SAO CHÉP GIÁO TRÌNH CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?

Quyền sao chép tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử.  Vậy sao chép giáo trình có vi phạm pháp luật không? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu.

sao chép giáo trình có vi phạm pháp luật không?

 

I. Thực trạng về sao chép giáo trình hiện nay

Hiện nay, việc photo (sao chép) sách diễn ra rất phổ biến, nhất là ở các trường đại học, sinh viên sử dụng giáo trình photo để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên không ít người thắc mắc về việc photo giáo trình sách có bị coi là vi phạm quyền tác giả không? Quy định của pháp luật về việc sao chép giáo trình hiện nay.

II. Giáo trình được hiểu như thế nào?

Theo quy định của pháp luật giáo trình được hiểu như sau: 

1. Giáo trình là gì?

Theo điểm a khoản 4 Điều 2 Quyết định 37/2018/QĐ-TTg có quy định: Giáo trình là tài liệu giảng dạy, học tập có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học duyệt, lựa chọn hoặc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

2. Có cần phải đăng ký quyền bảo hộ giáo trình không?

Theo điểm a khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) quy định giáo trình cũng là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) thì quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất l­ượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

Đăng ký bản quyền giáo trình giảng dạy không phải là hình thức bắt buộc đối với việc bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, nên đăng ký quyền bảo hộ giáo trình để đảm bảo tối đa quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp xảy ra tranh chấp và có sự xâm phạm quyền tác giả.

3. Các loại hình thức sao chép hiện nay

Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, giải thích bản sao tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Việc sao chép tác phẩm có rất nhiều hình thức, bao gồm sao chép nội dung hay hình ảnh bằng máy quét, máy photocopy, ghi âm, ghi hình hay bất cứ phương tiện nào khác.

Các loại hình thức sao chép hiện nay

 

III. Một số quy định pháp luật về sao chép giáo trình

Quy định pháp luật về sao chép giáo trình như sau: 

1. Giáo trình và tác phẩm báo chí có thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả không?

Theo điểm a, điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả có giáo trình và tác phẩm báo chí.

Như vậy, giáo trình và tác phẩm báo chí thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả. 

2. Sao chép giáo trình khi chưa được sự cho phép của tác giả xử phạt như thế nào?

Căn cứ Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm. Đối với trường hợp sao chép giáo trình khi chưa được sự cho phép của tác giả sẽ bị xử phạt như sau: 

-  Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

-  Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm

Vậy, trong trường hợp này khi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm sẽ bị xử phạt nhẹ nhất là 15.000.000 đồng nặng nhất là 35.000.000 đồng. Trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ vào từng trường hợp. 

3. Cơ quan nào xử phạt về hành vi này.

Đối với hành vi sao chép giáo trình khi chưa được sự cho phép của tác giả thì theo khoản 2 Điều 37 Nghị định 129/2021/NĐ-CP thẩm quyền xử phạt hành vi này sẽ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử phạt.  

IV. Giải đáp một số thắc mắc về hành vi sao chép giáo trình?

1. Photo sách để học tập có vi phạm quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ không?

Khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022) quy định những hành vi xâm phạm quyền tác giả trong đó hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), cụ thể là: 

 - Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

 - Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu. 

Như vậy, nếu photo sách không phải thuộc hai trường hợp nêu trên, sẽ bị coi là vi phạm quyền tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ và hiện nay chưa có quy định cụ thể cho phép tự ý photo sách để học. Như vậy, có thể hiểu việc tự ý sao chép giáo trình sẽ vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ. 

2. Sao chép giáo trình bằng điện thoại có được không?

Theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì việc sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại quy định tại các điểm b và e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là hành vi sao chép hợp lý không quá một bản một phần tác phẩm.

Như vậy, việc sao chép giáo trình bằng điện thoại hoặc các thiết bị sao chép là hợp pháp nếu chỉ sao chép một phần hợp lý tác phẩm, để nghiên cứu khoa học, học tập cá nhân, không nhằm mục đích thương mại và phải đảm bảo trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình.

Sao chép giáo trình bằng điện thoại có được không?

3. Photo sách đem bán hay chụp hình sách đăng lên Internet có thể bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm. Đối với trường hợp photo sách đem bán hay chụp hình sách đăng lên Internet bị xử phạt như sau:

-  Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

-  Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

4. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm bị xử phạt như thế nào?

- Về xử phạt hành chính

Theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, người thực hiện hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. 

- Về xử phạt hình sự

Người thực hiện hành vi sao chép tác phẩm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2017). Cụ thể, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

Như vậy, người có hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm tùy vào tính chất vụ việc.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan