QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH VỀ TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Nhắc đến tổ chức tín dụng hầu như ai ai cũng nghĩ đến Ngân hàng, tuy nhiên ngân hàng chỉ là một trong các loại hình tổ chức tín dụng hiện nay. Ngoài ngân hàng thì pháp luật còn quy định các hình thức khác của tổ chức tín dụng, quyền và phạm vi tổ chức tín dụng để mọi người đảm bảo được quyền và lợi ích của mình khi tham gia hoạt động tín dụng như gửi tiền tiết kiệm, vay tiền hoặc đơn giản là sử dụng các dịch vụ tiện ích online như thanh toán các hóa đơn điện tử thông qua app ngân hàng. Hãy cùng NPLAW tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!

I. Tổ chức tín dụng là gì?

Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 thì tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

1. Quyền các tổ chức tín dụng

Tổ chức tín dụng có quyền tự chủ hoạt động và quyền hoạt động ngân hàng, cụ thể quy định tại Điều 7 và Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 như sau:

  • Quyền tự chủ hoạt động:

    • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
    • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.
  • Quyền hoạt động ngân hàng
    • Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
    • Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.

2. Phạm vi hoạt động tổ chức tín dụng

Tổ chức tín dụng được phép hoạt động trong phạm vi mà pháp luật quy định theo Điều 90 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cụ thể:

  • Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể phạm vi, loại hình, nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng trong Giấy phép cấp cho từng tổ chức tín dụng.
  • Tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng.
  • Các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng quy định tại Luật này thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, tại Điều 7 Thông tư 23/2018/TT-NHNN hướng dẫn nội dung hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân như sau: Địa bàn, phạm vi, nội dung hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân sau khi tổ chức lại phải phù hợp với phương án tổ chức lại được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phê duyệt.

3. Người đại diện theo pháp luật của các tổ chức tín dụng

Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng phải tuân thủ Điều 12 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cụ thể:

  • Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng được quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng và phải là một trong những người sau đây:
    • Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng;
    • Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng.
  • Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng phải cư trú tại Việt Nam, trường hợp vắng mặt ở Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác là người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng đang cư trú tại Việt Nam để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

II. Quy định chung về tổ chức tín dụng

Tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định chung được quy định tại Mục 1 Chương IV Luật Các tổ chức tín dụng 2010 bao gồm: 

  • Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010) phải đảm bảo:

    • Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
    • Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
    • Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu của tổ chức tín dụng (Điều 92 Luật Các tổ chức tín dụng 2010) phải tuân thủ:

  • Tổ chức tín dụng được phát hành chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu để huy động vốn theo quy định của Luật này và quy định của Ngân hàng Nhà nước.
  • Căn cứ Luật này và Luật chứng khoán, Chính phủ quy định việc phát hành trái phiếu, trừ trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn của tổ chức tín dụng.

Các quy định nội vào của tổ chức tín dụng dựa vào Điều 93 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cụ thể:

  • Căn cứ vào quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng phải xây dựng và ban hành các quy định nội bộ đối với các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng, bảo đảm có cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro gắn với từng quy trình nghiệp vụ kinh doanh, phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp.
  • Tổ chức tín dụng phải ban hành các quy định nội bộ sau đây:
  • Quy định về cấp tín dụng, quản lý tiền vay để bảo đảm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích;
  • Quy định về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro;
  • Quy định về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu;
  • Quy định về quản lý thanh khoản, trong đó có các thủ tục và các giới hạn quản lý thanh khoản;
  • Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và cơ chế kiểm toán nội bộ phù hợp với tính chất và quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng;
  • Quy định về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ;
  • Quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng;
  • Quy định về quy trình, thủ tục, bao gồm cả nguyên tắc nhận biết khách hàng để bảo đảm ngăn ngừa việc tổ chức tín dụng bị lạm dụng cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác;
  • Quy định về phương án xử lý các trường hợp khẩn cấp.
  • Tổ chức tín dụng phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước các quy định nội bộ tại khoản 2 Điều 93 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 ngay sau khi ban hành.

Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay (Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng 2010) phải tuân thủ:

  • Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng.
  • Tổ chức tín dụng phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng.
  • Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng.
  • Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn.

Chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ, miễn, giảm lãi suất (Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng 2010) phải tuân thủ:

  • Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng.
  • Trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
  • Trong trường hợp khách hàng vay hoặc người bảo đảm không trả được nợ do bị phá sản, việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
  • Tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi suất, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.
  • Lưu giữ hồ sơ tín dụng theo Điều 96 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, cụ thể:
    • Tổ chức tín dụng phải lưu giữ hồ sơ tín dụng, bao gồm:
    • Hợp đồng cấp tín dụng và tài liệu ghi rõ mục đích sử dụng vốn; hồ sơ về biện pháp bảo đảm;
    • Báo cáo thực trạng tài chính của khách hàng;
    • Quyết định cấp tín dụng có chữ ký của người có thẩm quyền; trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua;
    • Những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến hợp đồng cấp tín dụng.
    • Thời hạn lưu trữ hồ sơ tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật.
    • Hoạt động ngân hàng điện tử: Tổ chức tín dụng được thực hiện các hoạt động kinh doanh qua việc sử dụng các phương tiện điện tử theo hướng dẫn tại Điều 97 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

III. Các loại hình tổ chức tín dụng hiện nay

Hiện nay, tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

  • Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm:

    • Ngân hàng thương mại: loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2010 nhằm mục tiêu lợi nhuận.
    • Ngân hàng chính sách: ngân hàng do Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.
    • Ngân hàng hợp tác xã: ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2010 nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân.

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm:

  • Công ty tài chính;
  • Công ty cho thuê tài chính, đây là loại hình công ty tài chính có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010;
  • Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.
  • Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.
  • Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật Hợp tác xã 2012 nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

IV. Hình thức hoạt động các tổ chức tín dụng

Tùy vào từng hình thức của tổ chức tín dụng mà có hình thức hoạt động đặc trưng. Tuy nhiên các hoạt động chủ yếu vẫn xoay quanh một số các nghiệp vụ sau đây theo Khoản 12 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010:

  • Nhận tiền gửi (Khoản 13 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010): Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức:
    • Tiền gửi không kỳ hạn;
    • Tiền gửi có kỳ hạn;
    • Tiền gửi tiết kiệm;
    • Phát hành chứng chỉ tiền gửi;
    • Kỳ phiếu;
    • Tín phiếu;
    • Các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.
  • Cấp tín dụng (Khoản 14 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010) Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc:
    • Có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay;
    • Chiết khấu;
    • Cho thuê tài chính;
    • Bao thanh toán;
    • Bảo lãnh ngân hàng.
  • Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản (Khoản 15 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010), bao gồm:

    • Cung ứng phương tiện thanh toán;
    • Thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng;
    • Các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng.

V. Các thắc mắc thường gặp về tổ chức tín dụng

1. Trưởng ban kiểm soát tổ chức tín dụng này có được đồng thời là thành viên ban kiểm soát cho tổ chức tín dụng khác không?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017, những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ bao gồm:

Trưởng Ban kiểm soát không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát, người quản lý của tổ chức tín dụng khác. Thành viên Ban kiểm soát không được đồng thời đảm nhiệm một trong các chức vụ sau đây:

  • Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, người điều hành, nhân viên của cùng một tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng đó hoặc nhân viên của doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng là thành viên Hội đồng quản trị, người điều hành hoặc là cổ đông lớn của doanh nghiệp đó;
  • Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, người điều hành của doanh nghiệp mà thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp đó đang là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, người điều hành tại tổ chức tín dụng.

Như vậy, Trưởng Ban kiểm soát tổ chức tín dụng này không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát cho tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Tổ chức tín dụng được tổ chức lại trong những trường hợp nào?

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 36/2015/TT-NHNN quy định về Các trường hợp tổ chức lại tổ chức tín dụng như sau:

  • Thứ nhất, các trường hợp sáp nhập tổ chức tín dụng bao gồm:

    • Ngân hàng thương mại, công ty tài chính sáp nhập vào một ngân hàng thương mại;
    • Công ty tài chính sáp nhập vào một công ty tài chính.
  • Thứ hai, các trường hợp hợp nhất tổ chức tín dụng gồm:
    • Ngân hàng thương mại hợp nhất ngân hàng thương mại thành một ngân hàng thương mại;
    • Ngân hàng thương mại hợp nhất công ty tài chính thành một ngân hàng thương mại;
    • Công ty tài chính hợp nhất công ty tài chính thành một công ty tài chính.
  • Thứ ba, các trường hợp chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng gồm:

    • Ngân hàng thương mại, công ty tài chính chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần và ngược lại;
    • Ngân hàng thương mại, công ty tài chính chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và ngược lại.

Như vậy tổ chức tín dụng được tổ chức lại trong những trường hợp sau: Sáp nhập; hợp nhất và chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng.

3. Tổ chức kinh tế trong nước có quyền mua ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng A để trả nợ vay tại tổ chức tín dụng B không?

Căn cứ Thông tư 42/2018/TT-NHNN có hiệu lực ngày 01/01/2019, đồng tiền dùng để trả nợ theo quy định của pháp luật hiện hành được nêu cụ thể tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 42/2018/TT-NHNN như sau:

  • Đối với khoản vay bằng ngoại tệ mà tại thời điểm trước khi ký kết hợp đồng tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thẩm định khách hàng vay không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay: Khách hàng vay được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay hoặc tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác để trả nợ vay.
  • Trường hợp khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay phải bán ngoại tệ cho khách hàng. Trường hợp khách hàng vay mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán ngoại tệ phải chuyển số ngoại tệ đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay.

Căn cứ vào quy định này, có thể thấy khách hàng vay được phép mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác để trả nợ vay. Có thể hiểu một cách đơn giản, khách hàng vay được phép mua ngoại tệ của tổ chức tín dụng này để trả nợ tại tổ chức tín dụng khác.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan