WEBSITE CUNG CẤP DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Vậy làm sao để hiểu thế nào là website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và những vấn đề liên quan xoay quanh về website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.

I. Thực trạng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hiện nay

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, từ những trang web bán hàng lớn như Lazada, Shopee, Tiki đến những cửa hàng trực tuyến nhỏ phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Các website này cung cấp đa dạng sản phẩm từ thời trang, điện tử, gia dụng đến dịch vụ như đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn.

Thực trạng của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hiện nay có những điểm tích cực như:

  • Tiện lợi: Người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có kết nối internet.
  • Đa dạng sản phẩm: Các website cung cấp hàng hóa và dịch vụ đa dạng, từ phổ thông đến cao cấp.
  • Khuyến mãi và ưu đãi: Các website thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.
  • Dễ dàng so sánh giá: Người tiêu dùng có thể dễ dàng so sánh giá cả và chất lượng sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.

Tuy nhiên, cũng có những vấn đề cần cải thiện trên các website thương mại điện tử hiện nay như:

  • An ninh thông tin: Đảm bảo thông tin cá nhân và thanh toán của người tiêu dùng được bảo mật.
  • Chất lượng sản phẩm: Đảm bảo sản phẩm được mô tả chính xác để tránh việc gây thất vọng cho người mua hàng.
  • Dịch vụ sau bán hàng: Cải thiện dịch vụ hỗ trợ và đổi trả hàng hóa sau khi mua để tạo sự tin tưởng cho người mua hàng.

Tóm lại, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có những lợi ích và tiềm năng lớn, nhưng cần có sự cải thiện và phát triển để tạo ra trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người tiêu dùng.

Quy định pháp luật liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

II. Quy định pháp luật liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

1. Thế nào là website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại.

 Các loại website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

2. Các loại website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Theo Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định về các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử như sau:

  • Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.
  • Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:
  • Sàn giao dịch thương mại điện tử;
  • Website đấu giá trực tuyến;
  • Website khuyến mại trực tuyến;
  • Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
  • Với các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, tùy theo tính năng của ứng dụng đó mà thương nhân, tổ chức phải tuân thủ các quy định về website thương mại điện tử bán hàng hoặc website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Nghị định này.
  • Bộ Công Thương quy định cụ thể về các hoạt động thương mại điện tử tiến hành trên mạng viễn thông di động.

Theo đó, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:

  • Sàn giao dịch thương mại điện tử;
  • Website đấu giá trực tuyến;
  • Website khuyến mại trực tuyến;
  • Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

3. Thủ tục thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Theo Điều 55 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như sau:

  • Thương nhân, tổ chức tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng.

  • Hồ sơ đăng ký bao gồm:

  • Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

  • Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức); bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân), giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài);

  • Đề án cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định này;

  • Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan;

  • Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung, nếu có;

  • Các tài liệu khác do Bộ Công Thương quy định.

III. Các câu hỏi thường gặp liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

1. Điều kiện để thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử?

Theo Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP và Điều 10, 11 Nghị định 08/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như sau:

Thương nhân, tổ chức được thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định tại Mục 2, 3 và 4 Chương III Nghị định này khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật
  • Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
  • Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa;
  • Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
  • Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 55 và 58 Nghị định này.

2. Cá nhân nên chọn website thương mại điện tử bán hàng hay website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ bán hàng tại shop mỹ phẩm?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định như sau:

"1. Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.”

Tại Điều 52 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 10 Nghị định 08/2018/NĐ-CP quy định điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng:

“Các thương nhân, tổ chức, cá nhân được thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nếu đáp ứng các điều kiện sau:

1. Là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.

3. Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Điều 53 Nghị định này.”

Tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định:

"2. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:

a) Sàn giao dịch thương mại điện tử;

b) Website đấu giá trực tuyến;

c) Website khuyến mại trực tuyến;

d) Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định."

Điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được quy định tại Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Theo đó, tùy thuộc vào mục đích bán hàng và tình hình thực tế mà bạn có thể lựa chọn loại Website thương mại điện tử phù hợp.

Nên chọn website thương mại điện tử bán hàng khi:

  • Doanh nghiệp chỉ cung cấp một hay vài mặt hàng, dịch vụ cho một lĩnh vực cụ thể;
  • Muốn tạo hiệu ứng nổi bật và gây ấn tượng cho khách hàng nhằm xây dựng thương hiệu;
  • Có mức kinh phí quảng bá, truyền thông hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập, chưa có đủ điều kiện về tài chính;
  • Số lượng nhân sự hạn chế.

Nên chọn website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi:

  • Doanh nghiệp có đủ năng lực thiết kế hệ thống bán hàng, sản phẩm đa dạng, nhiều chủng loại và có thể mở rộng không chỉ trong nước mà còn khắp thế giới.
  • Muốn thu hút được nhiều khách hàng và bán được nhiều sản phẩm.
  • Có đủ tiềm lực về tài chính, nhân sự vững chắc.

Như vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là: website thương mại điện tử chỉ bán duy nhất 1 loại hàng hóa, lĩnh vực hàng hoá của người bán, còn website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cung cấp nhiều dịch vụ thương mại điện tử và có nhiều người bán cùng nhiều mặt hàng.

3. Tranh chấp khi kinh doanh trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được giải quyết thế nào?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 76 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử:

Theo đó, việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được quy định như sau:

  • Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải công bố rõ trên website quy trình tiếp nhận, trách nhiệm xử lý khiếu nại của khách hàng và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử của mình;
  • Nếu thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không công bố thông tin theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 76 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì phải trực tiếp chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý khiếu nại của khách hàng và giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử của mình;
  • Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được tham gia hòa giải tranh chấp phát sinh giữa khách hàng với người bán trên website thương mại điện tử của mình.

Lưu ý: thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý khiếu nại của khách hàng liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử của mình.

Tranh chấp giữa thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng phải được giải quyết trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng công bố tại website vào thời điểm giao kết hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

Thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ không được lợi dụng các ưu thế của mình trên môi trường điện tử để đơn phương giải quyết những vấn đề tranh chấp khi chưa có sự đồng ý của khách hàng.

Việc giải quyết tranh chấp phải thông qua thương lượng giữa các bên, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án theo các thủ tục, quy định hiện hành về giải quyết tranh chấp.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan