QUY ĐỊNH VỀ CƠ SỞ SẢN XUẤT THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Từ thời Hy Lạp cổ đại, con người đã biết cách sử dụng chất vô cơ để diệt các loại côn trùng gây hại, bảo vệ mùa màng. Đến những năm cuối thế kỷ 19, thuốc bảo vệ thực vật bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn góp phần to lớn vào việc sản xuất và bảo vệ nông sản trong nông nghiệp.

I. Tìm hiểu về cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

Ngày nay, có nhiều cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ra đời, hàng năm cung ứng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường. Có thể hiểu, cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật là cơ sở, đơn vị sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật, thuốc thành phẩm, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật.

 

Nhìn chung, thuốc bảo vệ thực vật mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thuốc bảo vệ thực vật cũng gây tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Chính vì vậy, để được hoạt động, cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng được khá nhiều điều kiện theo quy định của pháp luật.

II. Quy định pháp luật về cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

1. Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có cần đăng ký kinh doanh không?

Khoản 1 Điều 65 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013 quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật như sau:

“1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

...

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

...”.

Để đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật thì phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật được quy định tại Khoản 1, Điều 65 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013. Trong thành phần hồ sơ cần có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vì vậy, cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh.

2. Điều kiện để thành lập cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

Như đã trình bày, để được thành lập và đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải đáp ứng được khá nhiều điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013, cơ sở sản xuất cần đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật:

  • Có địa điểm, nhà xưởng, kho thuốc, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định, phù hợp với quy mô sản xuất;
  • Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với loại thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất;
  • Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
  • Có đủ trang thiết bị để kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật do mình sản xuất ra. Trường hợp không có đủ trang thiết bị thì phải có hợp đồng kiểm tra chất lượng với tổ chức được chỉ định kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.

Thứ hai, điều kiện về nhân lực:

  • Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học;
  • Người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải được huấn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp.

3. Thủ tục, hồ sơ thành lập cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

Tiền đề để thành lập cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật là cơ sở đó phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Theo quy định tại Điều 65 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật như sau:

Thứ nhất, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Bản thuyết minh về cơ sở vật chất – kỹ thuật, nhân lực, trình độ chuyên môn bảo đảm điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013;
  • Giấy chứng nhận về trình độ chuyên môn, giấy chứng nhận bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013;
  • Giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;
  • Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật:

Căn cứ quy định tại Điều 30 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Tổ chức, cá nhân (cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật) nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Bảo vệ thực vật. 
  • Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 02 ngày làm việc.
  • Trường hợp: Hồ sơ không hợp lệ thì trả lại và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
  • Bước 3: Thẩm định hồ sơ và thành lập Đoàn đánh giá thực tế tại cơ sở trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Trường hợp: Hồ sơ chưa đáp ứng được quy định, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

  • Bước 4: Đánh giá thực tế tại cơ sở

Đoàn đánh giá thông báo bằng văn bản cho cơ sở trước thời điểm đánh giá 07 ngày làm việc, thời gian đánh giá tại cơ sở không quá 01 ngày làm việc.

  • Bước 5: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT) trong thời hạn 15 ngày làm việc.

Trường hợp: Kết quả đánh giá chưa đạt yêu cầu, Cục Bảo vệ thực vật thông báo bằng văn bản cho cơ sở về những điều kiện không đạt yêu cầu và thời hạn khắc phục. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản báo cáo khắc phục của cơ sở hoặc kết quả kiểm tra lại, Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cho cơ sở.

Trường hợp: Không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật Cục Bảo vệ thực vật thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

III. Một số thắc mắc về cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

1. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép thành lập cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

Điểm a, khoản 4, Điều 65 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013 quy định: “Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật”.

Đồng thời điểm d, khoản 3, Điều 30 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT quy định: “Cục Bảo vệ thực vật xem xét kết quả thẩm định hồ sơ và kết quả đánh giá để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật...”.

Căn cứ các quy định trên, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật là Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NNPTNT.

2. Cơ sở sản xuất có cần phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không?

Điểm i, khoản 2, Điều 62 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013 quy định về nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật như sau: “Thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Căn cứ quy định trên, cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cần phải nộp phí bảo vệ môi trường.

3. Cá nhân có quyền mở cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật?

Hiện nay, pháp luật không hề có quy định về việc cấm hoặc không cho phép các nhân mở cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013 có quy định về điều kiện đối với cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật như:

  • Điều kiện về cơ sở vật chất: nhà xưởng, kho thuốc đảm bảo an toàn, phù hợp với quy mô sản xuất; Máy móc, thiết bị phù hợp với quy mô sản xuất; Hệ thống xử lý chất thải đảm bảo; Trang thiết bị kiểm tra chất lượng đầy đủ;...
  • Điều kiện về nhân lực: điều kiện về người trực tiếp quản lý, điều hành; Điều kiện về người lao động;...

Như vậy, nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, cá nên hoàn toàn có quyền mở cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.

4. Lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc có chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật hay không?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013, Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học. Người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải được huấn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp.

Vì vậy, lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải có chuyên môn phù hợp về thuốc bảo vệ thực vật.

5. Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có quyền nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất hay không?

Khoản 1 Điều 62 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013 quy định:

“1. Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

...

b) Nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất hoặc tái xuất theo hợp đồng ký kết với nước ngoài;

...”.

Căn cứ quy định trên, cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có quyền nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất hoặc tái xuất theo hợp đồng ký kết với nước ngoài.

6. Có được ủy quyền cho tổ chức khác đăng ký thuốc bảo vệ thực vật không?

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT, tổ chức, cá nhân sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm không trực tiếp đứng tên đăng ký được ủy quyền cho duy nhất 01 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định.

Như vậy, tổ chức, cá nhân sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm được phép ủy quyền cho duy nhất 01 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 50 của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đứng tên đăng ký mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật của mình. 

Bên cạnh đó theo quy định tại khoản 4, Điều 5 Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT thì mỗi tổ chức, cá nhân được ủy quyền đứng tên đăng ký được nhận ủy quyền duy nhất của 01 nhà sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm cho mỗi loại hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ Quý khách hàng về vấn đề cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Trường hợp Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw theo thông tin bên dưới để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


 

Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

Công Ty Luật TNHH Ngọc Phú - Hãng Luật NPLaw

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 419 996

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan