NHỮNG LƯU Ý PHÁP LÝ VỀ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG NHÀ XƯỞNG

Trước khi xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhà xưởng, công trình... nếu giao cho bên thi công, chủ nhà cần ký hợp đồng xây dựng để thỏa thuận các điều khoản, cam kết, nhằm có cơ sở để nghiệm thu công trình sau khi hoàn thiện. 

Vậy đối với hợp đồng xây dựng nhà xưởng, các bên cần lưu ý gì khi giao kết và thực hiện hợp đồng? Sau đây, NPLAW sẽ tư vấn và giải đáp những vấn đề thắc mắc liên quan đến hợp đồng xây dựng nhà xưởng. 

Tìm hiểu về hợp đồng xây dựng nhà xưởng

I. Tìm hiểu về hợp đồng xây dựng nhà xưởng

Hợp đồng xây dựng nhà xưởng là yếu tố pháp lý quan trọng và cần thiết nhất khi chuẩn bị thi công xây dựng nhà xưởng. Các bên tham gia và ký kết vào hợp đồng phải tuân thủ thực hiện đúng theo các điều khoản đã thống nhất. Phía nhận thầu thi công nhà xưởng phải đảm bảo hoàn thành công việc và bàn giao đúng theo tiến độ. Phía giao thầu cũng phải thanh toán chi phí đúng hạn, đúng số tiền cho phía nhận thầu. Khi có các vấn đề tranh chấp, vi phạm hợp đồng xảy ra thì hợp đồng xây dựng mà xưởng là căn cứ pháp lý để giải quyết các vấn đề, đảm bảo quyền lợi cho các bên. 

Dựa theo tính chất, nội dung công việc, có thể xác định các loại hợp đồng xây dựng nhà xưởng bao gồm:

-Hợp đồng tư vấn: Hợp đồng ký kết về việc tư vấn 1 phần hoặc toàn bộ về thiết kế, thi công của công trình xây dựng nhà xưởng.

-Hợp đồng thi công xây dựng nhà xưởng: Hợp đồng ký kết về việc thực hiện thi công cho 1 số hạng mục hoặc toàn bộ công trình nhà xưởng (hợp đồng tổng thầu).

-Hợp đồng mua sắm trang thiết bị: Hợp đồng ký kết giữa bên cung cấp thiết bị lắp đặt cho công trình và chủ đầu tư.

-Hợp đồng thiết kế và thi công: Hợp đồng ký kết cho việc thiết kế, thi công nhà xưởng cho chủ đầu tư.

-Hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị: Hợp đồng ký kết việc việc thực hiện thiết kế và mua sắm các thiết bị lắp đặt cho công trình.

-Hợp đồng cung cấp thiết bị và thi công: Hợp đồng ký kết việc mua sắm các thiết bị và thi công lắp đặt hoàn thiện cho công trình.

-Hợp đồng chìa khóa trao tay: Hợp đồng bao gồm việc thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị hoàn thiện và bàn giao cho chủ đầu tư.

-Hợp đồng cung cấp nhân lực và thiết bị máy móc thi công: Hợp đồng ký kết cho việc cung cấp nguồn nhân lực và các trang thiết bị, máy móc để phục vụ cho thi công công trình.

Quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng nhà xưởng

II. Quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng nhà xưởng

1. Thế nào là hợp đồng xây dựng nhà xưởng

-Hiện nay, pháp luật không có quy định về khái niệm hợp đồng xây dựng nhà xưởng. Có thể hiểu, hợp đồng xây dựng nhà xưởng là một loại hợp đồng thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên về việc thực hiện các công việc xây dựng, sửa chữa hoặc cải tạo một nhà xưởng. Trong đó, một bên (thường là chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu) sẽ yêu cầu, và bên kia (thường là nhà thầu xây dựng) sẽ đảm nhận việc xây dựng nhà xưởng theo các điều kiện đã thỏa thuận.

-Tất cả các bên tham gia và đồng ý với hợp đồng cần phải thực hiện chính xác theo những điều khoản đã được đồng thuận. Bên được giao nhiệm vụ xây dựng nhà xưởng cần phải hoàn thành công trình và giao lại đúng tiến độ đã cam kết. Ngược lại, bên giao công việc cũng cần phải thực hiện thanh toán kịp thời và chính xác số tiền đã thỏa thuận với bên nhận thầu. Trong trường hợp xuất hiện tranh chấp hay vi phạm hợp đồng, hợp đồng xây dựng sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết mọi vấn đề và bảo vệ quyền lợi của mỗi bên.

2. Những nội dung cần có trong hợp đồng xây dựng nhà xưởng

Một hợp đồng xây dựng nhà xưởng đạt chuẩn và có giá trị pháp lý thì cần có đầy đủ các nội dung sau đây:

-Đối tượng của hợp đồng

-Giá của hợp đồng, tạm ứng

-Thanh toán

-Thay đổi và điều chỉnh hợp đồng

-Thời gian thực hiện hợp đồng

-Quyền và nghĩa vụ của các bên

-Quyền của bên giao thầu: 

-Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm

-Tạm ngừng và chấm dứt hợp đồng

-Bảo mật

-Bảo hành công trình

-Bảo hiểm, an toàn công trình

-Giải quyết tranh chấp

3. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng xây dựng nhà xưởng

Căn cứ Điều 6 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 50/2021/NĐ-CP, hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

-Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

-Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2015/NĐ-CP như: Tại thời điểm ký kết hợp đồng bên nhận thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực hành nghề, năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng; Chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư được ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc; Giá ký kết hợp đồng không được vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng…

-Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.

III. Một số thắc mắc về hợp đồng xây dựng nhà xưởng

1. Có nên quy định chi tiết về những công việc cần thực hiện trong hợp đồng xây dựng nhà xưởng không

Cần quy định chi tiết về những công việc cần thực hiện trong hợp đồng xây dựng nhà xưởng. Điều này nhằm xác định rõ phạm vi công việc trong quá trình thực hiện hợp đồng cũng như tránh những mâu thuẫn, tranh chấp sau này. 

Đối tượng của hợp đồng thi công xây dựng nhà xưởng là một một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng được quy định tại Khoản 1 Điều 2 NĐ 37/2015/NĐ-CP. Bên giao thầu và bên nhận thầu cần thỏa thuận quy định với nhau về cách xây dựng, địa điểm xây dựng, diện tích xây dựng. Phạm vi công việc cũng cần mô tả cụ thể công việc xây dựng, sửa chữa hoặc cải tạo nhà xưởng mà nhà thầu cần thực hiện, kế hoạch và lịch trình xây dựng,...

2. Có được quy định phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong cùng một hợp đồng xây dựng nhà xưởng không

Theo Khoản 1 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014, thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định.

Đồng thời tại Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Như vậy, các bên có thể quy định phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong cùng một hợp đồng xây dựng nhà xưởng. 

3. Xây dựng nhà xưởng không đúng với hợp đồng thì bên xây dựng bị bồi thường như thế nào?

Theo Khoản 5 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014, trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không phù hợp với quy định thì sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu bên kia còn bị những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia.

Như vậy, xây dựng nhà xưởng không đúng với hợp đồng thì bên xây dựng bị bồi thường tương đương với mức tổn thất của bên kia sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan hợp đồng xây dựng nhà xưởng

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề hợp đồng xây dựng nhà xưởng. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan