Doanh nghiệp vỡ nợ là gì? Thủ tục yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ?

 

Trong thị trường kinh tế hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp ngày càng phát triển, mở rộng thị trường thì cũng không ít các doanh nghiệp phải đóng cửa do vỡ nợ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy doanh nghiệp vỡ nợ là gì? Các thủ tục khi doanh nghiệp vỡ nợ được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng NPlaw tìm hiểu thông qua các nội dung dưới đây.

I. Thực trạng liên quan đến doanh nghiệp vỡ nợ

Với nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay thì tình trạng doanh nghiệp vỡ nợ ngày một gia tăng với mức độ chóng mặt ở hầu hết các khu vực. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vỡ nợ như hiện nay do việc kinh doanh thua lỗ, chi phí sản xuất tăng cao, thay đổi trong thị trường kinh doanh,... Ngoài ra, sự thay đổi trong các chính sách của Chính Phủ cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Hậu quả của doanh nghiệp vỡ nợ kéo theo đó là các khoản nợ không có khả năng thanh toán, doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả cho các chủ nợ, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể có liên quan. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản có thể dẫn đến sự phá sản của các doanh nghiệp khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế. 

II. Các quy định liên quan đến doanh nghiệp vỡ nợ

1. Thế nào là doanh nghiệp vỡ nợ?

Doanh nghiệp vỡ nợ là doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ khi đáo hạn. Trong đó, tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014 có quy định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì doanh nghiệp vỡ nợ là doanh nghiệp không thể thanh toán các khoản nợ bao gồm cả nợ gốc và lãi cho các chủ thể có liên quan khi đáo hạn.

2. Thủ tục yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ

Thủ tục yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ gồm các bước như sau:

- Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Chỉ các chủ thể có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ.

- Tòa án nhận đơn: Sau khi nhận được đơn yêu cầu phá sản, Tòa án sẽ xem xét nội dung đơn yêu cầu, trường hợp nội dung đơn hợp lệ thì Tòa án thông báo nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản. Trường hợp nội dung đơn chưa hợp lệ thì Tòa án sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

- Tòa án thụ lý đơn: Sau khi nhận được biên lai nộp tiền lệ phí, biên lai tạm ứng chi phí phá sản thì Tòa án thụ lý đơn yêu cầu phá sản.

- Mở thủ tục phá sản và triệu tập Hội nghị chủ nợ: Trong Hội nghị chủ nợ có thể đưa ra một trong các kết luận sau: đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản; đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh; đề nghị tuyên bố phá sản.

- Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản thì tài sản của doanh nghiệp bị phá sản được thanh lý và phân chia số tiền bán được cho các chủ thể có liên quan theo thứ tự đã được xác định.

3. Đơn yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ chi tiết gồm những nội dung nào? Nội dung nào quan trọng nhất? Tại sao?

Đơn yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ bao gồm các nội dung cơ bản được quy định như sau:

- Ngày, tháng, năm;

- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết thủ tục phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ;

- Tên, địa chỉ cụ thể của người làm đơn;

- Tên, địa chỉ cụ thể của doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;

- Các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đến hạn mà không được doanh nghiệp thanh toán;

- Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Trong các nội dung trên thì nội dung về các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đến hạn mà không được doanh nghiệp thanh toán được xem là quan trọng nhất. Bởi thông qua nội dung nên giúp xác định cụ thể và chính xác các đối tượng mà doanh nghiệp phá sản cần phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thứ tự khi Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản và bắt đầu thanh lý tài sản của doanh nghiệp để chi trả cho các chủ thể có liên quan. Qua đó hạn chế được các tranh chấp phát sinh trong quá trình chi trả các khoản nợ của doanh nghiệp sau khi thanh lý tài sản do vỡ nợ.

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến doanh nghiệp vỡ nợ

NPlaw xin phép giải đáp một số thắc mắc thường gặp có liên quan đến doanh nghiệp vỡ nợ dưới đây:

1. Chủ thể có nghĩa vụ yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 thì các chủ thể có nghĩa vụ yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ bao gồm:

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Như vậy, có hai trường hợp do pháp luật quy định phải có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ, không còn khả năng thanh toán.

2. Chủ thể có quyền yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ

Theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 thì các chủ thể có quyền yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ gồm:

- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

Như vậy, các chủ thể được pháp luật quy định nêu trên có quyền nộp đơn yêu cầu phá sản khi doanh nghiệp vỡ nợ.

3. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi phá sản doanh nghiệp vỡ nợ

Thứ tự ưu tiên thanh toán khi phá sản doanh nghiệp vỡ nợ được quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014 như sau:

1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:

a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;

b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;

c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;

đ) Thành viên của Công ty hợp danh.

3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Từ quy định trên có thể thấy pháp luật đã quy định rất cụ thể và chi tiết các trường hợp được ưu tiên thanh toán khi phá sản doanh nghiệp vỡ nợ, qua đó giúp bảo vệ được quyền lợi cho các chủ thể có liên quan khi doanh nghiệp vỡ nợ.

4. Các khoản nợ không đảm bảo của doanh nghiệp có được chi trả khi doanh nghiệp đã phá sản không?

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Phá sản 2014 có quy định cấm doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản gồm thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã. Như vậy, các khoản nợ không bảo đảm của doanh nghiệp sẽ không được chi trả khi doanh nghiệp đã phá sản, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật. 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến doanh nghiệp vỡ nợ

Trên đây là các nội dung có liên quan đến doanh nghiệp vỡ nợ mà NPlaw đã cung cấp tới quý khách hàng. Trường hợp nếu khách hàng còn thắc mắc về các nội dung nêu trên thì hãy liên hệ ngay với NPlaw để kịp thời được giải đáp. Bên cạnh đó, với đội ngũ luật sư chuyên nghiệp và có nhiều năm kinh nghiệm thì NPlaw cam kết rằng có thể giải quyết tất cả các vướng mắc của khách hàng liên quan đến doanh nghiệp vỡ nợ và hỗ trợ tận tình, chu đáo cho quý khách hàng trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục yêu cầu phá sản doanh nghiệp khi vỡ nợ. Xin chân thành cảm ơn!


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan