn diện: là liệu trình giúp giảm căng thẳng mệt mỏi và đau nhức cơ bằng cách kết hợp massage và trị liệu tâm lý. Phương pháp điều trị dựa trên các dược phẩm thảo dược, chế độ ăn uống lành mạnh, thanh lọc cơ thể và yoga thiền định.
  • Spa trị liệu bằng nước: sẽ có 2 dạng mô hình spa chính là spa suối nước nóng (thiên nhiên) và spa trị liệu bằng nước biển (nhân tạo). Cả 2 dạng này đều có một hình thức chung là sử dụng các phương pháp điều trị thủy liệu. Spa suối nước nóng sẽ được xây dựng gần những khu có mạch nước ngầm thiên nhiên. Trong khi đó, spa trị liệu bằng nước biển thường là nhân tạo, xây dựng tại các khu trung tâm. Nước sẽ hỗ trợ tốt trong việc đào thải độc tố, lưu thông máu và giảm cân.

II/ Điều kiện kinh doanh spa là gì?

Kinh doanh spa được xem là kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ được quy định tại Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, tuy nhiên quy định này chỉ mang tính tham khảo vì đã bị bãi bỏ và chưa có quy định thay thế, cụ thể:

- Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Cơ sở vật chất: Có địa điểm cố định và bảo đảm các điều kiện vệ sinh.
  • Thiết bị: Có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
  • Nhân sự: Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
  • Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. 
  • Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, nếu kinh doanh spa mà không dùng thuốc, các chất, thiết bị can thiệp vào cơ thể người thì chỉ cần chứng chỉ hành nghề.

III/ Quy định về kinh doanh spa như thế nào?

Ngoài mã ngành nghề kinh doanh spa và điều kiện kinh doanh spa ở hai mục trên thì cụ thể đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), đây là một trong các hoạt động kinh doanh spa cũng được quy định tại Điều 38 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, tuy nhiên quy định này cũng chỉ mang tính tham khảo vì đã bị bãi bỏ nhưng chưa có quy định thay thế.

- Đối với cơ sở vật chất trong hoạt động đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage) cần đáp ứng:

  • Địa điểm cố định, có đủ ánh sáng, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình.
  •  Mỗi phòng xoa bóp có chuông cấp cứu bố trí một chiều từ phòng xoa bóp tới phòng bác sĩ hoặc nơi đón tiếp khách hàng;
  • Có bản quy trình kỹ thuật xoa bóp chữ to, dễ đọc dán hoặc treo trên tường phòng xoa bóp in trên khổ giấy A1.
  • Có buồng tắm hợp vệ sinh, bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện vệ sinh khác để chăm sóc khách hàng.

- Đối với thiết bị trong hoạt động đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage) cần đáp ứng:

  • Có giường xoa bóp hoặc ghế hoặc đệm phù hợp; ga trải giường, gối, khăn tắm phải bảo đảm vệ sinh;
  • Có giường khám bệnh, tủ thuốc cấp cứu, bàn làm việc và một số dụng cụ y tế (ống nghe, huyết áp, nhiệt kế, bơm kim tiêm) tại phòng trực của bác sĩ;
  • Có đủ thuốc cấp cứu thông thường.

- Đối với nhân sự trong hoạt động đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage) cần đáp ứng:

  • Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp phải là bác sĩ hoặc y sỹ hoặc kỹ thuật viên thuộc một trong các chuyên ngành phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền hoặc có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu hoặc y học cổ truyền. Trường hợp có chỉ định thuốc thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là bác sĩ các chuyên ngành phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền;
  • Người làm việc tại cơ sở nếu có thực hiện kỹ thuật xoa bóp thì phải có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo về xoa bóp do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp. Nhân viên thực hiện kỹ thuật xoa bóp phải mặc trang phục gọn, sạch, đẹp, có phù hiệu ghi rõ tên cơ sở, tên nhân viên, có ảnh 3cm x 4cm.
  • Cơ sở dịch vụ xoa bóp không thuộc loại hình phải cấp giấy phép hoạt động nhưng trong thời hạn 10 ngày, trước khi hoạt động phải có văn bản thông báo đủ điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý. Văn bản thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này.

Như vậy, tùy vào hoạt động kinh doanh của spa đó mà cần đảm bảo các điều kiện luật định cũng như thực hiện đăng ký hoạt động kinh doanh sao cho phù hợp.

IV/ Yêu cầu về kinh doanh spa là gì?

Kinh doanh spa được xem như một loại hình kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, do đó cần đáp ứng kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ tại Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, ngoài ra nếu cơ sở kinh doanh spa có hoạt động xoa bóp (massage) thì cần đáp ứng thêm điều kiện tại Điều 38 Nghị định 109/2016/NĐ-CP như mục II, mục III bài viết này. 

Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh spa cần đăng ký giấy phép kinh doanh và đảm bảo các chứng chỉ hành nghề nếu các hoạt động của cơ sở thuộc các trường phải đăng ký. Tuy nhiên những yêu cầu trên chỉ mang tính tham khảo vì quy định này đã bị bãi bỏ và chưa có quy định thay thế.

V/ Các giấy tờ pháp lý cần có khi kinh doanh spa gồm những gì?

Chủ thể kinh doanh cần tiến hành đăng ký kinh doanh bằng 1 trong 2 phương thức sau: Đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc đăng ký thành lập công ty theo trình tự thủ tục tại Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 và khi đăng ký ngành nghề kinh doanh có đăng ký ngành nghề như sau:

- Nếu chủ thể kinh doanh đăng ký ngành nghề chăm sóc sắc đẹp không bao gồm hoạt động xoa bóp (massage) thì chủ thể tiến hành đăng ký kinh doanh bình thường và được hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Nếu chủ thể kinh doanh đăng ký ngành nghề chăm sóc sắc đẹp có bao gồm hoạt động xoa bóp (massage) thì chủ thể kinh doanh tiến hành đăng ký hoạt động kinh doanh và phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Thứ nhất, Xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo nghị định số 96/2016/NĐ-CP;

+ Thứ hai, Đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh . Tuy nhiên, điều kiện này chỉ mang tính tham khảo vì quy định đã bị bãi bỏ và chưa có quy định thay thế.

VI/ Những khó khăn thường gặp khi kinh doanh spa là gì? 

Một trong những khó khăn thường gặp khi kinh doanh spa chính là quá trình thành lập và xin cấp phép hoạt động, do chưa nắm hết các quy định mà các chủ spa mất nhiều thời gian, bất lợi trong quá trình đăng ký. Có thể hồ sơ nộp tại cơ quan có thẩm quyền không đầy đủ, còn thiếu sót, hoặc chưa chứng minh được cơ sở của mình đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của luật…. Vì vậy mà hồ sơ bị trả về để chỉnh sửa, kê khai lại, bổ sung thêm giấy tờ, điều này gây mất thời gian, chi phí đi lại và có thể làm chậm tiến độ khai truong, kế hoạch kinh doanh của cơ sở.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan