QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HỢP TÁC KHAI THÁC CÁT

 

 

Hợp tác khai thác cát là một mô hình kinh tế, trong đó các cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp cùng nhau tham gia vào hoạt động khai thác tài nguyên cát từ các khu vực sông, biển hoặc mỏ cát tự nhiên. Đây là hình thức hợp tác nhằm tối ưu hóa nguồn lực, chia sẻ chi phí đầu tư, rủi ro, cũng như lợi nhuận từ việc khai thác. 

I. Tìm hiểu về hợp tác khai thác cát

Ở Việt Nam ngày nay, nhu cầu về cát đang ngày càng tăng cao, kéo theo sự bùng nổ trong hoạt động khai thác cát. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, nhiều vấn đề phức tạp đã nảy sinh, đặc biệt là những vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác cát trái phép.

 

Sau đây, kính mời quý độc giả hãy cùng NPLaw tìm các vấn đề liên quan đến hợp tác khai thác cát nhé!

1. Hợp tác khai thác cát là gì?

Hợp tác khai thác cát là hình thức hai hoặc nhiều bên cùng liên kết với nhau để thực hiện hoạt động khai thác cát, thường thông qua một thỏa thuận hợp tác kinh doanh hoặc lập liên doanh. Mục tiêu chính của hợp tác này là khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cát, thường là từ các con sông, bãi biển, hoặc khu vực khai thác cát trên đất liền, để phục vụ cho các nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng hoặc các mục đích khác.

2. Khai thác cát có bị cấm không?

Khai thác cát không bị cấm hoàn toàn, nhưng phải tuân theo các quy định pháp luật hiện hành. Tại Việt Nam, hoạt động khai thác cát được quản lý bởi các quy định của Luật Khoáng sản 2010 và các nghị định hướng dẫn thi hành. Dưới đây là một số quan trọng liên quan đến việc khai thác cát:

  • Tất cả các hoạt động khai thác cát đều phải có giấy phép do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Nếu không có giấy phép, hoạt động khai thác cát sẽ bị coi là trái phép.
  • Các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể để được cấp giấy phép khai thác, bao gồm bảo vệ môi trường, kế hoạch khai thác và đảm bảo an ninh trật tự. 

3. Điều kiện để được hợp tác khai thác cát

Theo quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản 2010 thì để được thực hiện việc khai thác cát cần phải được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, điều kiện cấp Giấy phép khai thác khoáng sản gồm:

  • Dự án đầu tư phải được thực hiện ở khu vực đã thăm dò và khu vực đó phải có trữ lượng khoáng sản đã được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch liên quan theo quy định của pháp luật.
  • Phải có phương án sử dụng nhân lực, thiết bị, công nghệ và phương pháp khai thác phù hợp.
  • Nếu dự án liên quan đến khai thác các khoáng sản độc hại, bắt buộc phải có sự chấp thuận bằng văn bản từ Thủ tướng Chính phủ. 
  • Dự án đầu tư khai thác khoáng sản bắt buộc phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
  • Vốn chủ sở hữu của dự án khai thác khoáng sản phải chiếm ít nhất 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đó.

Như vậy, để được hợp tác khai thác cát thì các tổ chức hoặc cá nhân cần đáp ứng một số điều kiện pháp lý theo quy định của pháp luật giúp các bên tham gia hợp tác để khai thác cát giảm thiểu các rủi ro về pháp lý trong quá trình hoạt động.

II. Quy định pháp luật về việc hợp tác khai thác cát

1. Trường hợp nào hợp tác khai thác cát trái pháp luật? Nếu trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Hợp tác khai thác cát trái pháp luật là tình huống mà các cá nhân hoặc tổ chức tham gia vào hoạt động khai thác cát mà không tuân thủ các quy định của pháp luật, dẫn đến việc vi phạm các quy định liên quan đến giấy phép, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Theo quy định tại Nghị định 36/2020/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thì việc khai thác cát được xem là trái pháp luật khi thuộc các trường hợp sau:

  • Khai thác cát không có giấy phép;
  • Khai thác quá mức cho phép;
  • Khai thác tại khu vực cấm;
  • Khai thác cát trái phép từ các nguồn không hợp pháp;
  • Hợp tác giữa các cá nhân, tổ chức mà không có sự đồng ý của cơ quan chức năng.

Khai thác cát trái pháp luật không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường và xã hội. Việc khai thác cát trái pháp luật bị xử phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác cát trên sông dẫn đến sạt, lở lòng, bờ, bãi sông hoặc gây ngập úng nặng vùng đất ven sông được quy định tại điểm a, khoản 6, Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP;
  • Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác cát ở vùng nước nội thủy ven biển vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác được quy định tại khoản 8, Điều 37 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 15, Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP);
  • Phạt tiền từ  20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi khai thác cát trái phép ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại khoản 1, Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23, Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP).

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 36/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 3, Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP), mức phạt tiền đối với tổ chức (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện) thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong đó có khai thác cát, sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi, chủ thể thực hiện hành vi khai thác cát trái phép nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Hợp đồng hợp tác khai thác cát mới nhất phải gồm những nội dung gì?

Hợp đồng hợp tác thực sự là một thỏa thuận quan trọng giữa các bên để cùng nhau thực hiện một công việc cụ thể như đóng góp tài sản, công sức để cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Theo Điều 505 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng hợp tác khai thác cát có nội dung như sau:

  • Nêu rõ mục tiêu hợp tác (ví dụ: khai thác cát phục vụ công trình xây dựng) và thời gian hợp tác (bắt đầu và kết thúc);
  • Cung cấp thông tin đầy đủ về các bên tham gia hợp tác, bao gồm cá nhân và pháp nhân;
  • Liệt kê tài sản mà mỗi bên sẽ đóng góp (nếu có);
  • Xác định cụ thể sự đóng góp bằng lao động của mỗi bên (nếu có);
  • Quy định rõ cách thức chia sẻ lợi nhuận từ hoạt động khai thác (tỷ lệ phần trăm, thời gian chia sẻ);
  • Nêu rõ quyền lợi và trách nhiệm của từng bên trong quá trình thực hiện hợp tác;
  • Nếu có người đại diện, cần chỉ định và mô tả quyền hạn, trách nhiệm của họ;
  • Đưa ra quy định về điều kiện để một thành viên tham gia hoặc rút khỏi hợp đồng;
  • Xác định các điều kiện có thể dẫn đến việc chấm dứt hợp tác như hoàn thành mục tiêu hợp tác, vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc theo thỏa thuận của các bên.

Như vậy, việc lập hợp đồng hợp tác khai thác cát phải đầy đủ, chi tiết giúp các bên đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình làm việc chung

III. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến hợp tác khai thác cát

1. Hợp tác khai thác cát có cần xin phép không? Nếu có thì cơ quan chức năng nào quản lý?

Hợp tác khai thác cát là một hoạt động thuộc lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, vì vậy, hợp tác khai thác cát bắt buộc phải xin phép từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trong đó bao gồm Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan khác tùy theo khu vực khai thác và phạm vi hoạt động.

2. Hợp tác khai thác cát thì có phải đóng thuế không?

Hoạt động hợp tác khai thác cát phải đóng các loại thuế và phí bắt buộc, bao gồm thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường và các lệ phí liên quan đến khai thác khoáng sản.

3. Hợp tác khai thác cát trái phép bị xử lý như thế nào?

Theo khoản 1, Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 23, Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định số tiền phạt vi phạm khai thác cát trái phép đối với hành vi khai thác cát không có Giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 tùy thuộc vào thời điểm phát hiện vi phạm.

Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 3, Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền xử lý vi phạm đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) thì sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi hợp tác khai thác cát trái phép do cá nhân, hộ kinh doanh, chi nhánh và văn phòng đại diện nếu khai thác cát mà không có giấy phép sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Đối với tổ chức thì bị phạt gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

IV. Dịch vụ tư vấn và soạn thảo các văn bản, hợp đồng liên quan đến hợp tác khai thác cát

Trên đây là bài viết của NPLaw về quy định hợp tác khai thác cát mới nhất hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về tư vấn và soạn thảo các văn bản, hợp đồng liên quan đến hợp thác khai thác cát, bạn có thể liên hệ NPLaw qua thông tin sau:

Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

Công Ty Luật TNHH Ngọc Phú - Hãng Luật NPLaw

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 419 996

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan