Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Trong những năm gần đây, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng đầu tư lớn nên đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo điều kiện thu hút FDI, Việt Nam cũng đặt ra một số quy định hạn chế ngành, nghề kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và hạn chế sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến các ngành, nghề bị hạn chế tiếp cận thị trường và các đối tượng bị áp dụng.

I. Đối tượng áp dụng Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường

Theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường được áp dụng đối với:

a) Nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư;

b) Tổ chức kinh tế theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

(Trong Mục này các đối tượng quy định tại các điểm a và b khoản này, sau đây gọi chung là nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp Nghị định này có quy định khác).

Đối tượng áp dụng Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường

II. Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam thì sẽ được áp dụng các điều kiện tiếp cận thị trường tương tự như các nhà đầu tư trong nước. Thế nhưng, không phải ngành, nghề nào nhà đầu tư nước ngoài cũng được đối xử ngang bằng so với các nhà đầu tư trong nước. Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Phụ lục I banh hành kèm theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP, bao gồm:

  • Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
  • Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.

Trong đó, Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đó là những ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài không được phép đầu tư tại Việt Nam. Còn ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện là những ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện pháp luật Việt Nam đặt ra để có thể đầu tư ngành, nghề đó.

Theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế về tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư. Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố tại Phụ lục I của Nghị định này.

Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Theo Phụ lục I, hiện nay có 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như: Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; Đánh bắt hoặc khai thác hải sản; Dịch vụ điều tra và an ninh…và 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, như: Cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình; Bảo hiểm; ngân hàng; kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ khác liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán; Dịch vụ bưu chính, viễn thông;…

II. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Căn cứ theo khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020, khi nhà đầu tư kinh doanh các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
  • Hình thức đầu tư;
  • Phạm vi hoạt động đầu tư;
  • Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
  • Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện bất cứ hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau đây:

  • Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;
  • Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
  • Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;
  • Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
  • Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
  • Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành, nghề mà Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường thì điều kiện tiếp cận thị trường được áp dụng như sau:

  • Trường hợp pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước;
  • Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.

Trên đây là bài viết về Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài cần nghiên cứu kỹ lưỡng các ngành, nghề dự định đầu tư tại Việt Nam cũng như là tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện hành để hoạt động đầu tư được diễn ra suôn sẻ.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý toàn diện một cách chuyên nghiệp liên quan đến Đầu tư trong và ngoài nước; Doanh nghiệp; Bất động sản; Sở hữu trí tuệ; Lao động; Tư vấn soạn thảo, đàm phán thương lượng và hỗ trợ ký kết các Hợp đồng thương mại, Hợp đồng dịch vụ trong và nước ngoài; Tư vấn và hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp các loại giấy phép con,.. Với đội ngũ Luật sư và chuyên viên được đào tạo chuyên nghiệp, chúng tôi có đủ năng lực để tư vấn và hỗ trợ khách hàng thực hiện những thủ tục này.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan