Quy định về giám sát hoạt động đấu thầu

 

Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 thì đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Hiện nay, việc thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh thông qua đấu thầu ngày càng trở nên phổ biến bởi đấu thầu có nhiều điểm ưu việt như: đảm bảo sự công bằng giữa các bên, tối ưu được nguồn vốn đầu tư và tăng cường năng lực cạnh tranh giữa các bên,... Tuy nhiên, có không ít trường hợp xảy ra những tiêu cực trong đấu thầu làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều bên. Do đó, cũng cần phải giám sát hoạt động đấu thầu, nhất là đối với những dự án đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Vậy giám sát hoạt động đấu thầu là gì? Có những vấn đề pháp lý gì liên quan đến giám sát hoạt động đấu thầu. Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về các vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.

I. Tìm hiểu về giám sát hoạt động đấu thầu

Có thể hiểu, giám sát hoạt động đấu thầu là quá trình kiểm tra và đánh giá các khâu trong tổ chức đấu thầu nhằm đảm bảo minh bạch, công bằng, và hiệu quả. Giám sát hoạt động đấu thầu giúp ngăn ngừa gian lận, vi phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và tiết kiệm ngân sách. 

II. Quy định pháp luật về giám sát hoạt động đấu thầu

1. Thế nào là giám sát hoạt động đấu thầu

Hiện nay, pháp luật chưa đưa đưa ra định nghĩa về giám sát hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 86 Luật Đấu thầu 2023 có quy định về giám sát hoạt động đấu thầu như sau:

“3. Giám sát hoạt động đấu thầu:

a) Người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện công tác giám sát hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Hoạt động đấu thầu được giám sát bởi cộng đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý;

d) Người có thẩm quyền thực hiện việc giám sát hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm thuộc phạm vi quản lý;

đ) Giám sát hoạt động đấu thầu được thực hiện đối với một hoặc các nội dung sau: hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

e) Trình tự, thủ tục giám sát hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền: chuẩn bị giám sát; thực hiện giám sát; báo cáo kết quả giám sát.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.

Căn cứ quy định này có thể hiểu, giám sát hoạt động đấu thầu được hiểu là việc người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện công tác giám sát hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm đảm bảo quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

2. Các hình thức giám sát hoạt động đấu thầu

Điểm b khoản 2 Điều 123 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định: 

“Thực hiện giám sát: cá nhân hoặc đơn vị thực hiện giám sát trao đổi trực tiếp, lập biên bản làm việc hoặc yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo bằng văn bản về các nội dung giám sát. Chủ đầu tư, bên mời thầu và tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cá nhân hoặc đơn vị thực hiện giám sát;”.

Căn cứ quy định trên, giám sát hoạt động đấu thầu có thể được thực hiện thông qua 02 hình thức như sau:

  • Thứ nhất, trao đổi trực tiếp, lập biên bản làm việc;
  • Thứ hai, yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo bằng văn bản về các nội dung giám sát.

3. Cơ quan quản lý việc giám sát hoạt động đấu thầu

Điểm a, b, c và d khoản 3 Điều 86 Luật Đấu thầu 2023 quy định:

“3. Giám sát hoạt động đấu thầu:

a) Người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện công tác giám sát hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Hoạt động đấu thầu được giám sát bởi cộng đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý;

d) Người có thẩm quyền thực hiện việc giám sát hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự án đầu tư kinh doanh, dự toán mua sắm thuộc phạm vi quản lý;”.

Căn cứ quy định trên, chủ thể có thẩm quyền giám sát hoạt động đấu thầu là:

  • Người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu;
  • Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát hoạt động đấu thầu của cộng đồng;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thuộc Bộ, ngành, địa phương.

III. Một số thắc mắc về giám sát hoạt động đấu thầu

1. Trong quá trình giám sát hoạt động đấu thầu mà phát hiện sai phạm thì được xử lý không?

Khoản 1 và khoản 2 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023 quy định:

“1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Luật này còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 05 năm”.

Căn cứ quy định trên, nếu trong quá trình giám sát hoạt động đấu thầu mà phát hiện sai phạm thì chủ thể có hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn có thể bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 05 năm.

3. Trách nhiệm của người thực hiện giám sát hoạt động đấu thầu là gì?

Khoản 3 Điều 123 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định:

“3. Trách nhiệm của cá nhân hoặc đơn vị thực hiện giám sát hoạt động đấu thầu:

a) Trung thực, khách quan; không gây phiền hà cho chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình giám sát;

b) Yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ quá trình giám sát;

c) Tiếp nhận thông tin phản ánh của nhà thầu và các tổ chức, cá nhân liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu của gói thầu đang thực hiện giám sát;

d) Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật;

đ) Chịu trách nhiệm về kết quả giám sát của mình;

e) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.”.

Như vậy, người thực hiện giám sát hoạt động đấu thầu có 06 trách nhiệm nêu trên.

4. Người giám sát hoạt động đấu thầu có quyền kiến nghị thay đổi phương pháp giám sát nếu phương pháp không phù hợp hay không?

Điểm b khoản 2 Điều 123 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định: “Thực hiện giám sát: cá nhân hoặc đơn vị thực hiện giám sát trao đổi trực tiếp, lập biên bản làm việc hoặc yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo bằng văn bản về các nội dung giám sát. Chủ đầu tư, bên mời thầu và tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cá nhân hoặc đơn vị thực hiện giám sát;”.

Như vậy, trên tinh thần quy định này, người giám sát hoạt động đấu thầu có quyền kiến nghị thay đổi phương pháp giám sát nếu phương pháp không phù hợp. Lúc này, chủ đầu tư, bên mời thầu và tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm chấp hành và phối hợp thực hiện yêu cầu của người giám sát.

5. Quy trình giám sát hoạt động đấu thầu về việc lựa chọn nhà đầu tư của đơn vị tổ chức thầu có bao nhiêu bước thực hiện?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định chi tiết về quy trình giám sát hoạt động đấu thầu về việc lựa chọn nhà đầu tư của đơn vị tổ chức thầu. 

Về vấn đề này, điểm e khoản 3 Điều 86 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau: “Trình tự, thủ tục giám sát hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền: chuẩn bị giám sát; thực hiện giám sát; báo cáo kết quả giám sát.”. 

Như vậy, có thể suy ra, quy trình giám sát hoạt động đấu thầu về việc lựa chọn nhà đầu tư của đơn vị tổ chức thầu sẽ trải qua 03 bước như quy định trên.

6. Không cung cấp hồ sơ về đấu thầu để phục vụ công tác giám sát thì bị xử phạt thế nào?

Khoản 1 Điều 38 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định:

“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ hồ sơ, tài liệu trong quá trình lựa chọn nhà thầu không đúng quy định pháp luật về đấu thầu;

b) Không tuân thủ quy định về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật về đấu thầu;

c) Không báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu định kỳ theo quy định pháp luật về đấu thầu;

d) Không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không đúng thời hạn thông tin, hồ sơ, tài liệu về công tác đấu thầu để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động đấu thầu.”.

Căn cứ quy định trên, hành vi không cung cấp hồ sơ về đấu thầu để phục vụ công tác giám sát có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Cần lưu ý rằng: 

Khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định: “Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.”. 

Như vậy, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân có hành vi không cung cấp hồ sơ về đấu thầu để phục vụ công tác giám sát thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan giám sát hoạt động đấu thầu

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ Quý khách hàng về giám sát hoạt động đấu thầu. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw theo thông tin bên dưới để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan