Quy định đào tạo nhân viên bảo vệ hiện nay

Trong xã hội hiện đại, khi nhu cầu đảm bảo an ninh ngày càng trở nên quan trọng, vai trò của nhân viên bảo vệ không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn trật tự mà còn là một phần thiết yếu trong việc bảo vệ tài sản và con người. Tuy nhiên, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, việc đào tạo nhân viên bảo vệ cần được thực hiện một cách bài bản, đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

I. Thực trạng đào tạo nhân viên bảo vệ hiện nay

Trong bối cảnh xã hội ngày càng chú trọng đến an ninh và bảo vệ, nhu cầu đào tạo nhân viên bảo vệ đã trở thành yêu cầu tất yếu. Việc đào tạo không chỉ đảm bảo trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức chuyên môn cho nhân viên mà còn giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, hoạt động đào tạo nhân viên bảo vệ cần tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh nghiệm và đội ngũ giáo viên có trình độ phù hợp. Việc thực hiện đúng các quy định này không chỉ giúp nhân viên bảo vệ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn góp phần nâng cao uy tín và trách nhiệm của ngành dịch vụ bảo vệ.

II. Quy định pháp luật về đào tạo nhân viên bảo vệ

1. Thế nào là đào tạo nhân viên bảo vệ

Đào tạo nhân viên bảo vệ là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn nhằm giúp nhân viên bảo vệ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Theo quy định pháp luật, chương trình, giáo trình đào tạo nhân viên bảo vệ phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thông thường việc đào tạo sẽ bao gồm các nội dung cơ bản như: kiến thức pháp luật liên quan đến ngành bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, nghiệp vụ bảo vệ an ninh trật tự, và khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Đây là bước chuẩn bị cần thiết, tạo nền tảng cho nhân viên bảo vệ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ con người, tài sản, và an ninh xã hội.

2. Điều kiện để đào tạo nhân viên bảo vệ

Theo Điều 12 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, điều kiện để được đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ hiện nay bao gồm:

  • Chỉ các cơ sở nhất định theo khoản 1 Điều 12 Nghị định này  mới được đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ.
  • Cơ sở đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 phải có tài liệu chứng minh về chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền cấp.
  • Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo nhân viên bảo vệ cho cơ sở của mình phải đáp ứng điều kiện về:

+ Cơ sở vật chất, 

+ Kinh nghiệm hoạt động; có ban quản lý, đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ.

+ Số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ; 

+ Giáo viên giảng dạy có trình độ phù hợp; 

+ Giáo trình và chương trình đào tạo.

  • Đã được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an thẩm duyệt giáo trình, chương trình đào tạo. Sau khóa đào tạo phải có văn bản đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền sát hạch đánh giá kết quả và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho những nhân viên dịch vụ bảo vệ đạt yêu cầu.

Như vậy, cơ sở đào tạo nhân viên bảo vệ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định nêu trên.

3. Các cơ sở được đào tạo nhân viên bảo vệ

Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, chỉ các cơ sở sau đây mới được đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ:

  • Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo bảo vệ cho cơ sở mình theo khoản 3 Điều này;
  • Trung tâm dạy nghề của các trường Công an nhân dân;
  • Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Công an từ cấp tỉnh trở lên.
  • Các cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ quy định tại khoản 3 Điều này nếu có nhu cầu hoạt động kinh doanh đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ cho cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy, chỉ các cơ sở nêu trên được phép đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ.

III.Một số thắc mắc về đào tạo nhân viên bảo vệ

1. Vai trò của đào tạo nhân viên bảo vệ

Đào tạo nhân viên bảo vệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Một chương trình đào tạo bài bản không chỉ cung cấp kiến thức pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn, mà còn giúp nhân viên bảo vệ rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống, phòng ngừa rủi ro và bảo vệ tài sản, con người một cách hiệu quả. Việc tổ chức đào tạo đúng tiêu chuẩn pháp luật không chỉ là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà còn là yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin từ khách hàng, nâng cao uy tín trong ngành và giảm thiểu các nguy cơ vi phạm pháp luật hoặc sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

 

2. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép để đào tạo nhân viên bảo vệ

Theo điểm a khoản 2 Điều 24 Nghị định 96/2016/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 56/2023/NĐ-CP):

“2. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm:

a) Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và quản lý các cơ sở kinh doanh (trừ các cơ sở kinh doanh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này), gồm: ... kinh doanh dịch vụ bảo vệ; ...”

Như vậy, thẩm quyền cấp phép để cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo nhân viên bảo vệ là Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Giáo viên giảng dạy các lớp đào tạo nhân viên bảo vệ phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên

Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 12 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo nhân viên bảo vệ cho cơ sở của mình phải đáp ứng các điều kiện sau đây: “Có giáo viên hoặc hợp đồng thuê giáo viên giảng dạy. Giáo viên giảng dạy phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên (trừ môn võ thuật);”

Như vậy, giáo viên giảng dạy đào tạo nhân viên bảo vệ phải có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên (trừ môn võ thuật) theo quy định nêu trên.

4. Vốn pháp định đối với kinh doanh dịch vụ bảo vệ là bao nhiêu?

Theo quy định hiện nay, kinh doanh dịch vụ bảo vệ không phải ngành nghề kinh doanh yêu cầu điều kiện về vốn pháp định. Tuy nhiên, dù không có điều kiện về vốn pháp định nhưng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ cần phải đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự theo Điều 7, Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP. 

5. Kinh doanh dịch vụ bảo vệ nhưng không đào tạo nhân viên bảo vệ thì có bị phạt không? Phạt như thế nào?

Hiện nay không có quy định bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải đào tạo nhân viên bảo vệ. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh bảo vệ có trách nhiệm chỉ sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ đã được đào tạo và được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ theo khoản 2 Điều 32 Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Nếu sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ chưa được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ thì sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm t khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về đào tạo nhân viên bảo vệ

Trên đây là bài viết của NPLaw về quy định đào tạo nhân viên bảo vệ hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn về hỗ trợ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan