QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ DỊCH VỤ THIẾT KẾ WEBSITE

 

Dịch vụ thiết kế website cung cấp giải pháp tạo ra giao diện và chức năng của trang web, đảm bảo trang web hoạt động tốt và đáp ứng nhu cầu người dùng. Dịch vụ thiết kế website giúp doanh nghiệp tạo dựng hiện diện trực tuyến chuyên nghiệp, thu hút khách hàng và tăng doanh thu.

I. Tìm hiểu về dịch vụ thiết kế website

Dịch vụ thiết kế website không chỉ giúp doanh nghiệp khẳng định sự hiện diện trực tuyến mà còn góp phần nâng cao trải nghiệm của người dùng, đảm bảo tính cạnh tranh trong một thị trường ngày càng khốc liệt.

Sau đây, kính mời quý độc giả hãy cùng NPLaw tìm hiểu các vấn đề quan trọng liên quan đến dịch vụ thiết kế website nhé!

1. Dịch vụ thiết kế website là gì?

Dịch vụ thiết kế website là quá trình cung cấp các giải pháp và kỹ năng chuyên môn để tạo ra một trang web phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của khách hàng, giúp họ xây dựng sự hiện diện trực tuyến. Dịch vụ này bao gồm việc thiết kế giao diện, bố cục, tính năng và cấu trúc trang web sao cho tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và phù hợp với mục tiêu kinh doanh của khách hàng. 

- Dịch vụ thiết kế website có phải là dịch vụ phần mềm không?

Dịch vụ phần mềm là một loại dịch vụ công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức vận hành hiệu quả hơn thông qua việc tự động hóa các quy trình và cung cấp giải pháp quản lý.

Theo khoản 10, Điều 3, Nghị định 71/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin thì dịch vụ phần mềm là hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ việc sản xuất, cài đặt, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động tương tự khác liên quan đến phần mềm.

Như vậy, dịch vụ thiết kế website là một trong các dịch vụ phần mềm bởi nó liên quan đến việc sản xuất, cài đặt, sử dụng và bảo trì một trang web – vốn là một dạng phần mềm hoạt động trên nền tảng web. 

2. Dịch vụ thiết kế website gồm những gì?

Dịch vụ thiết kế website bao gồm một loạt các công đoạn và yếu tố quan trọng nhằm tạo ra một trang web chuyên nghiệp, bao gồm:

  • Tư vấn và lên kế hoạch;
  • Thiết kế giao diện người dùng;
  • Trải nghiệm người dùng;
  • Tích hợp các tính năng;
  • Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm;
  • Bảo mật website;
  • Kiểm tra và bảo trì;
  • Đào tạo và hỗ trợ.

Như vậy, dịch vụ thiết kế website không chỉ bao gồm việc tạo ra một trang web đẹp mắt mà còn đảm bảo website hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, đồng thời tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và bảo mật cho hệ thống.

II. Quy định pháp luật về dịch vụ thiết kế website

Dịch vụ thiết kế website không chỉ là một hoạt động kinh doanh đơn thuần mà còn phải tuân thủ các quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên, để tiếp tục nội dung, sau đây NPLaw sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về quy định của pháp luật về dịch vụ thiết kế website.

1. Điều kiện hoạt động của dịch vụ thiết kế website

Để hoạt động hợp pháp và hiệu quả, doanh nghiệp hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ thiết kế website cần tuân thủ một số điều kiện sau:

Theo Điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định như sau:

  • Tổ chức, doanh nghiệp là các thực thể được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Có đội ngũ nhân sự quản lý đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
  • Đảm bảo đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức và nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động;
  • Đảm bảo an toàn thông tin và an ninh thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội.

Ngoài ra, theo Khoản 7, Điều 1, Nghị định 27/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng) quy định khi cung cấp dịch vụ đăng ký và duy trì tên miền cần tuân thủ các quy định và nguyên tắc sau:

  • Không gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác;
  • Không được sử dụng vị thế của mình để chiếm đoạt tên miền một cách trái phép.

2. Có cần thực hiện hợp đồng với dịch vụ thiết kế website không? Tại sao?

Việc ký hợp đồng thiết kế website không chỉ là một bước cần thiết trong quá trình hợp tác mà còn là một cách để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên, cụ thể như sau:

  • Hợp đồng sẽ cụ thể hóa tất cả các yêu cầu mà bên thuê và bên thiết kế đã thống nhất;
  • Quá trình theo dõi tiến độ của dự án trở nên dễ dàng hơn;
  • Hợp đồng sẽ là căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các bên. 

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên thực hiện dịch vụ thiết kế website

Khi thực hiện dịch vụ thiết kế website, cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ đều có các quyền và nghĩa vụ cụ thể để đảm bảo quá trình hợp tác diễn ra suôn sẻ, đúng pháp luật và bảo vệ quyền lợi của cả hai bên.

(1) Quyền và nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ:

  • Được nhận thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo thỏa thuận hợp đồng;
  • Thiết kế website theo đúng yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật đã thỏa thuận trong hợp đồng;
  • Bảo mật thông tin và dữ liệu của khách hàng trong quá trình thực hiện dịch vụ;
  • Bàn giao website đúng thời hạn và đảm bảo tính hoàn thiện, không có lỗi kỹ thuật.

(2) Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ:

  • Được nhận website theo đúng thiết kế, chức năng và chất lượng đã thỏa thuận;
  • Được hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong suốt thời gian bảo hành/bảo trì website;
  • Thanh toán đúng hạn và đầy đủ theo hợp đồng;
  • Sử dụng website theo đúng quy định của pháp luật và không vi phạm bản quyền hoặc các quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba.

Như vậy, cả hai bên cần tôn trọng và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ đã cam kết để đảm bảo dự án được hoàn thành hiệu quả và hợp pháp.

III. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến dịch vụ thiết kế website

1. Không bàn giao đúng các nội dung trong hợp đồng dịch vụ thiết kế website thì xử lý như thế nào?

Khi không bàn giao đúng các nội dung trong hợp đồng dịch vụ thiết kế website, khách hàng có thể yêu cầu bên cung cấp dịch vụ hoàn thiện hoặc sửa đổi, áp dụng phạt vi phạm, yêu cầu bồi thường hoặc chấm dứt hợp đồng. Nếu việc thương lượng không hiệu quả, việc khởi kiện hoặc giải quyết tranh chấp qua trọng tài thương mại là các phương án khả thi.

2. Dịch vụ thiết kế website có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện không?

Dịch vụ thiết kế website không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật tại Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là những ngành nghề mà pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện cụ thể về giấy phép, cơ sở vật chất, nhân sự hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật mới được phép kinh doanh. 

3. Chậm tiến độ thực hiện dịch vụ thiết kế website gây ảnh hưởng đến doanh thu thì có kiện để bồi thường tổn thất được hay không?

Chậm tiến độ trong quá trình thực hiện dịch vụ thiết kế website là tình huống khi bên cung cấp dịch vụ không hoàn thành các công việc theo đúng thời hạn đã cam kết trong hợp đồng.

Theo quy định tại Điều 303 Luật Thương mại 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau:

  • Có hành vi vi phạm hợp đồng; 
  • Có thiệt hại thực tế; 
  • Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Như vậy, có thể kiện để bồi thường tổn thất nếu việc chậm tiến độ thực hiện dịch vụ thiết kế website gây ảnh hưởng đến doanh thu.

4. Dịch vụ thiết kế website trong nước có phải chịu thuế giá trị gia tăng không?

Dịch vụ thiết kế website trong nước là dịch vụ cung cấp bởi các công ty, cá nhân hoặc tổ chức tại Việt Nam.

Theo quy định tại khoản 21, Điều 4 Thông tư 219/2013/NĐ-CP, các đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm:

  • Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ;
  • Chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ;
  • Trong trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị, thì thuế GTGT sẽ không được tính trên phần giá trị công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ, nếu có thể tách riêng. Nếu không thể tách rời, thuế GTGT sẽ được tính trên tổng giá trị.

Đồng thời, theo Công văn 1340/CT-TTHT năm 2018 thì dịch vụ thiết kế website thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Bên cạnh đó, theo Công văn 4242/TCT-CS năm 2014, nếu công ty ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm ra nước ngoài và đáp ứng các điều kiện quy định, thì sẽ được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%. Đối với các dịch vụ cung cấp trong nội địa như lập trình phần mềm và thiết kế website, thì công ty sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, nếu công ty thực hiện dịch vụ thay mặt khách hàng để đăng ký tên miền website hoặc cho thuê máy chủ (hosting), thì các dịch vụ này sẽ áp dụng thuế suất GTGT là 10%.

5. Cung cấp dịch vụ thiết kế website cho đối tác nước ngoài cần lưu ý những gì khi soạn hợp đồng?

Khi cung cấp dịch vụ thiết kế website cho đối tác nước ngoài cần lưu ý một số điều quan trọng như sau:

  • Cần nêu rõ các dịch vụ sẽ được cung cấp (bao gồm thiết kế, phát triển, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật);
  • Đưa ra thời gian hoàn thành cụ thể cho từng giai đoạn của dự án và quy định thời gian cho phép đối tác yêu cầu sửa đổi sau khi dự án được hoàn thành;
  • Nêu rõ tổng chi phí dịch vụ và cách thức thanh toán;
  • Nêu rõ các điều kiện mà một bên có thể chấm dứt hợp đồng (bao gồm việc vi phạm điều khoản hợp đồng);
  • Quy định phương thức giải quyết tranh chấp và địa điểm giải quyết.

IV. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến dịch vụ thiết kế website

Trên đây là bài viết của NPLaw về quy định dịch vụ thiết kế website hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:

Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

Công Ty Luật TNHH Ngọc Phú - Hãng Luật NPLaw

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 419 996

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan