QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CƠ SỞ BUÔN BÁN PHÂN BÓN

I. Tìm hiểu về cơ sở buôn bán phân bón

Việc kinh doanh buôn bán phân bón hiện nay đang ngày càng phổ biến đối với người dân khi nhu cầu sử dụng phân bón tăng cao. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào đối với cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh cơ sở phân bón, những điều kiện cần phải đảm bảo theo thủ tục gì? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu dưới bài viết này nhé!

II. Quy định pháp luật về cơ sở buôn bán phân bón

1. Thế nào là cơ sở buôn bán phân bón?

Khoản 20 Điều 2 Luật Trồng trọt năm 2018 quy định phân bón là những chất được sử dụng để bón vào đất nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho đất, cây trồng, nhằm thúc đẩy sự phát triển, sinh trưởng của cây trồng, từ đó cho năng suất thu hoạch cao.

Căn cứ Khoản 6, Điều 3 Nghị Định 84/2019/NĐ-CP quy định buôn bán phân bón là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa phân bón vào lưu thông.

Như vậy, cơ sở buôn bán phân bón là địa điểm thực hiện các hoạt động từ chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa phân bón vào lưu thông.

2. Cơ sở cần lưu ý những gì khi làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón

Căn cứ theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt 2018, điểm k khoản 1 tiểu mục I Mục B Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV năm 2023.

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm:

- Có địa điểm giao dịch hợp pháp, rõ ràng;

- Có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ truy xuất nguồn gốc phân bón theo quy định;

- Người trực tiếp buôn bán phân bón phải được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phân bón theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trừ trường hợp đã có trình độ từ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học.

Như vậy, khi làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón thì tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón trước hết phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên.

3. Trường hợp nào cơ sở buôn bán phân bón bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón

Căn cứ khoản 1 Điều 18 Nghị định 84/2019/NĐ-CP thì Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

- Sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng thực tế làm sai lệch bản chất của hồ sơ;

- Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung ghi trong Giấy chứng nhận.

III. Một số thắc mắc về cơ sở buôn bán phân bón

1. Có bắt buộc phải có địa điểm kinh doanh khi buôn bán phân bón không?

Căn cứ Điều 42 Luật Trồng trọt 2018 thì khi buôn bán phân bón phải có địa điểm kinh doanh đúng quy định pháp luật và cũng là một trong những điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

2. Khi thay đổi địa điểm buôn bán thì cơ sở buôn bán phân bón cần xin cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón?

Căn cứ theo nội dung tại Điều 16 Nghị định 84/2019/NĐ-CP, điểm c khoản 2 tiểu mục I Mục B Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV năm 2023.

Các trường hợp phải làm hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bao gồm:

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón bị mất, hư hỏng;

- Thay đổi thông tin tổ chức, cá nhân ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;

- Tổ chức, cá nhân thay đổi địa điểm buôn bán phân bón.

Như vậy, theo nội dung trên thì việc làm hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón khi thay đổi địa điểm buôn bán phân bón là điều cần thiết.

3. Cơ sở buôn bán phân bón khi chưa được cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón thì có bị xử phạt không?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;

b) Buôn bán phân bón trong thời gian bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;

c) Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại Luật Trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động.

Đồng thời, căn cứ tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, pháp luật hiện hành không có quy định về việc cơ sở buôn bán phân bón khi chưa được cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón thì có bị xử phạt hay không tuy nhiên Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón là một trong những điều kiện để cơ sở hoạt động, do đó trong thời gian xin cấp lại tức là vẫn chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán nên vẫn có thể bị xử phạt nếu tự ý buôn bán.

4. Thay đổi người đại diện thì cơ sở buôn bán phân bón có phải làm hồ sơ xin cấp lại Giấy phép buôn bán phân bón mới không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 84/2019/NĐ-CP, điểm c khoản 2 tiểu mục I Mục B Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 174/QĐ-BNN-BVTV 2023.

Cơ sở hoạt động buôn bán phân bón khi thay đổi nội dung thông tin tổ chức, cá nhân ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón thì phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận mới cho phù hợp với tình hình thay đổi.

Như vậy, việc thay đổi người đại diện là một trong những điều kiện để cơ sở buôn bán phân bón phải thực hiện hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón.

5. Buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có bị xử phạt hay không?

Tại khoản 7 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP, khoản 8 Điều 21 Nghị định 31/2023/NĐ-CP có quy định việc buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có bị xử phạt với mức phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân.

6. Cơ sở buôn bán phân bón hóa học giả từ bao nhiêu tiền thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 người nào sản xuất, bán phân bón bao gồm cả phân bón hóa học mà lượng phân bón giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 Bộ luật Hình sự hiện hành thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Ngoài ra, tùy tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi sản xuất, buôn bán phân bón hóa học giả mà mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể lên đến 15 năm (theo khoản 3 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a khoản 45 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan cơ sở buôn bán phân bón

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về cơ sở buôn bán phân bón mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan