Hiện nay, vấn đề quấy rối tình dục xảy ra ngày càng nhiều và không chỉ xảy ra trên các phương tiện công cộng mà có ở văn phòng làm việc. Pháp luật cần có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn đối với hành vi quấy rối tình dục để giảm bớt tình trạng này. Vậy hiện nay, pháp luật có quy định như thế nào về quấy rối tình dục? Hình phạt đối với hành vi quấy rối tình dục là gì? Hãy cùng NP LAW tìm hiểu nhé.
Quấy rối tình dục có thể hiểu là hành vi có tính chất tình dục của bất kì người nào đối với người khác mà không được người đó mong muốn hoặc chưa được sự chấp thuận của họ, đã gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của người khác, được thể hiện thông qua nhiều hình thức như: hành động, lời nói, hình ảnh,...
Và hành vi quấy rối tình dục có thể xảy ra ở bất cứ đâu như: nơi công cộng, nơi làm việc hoặc thậm chí là trên các phương tiện xã hội.
Theo quy định tại khoản 3, 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt hành chính đối với hành vi quấy rối tình dục như sau:
“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này”.
“5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
….
đ) Sàm sỡ, quấy rối tình dục”.
Ngoài ra, đối với hành vi quấy rối tình dục còn chịu biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu.
Như vậy, hành vi quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng tùy mức độ hành vi và buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Cơ sở pháp lý: điểm a khoản 3, điểm đ khoản 5, điểm c khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ Luật lao động năm 2019: Người lao động trong quá trình làm việc mà bị quấy rối tình dục thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2019 vẫn chưa có quy định cụ thể về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục.
Nhưng nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác, thì người thực hiện hành vi quấy rối tình dục có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Hành vi quấy rối tình dục hiện nay diễn ra khá nhiều và tinh vi hơn, vì thế ta phải biết được nguyên nhân của quấy rối tình dục là gì? Sau đây là một số nguyên nhân của quấy rối tình dục:
Một là do nhận thức về hành vi quấy rối tình dục còn chưa hoàn thiện và đầy đủ của xã hội. Nhiều chủ thể nghĩ chỉ khi nào có hành vi ôm, hôn, sờ soạng hoặc hiếp dâm thì mới gọi là quấy rối.
Hai là xuất phát từ truyền thống văn hóa, tư tưởng lạc hậu, trọng nam, khinh nữ. Cho nên, khi phụ nữ bị quấy rối tình dục thường giấu kín, không dám phản kháng chỉ im ru mà bỏ qua hành vi trên hoặc có người không dám tố cáo đối tượng có hành vi quấy rối tình dục.
Đa số, số đông sẽ chỉ trích về người phụ nữ bị quấy rối tinh dục vì phong cách ăn mặc hở hang, sexy, nhưng lại ít ai chỉ trích những kẻ gây ra hành động đó và kẻ quấy rối chỉ cần đợi cơ hội là họ làm mà chẳng cần biết nạn nhân là ai.
Nguyên nhân thứ ba vì hiện nay, pháp luật nước ta chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về hành vi quấy rối tình dục, hình thức xử phạt chưa thực sự nghiêm minh và số tiền xử phạt hành chính cho tội quấy rối vẫn chưa cao. Cho nên, nhiều người có tư tưởng xem thường luật pháp và vẫn thường xuyên thực hiện hành vi quấy rối tình dục.
Ngoài ra, những nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục thường là nữ, họ thường e ngại về việc nói ra sự việc, thường im lặng chịu đựng và đây cũng là một lý do khiến cho những kẻ có hành vi quấy rối được nước lấn tới, không kiêng dè.
Đối với người bị quấy rối tình dục dù diễn ra dưới hình thức nào thì đều để lại cho họ những hậu quả nặng nề. Họ có thể bị tổn thương sâu sắc về mặt thể chất và tinh thần.
Có người bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, bị ám ảnh suốt đời, bị lãnh cảm trong chuyện chăn gối... Nhẹ hơn thì người bị quấy rối tình dục sẽ cảm thấy xấu hổ, cảm thấy nhục nhã với mọi người, dẫn đến việc không dám ra ngoài đi học, đi làm bình thường.
Mỗi người có thể bị ảnh hưởng khác nhau, nhưng hậu quả để lại cho người bị quấy rối tình dục rất kinh khủng. Không thiếu trường hợp có những người đã tự làm tổn thương bản thân và thậm chí đã tự sát để giải thoát bản thân khỏi những ám ảnh đầy đau thương đó.
Theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt hành chính vi phạm quy định về trật tự công cộng, có hành vi quấy rối tình dục thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác, thì người thực hiện hành vi quấy rối tình dục có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Như vậy, đối với hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng, cụ thể là trên xe buýt tại TP. Hồ Chí Minh thì các đối tượng có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, còn đối với mức phạt theo Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì mức phạt tối đa lên tới 30.000.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có cơ sở chứng minh họ đã phạm tội làm nhục người khác.
Cơ sở pháp lý: điểm đ khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 thì “quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động”.
Và nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
“a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục”.
Qua các cơ sở pháp lý trên thì việc chủ nhà động chạm người giúp việc là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc khi việc động chạm đó mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục và việc đụng chạm này xảy ra nơi mà người giúp việc thực tế làm việc, thực hiện nhiệm vụ của mình, theo thỏa thuận hoặc phân công của người chủ nhà có thể là nhà riêng, văn phòng hay bất cứ đâu.
Cơ sở pháp lý: điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019.
Căn cứ khoản 4 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì việc quấy rối tình dục người giúp việc sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Điều 30. Vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình
….
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, việc quấy rối tình dục sẽ để lại cho nạn nhân nhiều hệ lụy về sau. Chính vì thế, chính sách pháp luật cần có biện pháp khắc phục và chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi quấy rối tình dục. Nạn nhân mới là người được xã hội bảo vệ. Kẻ quấy rối mới đáng xấu hổ và phải nhận sự trừng phạt thích đáng.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn