Quyền sử dụng đất là gì ? Một số trường hợp thường gặp!

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ ít nhất một lần tiếp xúc với cụm từ “quyền sử dụng đất” và thậm chí bạn còn có thể thực hiện các công việc, thủ tục liên quan đến cụm từ này. Bên cạnh đó, đất đai là một lĩnh vực khá phức tạp và có phần nhạy cảm vì liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể, dễ xảy ra tranh chấp. Do đó, tại bài viết này, NPLaw sẽ đồng hành để giúp bạn nắm bắt những kiến thức cơ bản về quyền sử dụng đất.

Tìm hiểu về quyền sử dụng đất

Đất đai là một lĩnh vực rất rộng và cần nhiều thời gian nghiên cứu. Quá trình tìm hiểu đều cần bắt đầu từ những vấn đề cụ thể và cơ bản nhất. Khi nói đến đất đai, mọi người thường nghĩ ngay đến quyền sử dụng đất và đặt nhiều thắc mắc có liên quan đến quyền này nhất. Các bạn hãy cùng NPLaw tìm hiểu các nội dung dưới đây.

Quyền sử dụng đất là?Quyền sử dụng đất là?

I/ Khái quát về quyền sử dụng đất

Quyền sử dụng đất là từ ngữ phổ biến trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, dù sử dụng thường xuyên nhưng có thể bạn vẫn chưa hiểu rõ quyền sử dụng đất thực chất là gì.

1. Quyền sử dụng đất là gì?

Quyền sử dụng đất là quyền của người sử dụng đất được công nhận bởi Nhà nước. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp 2013 và Điều 4 Luật Đất đai 2013. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua việc giao đất, cho thuê đất. Người có quyền sử dụng đất được sử dụng nhằm khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ đất hoặc định đoạt như chuyển giao quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho,…)

2. Quyền sử dụng đất bao gồm những quyền gì?

Quyền chung của người sử dụng đất được liệt kê tại Điều 166 Luật Đất đai 2013 gồm 07 quyền, bao gồm:

  • Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
  • Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất;
  • Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp;
  • Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp;
  • Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình;
  • Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này;
  • Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.​​​​​​​

​​​​​​​​​​Quyền sử dụng đất bao gồm nhiều quyền nhỏ.

3. Quyền sử dụng đất không bị kê biên là gì?

Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án là một trong những điều kiện để người có quyền sử dụng đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án. Người bị thi hành án sẽ dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ phán quyết trong bản án, quyết định đối với người được thi hành án. Kê biên là biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018.

Việc kê biên phải đảm bảo tuân thủ một số nguyên tắc chung lẫn nguyên tắc đặc thù đối với quyền sử dụng đất (Điều 89, Điều 94, Điều 95 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018 như:

  • Chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mà thuộc trường hợp được cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất nhưng chưa có quyết định thu hồi thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó; 
  • Khi kê biên quyền sử dụng đất, nếu người phải thi hành án có tài sản gắn liền tài sản trên đất thì kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất;
  • Khi kê biên nhà ở của người phải thi hành án thì phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở đó.

Do đó, quyền sử dụng đất không bị kê biên để thi hành án là quyền sử dụng đất của người không phải thi hành án hoặc không bị cưỡng chế thi hành án hoặc không thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng đất.

4. Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai về cấp quyền sử dụng đất

Cấp quyền sử dụng đất được thể hiện qua việc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Nghị định 01/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và 2020 ra đời để sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và của một số Nghị định khác như Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung qua các năm 2017, 2019, 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về giá đất và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2020 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trong đó, quy định liên quan đến cấp quyền sử dụng đất nằm trong Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019, 2020 có một số sửa đổi, bổ sung như sau:

  • Bổ sung một số giấy tờ khác về quyền sử dụng đất;
  • Bổ sung một trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền;
  • Bổ sung một trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau;

II/ Quyền sử dụng đất có được xem là tài sản không?

Khái niệm tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Vậy theo quy định pháp luật, quyền sử dụng đất có được xem là tài sản hay không? Quý bạn đọc hãy cùng tìm hiểu với NPLaw.

1. Quyền sử dụng đất có phải là tài sản không?

Tài sản theo quy định của khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 được hiểu là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.”

Khoản 20 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định.”

Quyền sử dụng đất là một loại tài sản đặc biệt.Quyền sử dụng đất là một loại tài sản đặc biệt.

Do vậy, quyền sử dụng đất được xem là một loại tài sản đặc biệt, cụ thể là một quyền tài sản. Quyền sử dụng đất là tài sản vô hình, chúng ta không thể sờ nắm, nhìn thấy được. Quyền này được công nhận bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho chủ thể sử dụng đất bởi cơ quan có thẩm quyền.

2. Quyền sử dụng đất thuộc loại tài sản nào?

Theo khoản 2 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản được chia làm hai loại là động sản và bất động sản. Bất động sản bao gồm: đất đai; nhà công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản. Căn cứ vào quy định này cũng như sự “hiện diện” thực tế của quyền sử dụng đất, tuy quyền sử dụng đất là một loại tài sản đặc biệt, nhưng vì không là bất động sản thì sẽ thuộc nhóm động sản.

3. Quyền sử dụng đất là tài sản hay nguồn vốn?

Nguồn vốn là nguồn đóng góp hình thành nên tài sản của cá nhân, tổ chức. Nguồn vốn tạo ra sự tăng thêm tổng tài sản cho chủ thể sở hữu, từ đó thực hiện hoạt động khai thác hay huy động để đầu tư sinh lời.

Theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ vào công ty đã được thành lập”. Bên cạnh đó, tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Đặc biệt, chỉ những cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản góp vốn nêu trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. Vậy, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của bên góp vốn cho doanh nghiệp.

Vậy, có thể hiểu rằng, quyền sử dụng đất chính là một loại nguồn vốn dùng để góp vốn kinh doanh.

III/ Quyền sử dụng đất gắn với một số loại đất và đối tượng sử dụng đất

Với mỗi chủ thể có quyền sử dụng đất cũng như loại đất, mục đích sử dụng đất khác nhau thì có quyền tương ứng khác nhau được quy định cụ thể tại Luật Đất đai 2013.

1. Quyền sử dụng đất nông nghiệp

Chủ thể được Nhà nước trao quyền sử dụng đất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, trong số chủ thể có quyền sử dụng còn có cộng đồng dân cư, tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng là đất sử dụng ổn định lâu dài theo khoản 2 Điều 125 và khoản 3 Điều 131 Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất cũng có thời hạn 50 năm hoặc 70 năm tùy thuộc các trường hợp quy định tại Điều 126 Luật Đất đai 2013.Quyền sử dụng đất theo loại đất và chủ thể sử dụng đất

Quyền sử dụng đất theo loại đất và chủ thể sử dụng đất.

Điều 192 Luật Đất đai quy định các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất như sau:

“Điều 191 Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất 

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.”

Như vậy, đất nông nghiệp chỉ được chuyển nhượng đối với cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

2. Quyền sử dụng đất của hộ gia đình

Theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm: được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Quyền sử dụng đất của hộ gia đình được Điều 170 Luật Đất đai 2013 quy định tương ứng theo các trường hợp:

  • Hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế;
  • Hộ gia đình được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm;
  • Hộ gia đình thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất;
  • Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ như trường hợp không được miễn, không được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;
  • Hộ gia đình sử dụng đất thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không thuộc trường hợp thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất thì có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự.

3. Quyền sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Luật Đầu tư 2020 không đề cập trực tiếp loại hình doanh nghiệp này mà chỉ định nghĩa một cách khái quát tại khoản 17 Điều 3 như sau: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”

Như vậy, theo quy định này, ta có thể hiểu một cách cơ bản, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài bao gồm:

  • Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
  • Doanh nghiệp có cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đầu tư (góp vốn thành lập, mua vốn góp).

Quyền sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định tại các Điều 183, Điều 184, Điều 185, Điều 187 Luật Đất đai tương ứng với loại đất và mục đích sử dụng đất bao gồm:

  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam;
  • Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được chuyển đổi từ doanh nghiệp liên doanh sử dụng đất do nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất để xây dựng công trình ngầm.

IV/ Một số câu hỏi thường gặp về quyền sử dụng đất

Xoay quanh nội dung quyền sử dụng đất có một số thắc mắc nhất định và NPLaw xin được giải đáp như sau.

 

Thắc mắc thường gặp về quyền sử dụng đất.Thắc mắc thường gặp về quyền sử dụng đất.

1. Quyền sử dụng đất có phải là hàng hóa không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005, hàng hóa bao gồm: tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai.

Như đã phân tích, quyền sử dụng đất là một loại tài sản, không phải bất động sản nên có thể xem là động sản. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất là loại tài sản đặc biệt, có Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nên suy ra Nhà nước cũng có những quyền của một chủ sở hữu. Bên cạnh đó, việc thực hiện quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai và các văn bản liên quan, không phải hàng hóa đơn thuần chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại.

Do đó, quyền sử dụng đất không phải là hàng hóa.

2. Quyền sử dụng đất có trích khấu hao không?

Quyền sử dụng đất có được trích khấu hao hay không tùy thuộc vào loại tài sản mà quyền sử dụng đất được phân nhóm. Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung năm 2016, 2017 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) thì quyền sử dụng đất là TSCĐ vô hình khi đáp ứng các điều kiện: là tư liệu sản xuất thỏa mãn đồng thời ba tiêu chuẩn: chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; có thời gian sử dụng trên 01 năm trở lên; nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) trở lên. Mọi chi phí thực tế mà doanh nghiệp chi ra thỏa mãn đồng thời ba tiêu chuẩn trên mà không hình thành TSCĐ hữu hình thì được coi là TSCĐ vô hình.

Không phải TSCĐ nào của doanh nghiệp cũng được trích khấu hao. Theo quy định của pháp luật, các TSCĐ không trích khấu hao là:

  • TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • TSCĐ khấu hao chưa hết bị mất.
  • TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính).
  • TSCĐ không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
  • TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các TSCĐ phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).
  • TSCĐ từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
  • TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.

Như vậy, quyền sử dụng đất sẽ được trích khấu hao nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Là TSCĐ của doanh nghiệp;
  • Không thuộc nhóm TSCĐ không trích khấu hao;
  • Là quyền sử dụng đất đi thuê hay quyền sử dụng đất có thời hạn. Vì quyền sử dụng đất lâu dài được xếp vào nhóm tài sản vĩnh viễn, không trích khấu hao.

3. Quyền sử dụng đất là tài sản ngắn hạn hay dài hạn?

Tài sản với doanh nghiệp thường được phân loại theo một tiêu chí nữa là thời hạn nên sẽ có tài sản dài hạn và tài sản ngắn hạn. Tài sản ngắn hạn là tài sản có thể bán hoặc sử dụng trong thời hạn không quá 12 tháng hay một chu kỳ kinh doanh bình thường. Tài sản dài hạn là các tài sản có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên 12 tháng. Theo điểm b mục 1.4 khoản 1 Điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung năm 2015, 2016 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, tài sản dài hạn bao gồm tài sản cố định. Mà quyền sử dụng đất được phân tích ở trên là tài sản cố định vô hình. Do đó, quyền sử dụng đất là tài sản dài hạn. 

4. Quyền sử dụng đất giải quyết thế nào khi vợ/chồng mất?

Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ/chồng thì sau khi vợ/chồng mất, quyền sử dụng đất này trở thành di sản thừa kế. Nếu có di chúc (hợp pháp) thì quyền sử dụng đất thuộc về người thừa kế được chỉ định trong di chúc theo Điều 624 và Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu không có di chúc thì quyền sử dụng đất là quyền sở hữu chung theo phần bằng nhau giữa những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 649 và Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.

Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản trong thời kỳ hôn nhân thì khi vợ/chồng mất, ½ giá trị quyền sử dụng đất thuộc về người còn lại, ½ giá trị quyền sử dụng đất của người chết sẽ trở thành di sản thừa kế và chia thừa kế như trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản riêng của người đó.

5. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là gì?

Căn cứ khoản 4 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung năm 2019 và 2020, văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện có ở địa phương; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp được ủy quyền theo quy định; xây dựng, quản lý, cập nhật, đo đạc, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và thực hiện các dịch vụ khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật.

Trên đây là các thông tin về quyền sử dụng đất. Tìm hiểu về quyền sử dụng đất chính là một cách để bạn đọc nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận biết quyền của mình đối với đất đai. NPLaw rất hân hạnh là đơn vị đồng hành tư vấn cũng như thực hiện dịch vụ pháp lý về đất đai cho quý bạn đọc.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan
  • TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG SAU LY HÔN

    TRANH CHẤP TÀI SẢN CHUNG SAU LY HÔN

    Mục lục Ẩn I. Tranh chấp tài sản chung sau khi khi ly hôn 1.1 Hiểu thêm về tranh chấp tài sản II. Giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn 2.1 Chia tài sản tranh chấp 2.1.1 Tài sản chung là gì? 2.1.2 Nguyên...
    Đọc tiếp
  • TRƯỜNG HỢP TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ SỔ ĐỎ

    TRƯỜNG HỢP TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ SỔ ĐỎ

    Theo quy định của pháp luật thì căn cứ để xác định quyền sử dụng đất của một cá nhân, tổ chức là dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và một số giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013....
    Đọc tiếp
  • TƯ VẤN PHÁP LÝ THỪA KẾ, ĐÃ CÓ NPLAW!

    TƯ VẤN PHÁP LÝ THỪA KẾ, ĐÃ CÓ NPLAW!

    Tư vấn pháp luật thừa kế hiện đang là một trong những dịch vụ phổ biến nhất của các đơn vị thực hiện chức năng tư vấn, cung cấp dịch vụ pháp lý. Mỗi người chúng ta đều ít nhiều đang có liên quan đến quan hệ pháp luật về...
    Đọc tiếp
  • GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

    GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

    Tranh chấp lao động là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm hiện nay. Một trong những vấn đề pháp lý quan trọng đó là việc giải quyết các tranh chấp lao động. Vậy hiểu thế nào là tranh chấp lao động và giải...
    Đọc tiếp
  • TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

    TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

    Hiện nay, tranh chấp lao động là một vấn đề rất đáng quan tâm, khi mà kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về kinh tế, đời sống của người dân ngày càng tăng cao; bên cạnh đó các doanh nghiệp cạnh tranh hết sức khốc liệt....
    Đọc tiếp