Pháp luật quy định như thế nào về thành lập địa điểm kinh doanh

Quyết định thành lập địa điểm kinh doanh là công việc mà doanh nghiệp cần xem xét kỹ lưỡng và cẩn thận. Điều này phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như mở rộng cơ sở hiện tại, thâm nhập vào thị trường mới, hay chuyển sang cơ sở mới,…  Để thực hiện thành lập địa điểm kinh doanh hợp pháp, doanh nghiệp cần tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật. Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ cung cấp cho Quý độc giả các thông tin cần thiết về quy định pháp luật liên quan đến thành lập địa điểm kinh doanh.

I. Nhu cầu thành lập địa điểm kinh doanh hiện nay

Đăng ký địa điểm kinh doanh là việc đăng ký thêm một địa điểm kinh doanh ngoài địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ chi nhánh. Theo thống kê của tỉnh Đồng Nai, tính trong năm 2022, có 172 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2021 (102 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện).

Điều này cho thấy sự tăng mạnh trong nhu cầu thành lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Đồng Nai nói riêng và trên cả nước nói chung. Sự gia tăng mạnh mẽ này là minh chứng có sự phát triển của kinh tế xã hội, kéo theo đó là sự tăng nhanh trong nhu cầu tìm hiểu pháp luật về thành lập địa điểm kinh doanh.

II. Quy định liên quan đến thành lập địa điểm kinh doanh

Trong quá trình thành lập địa điểm kinh doanh, các vấn đề về tên địa điểm kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh là các vấn đề mà doanh nghiệp luôn quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu, làm rõ.

Theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định: 

“Doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh”.

Như vậy, để thuận tiện cho hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể đăng ký địa điểm kinh doanh cùng địa chỉ hoặc khác địa chỉ với nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Đối với tên của địa điểm kinh doanh, pháp luật doanh nghiệp quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau:

“Điều 40. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh

1. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

3. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành”.

Theo đó, trong quá trình thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về đặt tên địa điểm kinh doanh.

III. Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh

1. Thẩm quyền giải quyết thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh là Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 31 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì: 

“2. Thông báo lập địa điểm kinh doanh

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh;”

Như vậy, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt địa điểm kinh doanh là cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh.

IV. Các thắc mắc liên quan đến thành lập địa điểm kinh doanh

1. Thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh có được gửi online không?

Thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh là một trong các thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Căn cứ vào Điều 26 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

“Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp

1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:

a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;

b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử”.

Như vậy, thủ tục đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh vẫn có thể gửi online qua mạng thông tin điện tử.

2. Đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh có tốn phí không?

Theo quy định tại Biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC thì:

STT Nội dung Đơn vị tính Mức thu
1 Lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp). Đồng/lần 50.000

Như vậy, đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh có mức thu lệ phí là 50.000 đồng/ lần.

3. Đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh trễ có bị phạt tiền không?

Hiện nay, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư được điều chỉnh bởi Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021, bao gồm các hành vi vi phạm về thủ tục đăng ký trong lĩnh vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP hiện chưa ghi nhận biện pháp xử phạt đối với hành vi đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh trễ.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, theo quy định tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh trễ không bị phạt tiền.

4. Có được thành lập địa điểm kinh doanh ở nước ngoài không?

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 31 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về thông báo địa điểm kinh doanh như sau:

“2. Thông báo lập địa điểm kinh doanh

a) Doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh”.

Hiện nay, pháp luật không có quy định ràng buộc “địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh” phải là địa chỉ trong nước. Trên tinh thần cá nhân, tổ chức có thể làm những gì pháp luật không cấm, việc nơi đặt địa điểm kinh doanh ở nước ngoài không thuộc các quy định cấm của pháp luật hiện hành.

Như vậy, doanh nghiệp có quyền thành lập địa điểm kinh doanh ở nước ngoài.

V. Dịch vụ pháp lý liên quan đến thành lập hoạt động địa điểm kinh doanh.

Trên đây là nội dung tư vấn pháp lý của Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) liên quan đến nội dung thành lập hoạt động địa điểm kinh doanh. Trong trường hợp Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề pháp lý về thành lập hoạt động địa điểm kinh doanh, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật TNHH Ngọc Phú để được đội ngũ Luật sư của chúng tôi tư vấn tận tình và nhanh chóng. 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan