Việc đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, thương mại, mở rộng liên doanh, góp vốn đầu tư thâm nhập lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã làm thay đổi đáng kể quan hệ giữa các doanh nghiệp. Từ đó, ngày càng xuất hiện phổ biến các công ty thành viên trên thị trường.
Vậy công ty thành viên là gì? Quy định pháp luật hiện này về công ty thành viên như thế nào? Có những vướng mắc gì thường gặp liên quan đến công ty thành viên?
Để giải đáp vướng mắc này, Nplaw xin gửi tới Quý độc giả thông tin dưới bài viết sau
Pháp luật hiện hành chưa có khái niệm định nghĩa rõ về công ty thành viên. Tuy nhiên, trên cơ sở các quy định pháp luật có liên quan, có thể hiểu, công ty thành viên (hay công ty thành viên) là một pháp nhân độc lập, bình đẳng trước pháp luật, có tài sản riêng, tự mình thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của mình và bị chi phối bởi công ty mẹ.
Theo khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định các trường hợp một công ty được coi là là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
- Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
- Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
Quy định pháp luật hiện hành về công ty thành viên như sau:
Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về các đặc điểm của công ty thành viên. Thực tế, công ty thành viên có một số đặc điểm quan trọng như sau:
- Tính độc lập phần nào: Mặc dù công ty thành viên thường phụ thuộc vào công ty mẹ, nhưng nó vẫn có sự tự quyết định trong một số vấn đề quan trọng của mình.
- Chịu sự kiểm soát bởi công ty mẹ: Công ty mẹ thường sở hữu đủ số cổ phần hoặc quyền kiểm soát để thực hiện quyền quyết định và quản lý công ty thành viên. Điều này cho phép công ty mẹ can thiệp vào hoạt động và quyết định của công ty con.
- Trách nhiệm pháp lý riêng biệt: Công ty thành viên và công ty mẹ thường có tính pháp lý riêng biệt và có thể chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý một cách độc lập.
- Mục tiêu kinh doanh riêng biệt: Công ty thành viên thường được tạo ra để thực hiện mục tiêu kinh doanh cụ thể hoặc tập trung vào một lĩnh vực cụ thể. Chúng có thể hoạt động trong các ngành công nghiệp khác nhau và có mục tiêu kinh doanh riêng biệt.
Công ty con và công ty thành viên là hai thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ các loại tổ chức kinh doanh mà một công ty mẹ sở hữu hoặc kiểm soát. Cả hai thuật ngữ này có thể được sử dụng một cách tương đồng, và tùy vào ngữ cảnh và quy định cụ thể trong pháp luật và văn bản quản lý, chúng có thể được sử dụng để chỉ cùng một thực thể hoặc khá khác nhau. Dưới đây là một sự phân biệt giữa hai thuật ngữ này:
- Công ty con: Thuật ngữ "công ty con" thường được sử dụng để chỉ một công ty mà một công ty mẹ sở hữu hoặc kiểm soát một cách trực tiếp thông qua quyền sở hữu cổ phần, phần vốn góp. Công ty con có thể là một loại công ty thành viên, nhưng nó chủ yếu là một thuật ngữ pháp lý và kinh doanh.
- Công ty thành viên: Thuật ngữ "công ty thành viên" thường được sử dụng để chỉ bất kỳ công ty nào mà một công ty mẹ có một mức độ kiểm soát hoặc quan tâm trong đó, dù thông qua quyền sở hữu cổ phần, phần vốn góp trực tiếp hoặc thông qua các quyền kiểm soát khác. Công ty thành viên có thể bao gồm cả công ty con và các đối tác thương mại hoặc các liên doanh.
Vì vậy, có thể nói rằng công ty con thường là một loại công ty thành viên, nhưng không phải tất cả công ty thành viên đều là công ty con. Sự sử dụng chính xác của thuật ngữ phụ thuộc vào quy định cụ thể và ngữ cảnh trong quá trình kinh doanh và hợp pháp của một công ty.
Vai trò của một công ty thành viên trong một tập đoàn có thể rất đa dạng và phụ thuộc vào cách tổ chức cụ thể của tập đoàn đó và mục tiêu chiến lược đặt ra của tập đoàn đó. Dưới đây là một số vai trò chính của các công ty thành viên:
- Thực hiện chiến lược tổng thể: Công ty thành viên thường thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao trong khuôn khổ chiến lược tổng thể của tập đoàn. Điều này có thể bao gồm việc sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cụ thể, tham gia vào các thị trường cụ thể, và đóng góp vào mục tiêu tài chính tổng thể của tập đoàn.
- Tối ưu hóa hiệu suất tài chính: Công ty thành viên thường được yêu cầu tối ưu hóa hiệu suất tài chính của mình, bao gồm việc tối ưu hóa lợi nhuận, quản lý rủi ro, và tối đa hóa giá trị cho cổ đông.
- Phân tán rủi ro cho các công ty thành viên: hợp đồng, giao dịch đồng thời là các nghĩa vụ, trách nhiệm đi kèm sẽ được phân tán cho các công ty thành viên để ký kết với các đối tác.
- Tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường: Công ty thành viên thường hợp tác chặt chẽ với các công ty khác trong tập đoàn để đạt được mục tiêu chung và tận dụng các cơ hội hợp tác và tích hợp trong các hoạt động kinh doanh để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Những vai trò trên thường đi kèm với các trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể, và cách thức thực hiện chúng có thể thay đổi theo ngành nghề và mô hình kinh doanh cụ thể.
Các vướng mắc thường gặp cần giải đáp về công ty thành viên như sau:
Hiện nay việc thực hiện thủ tục thành lập công ty thành viên được thực hiện qua 3 hình thức (Trực tiếp, trực tuyến, dịch vụ bưu chính). Thực hiện trực tuyến là hình thực phổ biến được khuyến khích áp dụng. Trong phạm vi phần này của bài viết sẽ tập trung phân tích thủ tục thành lập công ty thành viên thực hiện theo hình thức trực tuyến (sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh) theo các bước sau:
*Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp của công ty thành viên (như: Công ty cổ phần, công ty TNHH 1 thành viên và công ty TNHH 2 thành viên) cần chuẩn bị hồ sơ theo Điều 23, 24 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP gồm:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
+ Điều lệ công ty.
+ Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
+ Bản sao các giấy tờ sau đây:
(i) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
(ii) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
(iii) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
(iv) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
+ Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của người được ủy quyền. (Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục)
*Bước 2: Kê khai, nộp hồ sơ:
Người nộp hồ sơ sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và ký xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn). Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh, văn bản ủy quyền phải có thông tin liên hệ của người ủy quyền để xác thực việc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
*Bước 3: Nhận giấy biên nhận
Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
*Bước 4: Xử lý hồ sơ
Phòng Đăng ký kinh doanh cấp đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong trường hợp hồ sơ đủ điều kiện và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
*Bước 5: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Thông tin công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
( Theo Điều 23,24, 32, 33, 34, 35, 42, 43, 44 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP)
Loại hình của công ty thành viên có thể là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc Công ty cổ phần.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ là đơn vị có kinh nghiệm trong việc tư vấn, thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến công ty thành viên với quy trình, công việc thực hiện gồm:
-Tiếp nhận thông tin khách hàng cần tư vấn, thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến công ty thành viên;
- Tư vấn, hỗ trợ khách hàng chuẩn bị giấy tờ hoàn thiện thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến công ty thành viên;
-Soạn thảo hồ sơ, đại diện khách hàng làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về công ty thành viên NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn