Thủ tục thay đổi địa chỉ của địa điểm kinh doanh được quy định như thế nào?

Trong quá trình hoạt động, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi địa điểm kinh doanh. Vì vậy, nhu cầu tìm hiểu các quy định pháp luật về thay đổi địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp cũng rất lớn. Bằng bài viết này, NPLaw sẽ đồng hành cùng Quý Khách hàng làm rõ các vấn đề pháp lý cơ bản về thay đổi địa điểm kinh doanh.

I. Nhu cầu thay đổi địa điểm kinh doanh hiện nay

Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, việc doanh nghiệp thay đổi địa điểm kinh doanh mới là khó có thể tránh được do thay đổi quy mô nhân sự, thay đổi hoạt động công việc, chiến lược phát triển công ty… Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của nền kinh tế cũng như các thay đổi xã hội, đa số các doanh nghiệp đã tiến hành thay đổi địa điểm kinh doanh trong nửa năm đầu 2023. Điều này thể hiện sự chuyển dịch lớn trong môi trường doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

II. Quy định liên quan đến thay đổi địa điểm kinh doanh

1. Thay đổi địa điểm kinh doanh là gì?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể”.

Việc thay đổi địa điểm kinh doanh có thể hiểu là những thay đổi về địa điểm kinh doanh, bao gồm: thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh, thay đổi tên địa điểm kinh doanh. Các thay đổi này là thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh?

Theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì:

“Điều 62. Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

1. Trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ đặt chi nhánh, văn phòng đại diện dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục về thuế với cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Khi thay đổi các nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Trường hợp thay đổi người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện, kèm theo thông báo phải có bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.

Khi nhận được Thông báo của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh”.

Theo đó, thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh được thực hiện qua các bước như sau:

Bước 1: Thực hiện các thủ tục về thuế với cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế (nếu thuộc trường hợp dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý).

Bước 2: Gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

3. Thẩm quyền giải quyết thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 62 Nghị định 01/2021/NĐ-CP nêu trên, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh là Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh. 

Trong trường hợp chuyển địa chỉ nơi đặt địa điểm kinh doanh sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi địa điểm kinh doanh đã đăng ký, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh là Phòng đăng ký kinh doanh nơi địa điểm kinh doanh chuyển đến.

Như vậy, thẩm quyền giải quyết thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh là Phòng Đăng ký kinh doanh tại nơi có địa điểm kinh doanh sau khi thay đổi.

4. Thời hạn làm thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh

Theo quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “5. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp thông báo địa điểm kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh”.

Như vậy, thời hạn làm thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh là 10 ngày kể từ ngày có thay đổi về địa điểm kinh doanh.

III. Các thắc mắc liên quan đến thay đổi địa điểm kinh doanh

1. Doanh nghiệp sắp giải thể có được thay đổi địa điểm kinh doanh không?

Hiện nay pháp luật không ghi nhận tình trạng “sắp giải thể” đối với doanh nghiệp. Về nguyên tắc, doanh nghiệp sắp giải thể vẫn là một doanh nghiệp bình thường và có thể thực hiện thay đổi địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, để làm rõ, Quý khách hàng cần xác định doanh nghiệp sắp giải thể là doanh nghiệp đang thuộc tình trạng pháp lý nào.

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 65 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì:

“Doanh nghiệp không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

b) Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp;

c) Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự;

d) Doanh nghiệp đang trong tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký".

Như vậy, theo quy định này, trường hợp doanh nghiệp đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp, trường hợp thuộc tình trạng “không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký” thì không được làm thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

2. Thay đổi địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP thì:

“Điều 44. Vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

1. Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung … đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt … địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội … đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động … địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 11 ngày đến 30 ngày.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung … đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động … địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 90 ngày.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung … đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động … địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung … đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động … địa điểm kinh doanh.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này trong trường hợp chưa đăng ký thay đổi theo quy định;

b) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này”.

Như vậy, hành vi thay đổi địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền và buộc đăng ký thay đổi địa điểm kinh doanh tùy từng trường hợp.

3. Thay đổi địa điểm kinh doanh trong cùng quận thì có cần làm thủ tục không?

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 62 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP nêu trên, việc thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi đối với địa điểm kinh doanh có thể làm thay đổi cơ quan quản lý thuế. Do đó, có căn cứ xác định pháp luật doanh nghiệp hiện hành không ghi nhận trường hợp loại trừ khi thay đổi địa điểm kinh doanh trong cùng quận.

Vì vậy, có thể hiểu rằng, việc thay đổi địa điểm kinh doanh trong cùng quận vẫn cần tiến hành các thủ tục theo đúng quy định pháp luật.

IV. Dịch vụ pháp lý liên quan đến thay đổi địa điểm kinh doanh.

Trên đây là nội dung tư vấn pháp lý của Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) liên quan đến nội dung thay đổi địa điểm kinh doanh. Trong trường hợp Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề pháp lý về thay đổi địa điểm kinh doanh, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật TNHH Ngọc Phú để được đội ngũ Luật sư của chúng tôi tư vấn tận tình và nhanh chóng. 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan