Nhu cầu vay vốn luôn phổ biến, bên cho vay dùng tài sản, tiền của mình cho bên có nhu cầu vay và hưởng lợi từ việc cho vay. Vậy làm sao để hiểu thế nào là thỏa thuận cho vay và những vấn đề liên quan xoay quanh về thỏa thuận cho vay như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.
I. Tìm hiểu về thỏa thuận cho vay
1. Thỏa thuận cho vay được hiểu như thế nào?
Thỏa thuận cho vay là một hợp đồng hoặc văn bản pháp lý giữa hai bên, trong đó một bên (người cho vay) đồng ý cung cấp một khoản tiền hoặc tài sản cho bên kia (người vay) với điều kiện người vay sẽ hoàn trả số tiền hoặc tài sản đó trong một khoảng thời gian xác định, cùng với lãi suất (nếu có) và các điều kiện khác đã được thỏa thuận.
.jpg)
2. Những hình thứ c thỏa thuận cho vay
Thỏa thuận cho vay được lập dưới hình thức thỏa thuận cho vay cụ thể hoặc thỏa thuận khung và thỏa thuận cho vay cụ thể.
Cụ thể, có nhiều hình thức thỏa thuận cho vay khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như đối tượng vay, mục đích vay, lãi suất, thời gian vay và cách thức hoàn trả. Dưới đây là một số hình thức thỏa thuận cho vay phổ biến:
- Cho vay cá nhân: Đây là hình thức cho vay giữa cá nhân với nhau, thường không có sự can thiệp của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Có thể là cho vay bạn bè, người thân hoặc qua các nền tảng cho vay ngang hàng
- Thỏa thuận cho vay qua ngân hàng: Ngân hàng cung cấp các sản phẩm vay như vay tín chấp, vay thế chấp, vay tiêu dùng, vay mua nhà,... với các điều kiện, lãi suất và thời hạn khác nhau.
- Cho vay doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có thể vay vốn từ ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hình thức này có thể bao gồm vay ngắn hạn, vay trung hạn hoặc vay dài hạn.
- Cho vay thương mại: Các công ty có thể cho vay lẫn nhau nhằm mục đích kinh doanh, thường xảy ra trong các hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh.
- Vay nợ có bảo đảm: Đây là hình thức cho vay mà bên vay phải cung cấp tài sản bảo đảm cho khoản vay. Nếu bên vay không trả được nợ, bên cho vay có quyền thu hồi tài sản bảo đảm.
Những hình thức này có thể được kết hợp linh hoạt tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng của các bên trong thỏa thuận.
.jpg)
II. Quy định pháp luật về thỏa thuận cho vay
1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận cho vay
Theo Điều 23 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN) thì thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của tổ chức tín dụng cho vay; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc mã số doanh nghiệp của khách hàng;
- Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng; hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
- Mục đích sử dụng vốn vay;
- Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ;
- Phương thức cho vay;
- Thời hạn cho vay; thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức, thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng, hoặc thời hạn duy trì hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
- Lãi suất cho vay theo thỏa thuận và mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; loại phí liên quan đến khoản vay và mức phí áp dụng;
- Giải ngân vốn cho vay và việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay;
- Việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; trả nợ trước hạn;
- Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hình thức và nội dung thông báo chuyển nợ quá hạn theo Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN;
- Trách nhiệm của khách hàng trong việc phối hợp với tổ chức tín dụng và cung cấp các tài liệu liên quan đến khoản vay để tổ chức tín dụng thực hiện thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
- Các trường hợp chấm dứt cho vay; thu nợ trước hạn; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn; hình thức và nội dung thông báo chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo khoản 1 Điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN;
- Xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên;
- Hiệu lực của thỏa thuận cho vay.
Ngoài các nội dung nêu trên, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Thoả thuận về lãi suất khi vay
Theo Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất khi vay như sau:
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
- Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, thỏa thuận lãi suất được quy định như trên.
III. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến thỏa thuận cho vay
1. Một trong các bên vi phạm thỏa thuận vay thì xử lý như thế nào?
Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về công việc, giao dịch và quyền, nghĩa vụ. Khi vi phạm hợp đồng có nghĩa là một trong các bên hoặc cả hai bên đã vi phạm những thỏa thuận được thống nhất. Các bên có lựa chọn chế tài áp dụng cho việc xử lý hay không?
- Chế tài áp dụng trong trường hợp vi phạm hợp đồng có thể gồm: Buộc thực hiện công việc, bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm...
- Phương pháp thực hiện: Các bên có thể tự thực hiện hoặc khởi kiện đến tòa án, trọng tài có thẩm quyền để giải quyết.
2. Một số lưu ý về thỏa thuận cho vay
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng về thỏa thuận cho vay mà bạn nên xem xét trước khi ký kết:
- Lãi suất: Kiểm tra lãi suất cho vay, có thể là lãi suất cố định hoặc lãi suất biến đổi. Đảm bảo rằng bạn hiểu rõ cách thức tính lãi và tổng số tiền lãi bạn sẽ phải trả trong suốt thời gian vay.
- Thời hạn vay: Xác định thời gian bạn sẽ phải hoàn trả khoản vay. Điều này ảnh hưởng đến số tiền hàng tháng bạn phải thanh toán và tổng chi phí của khoản vay.
- Điều kiện thanh toán: Nắm rõ các điều kiện thanh toán, bao gồm các khoản thanh toán tối thiểu, thời gian chết (grace period), và các hình thức thanh toán (trực tuyến, chuyển khoản, tiền mặt, v.v.).
- Phí và khoản phí khác: Kiểm tra các khoản phí có thể phát sinh như phí thẩm định, phí lập hợp đồng, phí phạt quá hạn, và các khoản chi phí khác.
- Điều khoản và điều kiện: Đọc kỹ các điều khoản và điều kiện trong thỏa thuận cho vay. Đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến trả nợ trước hạn và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của bên cho vay.
- Quyền và nghĩa vụ của bên vay: Hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bạn trong thỏa thuận. Điều này bao gồm trách nhiệm của bạn trong việc bảo quản tài sản và cung cấp thông tin cho bên cho vay khi cần.
- Tài sản đảm bảo: Nếu khoản vay yêu cầu tài sản đảm bảo, đảm bảo bạn hiểu rõ giá trị tài sản và các rủi ro nếu bạn không thể thanh toán đúng hạn.
- Rà soát kỹ hợp đồng: Trước khi ký, hãy xem xét kỹ hợp đồng cho vay và có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tài chính hoặc luật sư nếu cần.
3. Thỏa thuận miệng khi cho vay thì có đòi lại được không?
Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Và theo Khoản 1 điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Căn cứ các quy định nêu trên và pháp luật hiện hành, giao dịch vay không bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải lập thành văn bản. Do đó, việc cho vay tiền chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này nếu người vay không trả tiền, có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú, làm việc để đòi lại số tiền đã cho vay.
4. Trường hợp muố n ký thỏa thuận cho vay bằng tiếng Anh có được không?
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, việc sử dụng ngôn ngữ trong thỏa thuận cho vay được quy định như sau:
"Điều 6. Sử dụng ngôn ngữ
1. Thỏa thuận cho vay được lập bằng tiếng Việt hoặc đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
2. Đối với các tài liệu khác trong hoạt động cho vay sử dụng tiếng nước ngoài, khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dịch sang tiếng Việt, thì bản dịch phải có xác nhận của người có thẩm quyền của tổ chức tín dụng hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực."
Theo đó, thỏa thuận cho vay có thể lập đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trường hợp các tài liệu khác trong hoạt động cho vay cũng sử dụng tiếng Anh thì khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dịch sang tiếng Việt, thì bản dịch phải có xác nhận của người có thẩm quyền của tổ chức tín dụng hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực.
IV. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến thỏa thuận cho vay
Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề thỏa thuận cho vay. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn