Trong khi hành vi gian lận trong đấu thầu đã và đang là một vấn đề đáng quan ngại và cần được quan tâm giải quyết kịp thời và nhanh chóng thì nhiều người trong chúng ta vẫn chưa hiểu rõ những hành vi nào được xem là gian lận trong đấu thầu. Vậy đấu thầu là gì? Gian lận trong đấu thầu gồm những hành vi nào? Hậu quả pháp lý của hành vi này được quy định ra sao? Để hiểu rõ hơn về những vấn đề nêu trên, mời quý độc giả cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây của Hãng luật NPLaw. Hy vọng những thông tin mà NPLaw sắp cung cấp sẽ mang lại cho quý độc giả cũng như các chủ thể có liên quan một cái nhìn tổng quan về hành vi gian lận trong đấu thầu, để từ đó mở rộng kiến thức pháp lý và tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thực trạng gian lận trong đấu thầu tại Việt Nam hiện nay vẫn còn phức tạp và diễn ra khá phổ biến. Các hành vi gian lận trong đấu thầu thường thấy như sửa đổi hồ sơ mời thầu, giảm giá trị hợp đồng, chia sẻ thông tin giữa các nhà thầu và cán bộ quản lý đấu thầu,... Tuy nhiên, các hành vi này đều bị xử lý tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Các chuyên gia cho rằng để giảm thiểu và hướng đến khắc phục tình trạng gian lận trong đấu thầu, cần có sự thay đổi về cách thức quản lý và giám sát đấu thầu cũng như nâng cao ý thức của các chủ thể tham gia đấu thầu. Hiện nay, Luật Đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn các quy định về đấu thầu, tiêu biểu là quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ mời thầu để chống hiện tượng “cài cắm” tiêu chí.
Để hiểu gian lận trong đấu thầu là gì thì trước tiên cần định nghĩa được khái niệm đấu thầu. Căn cứ quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013 được sửa đổi bởi điểm d khoản 1 Điều 99 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Bản chất của hành vi đấu thầu là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển, bởi thông qua hoạt động này, những nhà thầu đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật và chi phí của chủ đầu tư sẽ được lựa chọn. Chính vì vậy, đấu thầu ra đời và tồn tại với mục tiêu nhằm thực hiện tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch.
Vậy vì sao lại xảy ra tình trạng gian lận trong đấu thầu? Nhìn tổng thể, tình trạng gian lận trong đấu thầu tại Việt Nam do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, có thể kể đến như tính minh bạch, sự tham nhũng, thiếu giám sát và áp lực cạnh tranh. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự cải thiện trong các quy trình đấu thầu, tăng cường giám sát và tăng cường ý thức pháp luật trong việc thực hiện quy trình đấu thầu. Cho đến thời điểm hiện tại, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu cũng như hạn chế các hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, Nhà nước ta đã và đang hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013, gian lận trong đấu thầu bao gồm các hành vi sau:
- Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào.
- Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
- Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Đây là các hành vi được xác định là gian lận trong đấu thầu. Quy định về các hành vi này được thiết lập để đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong hoạt động đấu thầu. Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về gian lận trong đấu thầu thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi.
Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như hạn chế các hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, Nhà nước ta đã và đang hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, thể hiện qua Luật Đấu Thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó có một số điều cần lưu ý là quy định về việc xử lý hành vi gian lận trong đấu thầu và cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm này.
Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 90 Luật Đấu thầu năm 2013).
Theo quy định tại Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hiện nay có các hình thức xử lý vi phạm đấu thầu sau:
- Cảnh cáo, phạt tiền;
- Cấm tham gia hoạt động đấu thầu;
- Truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Như vậy, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm đối với hành vi gian lận trong đấu thầu mà cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị áp dụng một hay nhiều hình thức xử lý vi phạm theo quy định nêu trên.
Đối với hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, căn cứ quy định tại Điều 73, Điều 74 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt về hành vi gian lận trong đấu thầu, tùy theo dự án mà cấp cơ quan chịu trách nhiệm quản lý.
Đối với hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu năm 2013, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước. Quyết định xử lý vi phạm phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và các cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời phải được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp và phải được đăng tải trên Báo đấu thầu, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, khi cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với mức độ phạm tội. Lúc này, thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.
Như vậy, tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hình thức xử lý vi phạm mà cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm gian lận trong đấu thầu sẽ có sự khác nhau.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Nghị định 63/2014/NĐ-CP về đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, tuyên bố vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu thì đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu được áp dụng khi:
- Có bằng chứng cho thấy tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Hành vi này dẫn đến không bảo đảm mục tiêu của công tác đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế hoặc làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Như vậy, biện pháp đình chỉ được áp dụng trong trường hợp nêu trên, nhằm khắc phục ngay vi phạm đã xảy ra và được thực hiện đến trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, trong văn bản đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do, nội dung, biện pháp và thời gian để khắc phục vi phạm về đấu thầu.
Trước, trong và sau quá trình tham gia vào hoạt động đấu thầu, chắc chắn các bên không thể tránh khỏi những vướng mắc pháp lý nhất định. Và sau đây NPLaw sẽ giúp quý độc giả giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến hoạt động đấu thầu, cụ thể là về hành vi gian lận trong đấu thầu.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm các điều cấm trong đấu thầu, hành vi gian lận trong đấu thầu mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự hiện hành thì sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền thì mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, theo quy định trên, người gian lận trong đấu thầu mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, khi cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với mức độ phạm tội.
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì hành vi gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp có các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm. Trường hợp phạm tội gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về gian lận trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ phạm tội với mức xử phạt có thể lên đến 20 năm tù.
Theo quy định tại Điều 124 Nghị định 63/2014/NĐ-CP về bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về đấu thầu thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu nói chung và gian lận trong đấu thầu nói riêng mà gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan. Thiệt hại trong trường hợp này được hiểu là những thiệt hại thực tế, phát sinh dựa trên hành vi gian lận trong đấu thầu gây ra và mức bồi thường được xác định theo quy định của pháp luật dân sự và thương mại.
Gian lận trong đấu thầu là một hành vi vi phạm pháp luật, vì thế để giảm thiểu những tranh chấp không đáng có có thể xảy đến trong tương lai hay để tuân thủ đúng quy định pháp luật về đấu thầu, bạn nên tìm cho mình một đội ngũ pháp lý tư vấn và hỗ trợ để có thể tiến hành thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu một cách hợp pháp, dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Trên đây là các thông tin cần thiết mà NPLaw cung cấp tới quý bạn đọc liên quan đến vấn đề gian lận trong đấu thầu. Nếu bạn vẫn còn những vướng mắc liên quan đến vấn đề trên hay có trăn trở về bất cứ lĩnh vực pháp lý nào, hãy liên hệ ngay với NPLaw. Các chuyên viên, luật sư đầy nhiệt huyết với trình độ chuyên môn cao sẽ giải đáp thắc mắc và tư vấn cụ thể, chuyên sâu hơn cho quý Khách hàng thông qua hình thức tin nhắn, hay qua điện thoại hoặc email tư vấn. Riêng đối với các vấn đề liên quan đến việc gian lận trong đấu thầu, đội ngũ chuyên viên, luật sư của NPLaw có thể hỗ trợ Khách hàng thực hiện các công việc như tư vấn trình tự thực hiện đấu thầu, phương thức đấu thầu; tư vấn cho chủ đầu tư lập kế hoạch đấu thầu; tư vấn và xử lý tình huống phát sinh trong quá trình đấu thầu; đại diện tham gia đàm phán, thương thảo hay làm việc với cơ quan Nhà nước;...
Quý Khách hàng có thể liên hệ ngay với NPLaw theo thông tin dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ – HÃNG LUẬT NPLAW
Hotline: 0913 4499 68
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn