QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CẦN TUÂN THỦ KHI MUA XE Ô TÔ TRẢ GÓP

Ngày nay, việc sở hữu một chiếc xe ô tô không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là biểu tượng của sự tiện nghi và an toàn. Tuy nhiên, giá trị lớn của ô tô khiến nhiều người không thể thanh toán toàn bộ số tiền ngay lập tức. Chính vì thế, hình thức mua xe ô tô trả góp trở thành lựa chọn phổ biến. Mặc dù vậy, mua xe ô tô trả góp cũng tiềm ẩn không ít rủi ro pháp lý, từ hợp đồng vay vốn, quyền sở hữu xe, đến các vấn đề liên quan đến phí và chuyển nhượng xe. Bài viết dưới đây của NPLaw sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về quy định pháp luật và giải đáp các thắc mắc liên quan đến hình thức này.

I. Nhu cầu mua xe ô tô trả góp

Việc mua xe ô tô trả góp ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi ô tô không chỉ phục vụ nhu cầu di chuyển mà còn là tài sản có giá trị kinh tế cao. Người tiêu dùng lựa chọn mua xe trả góp vì:

  • Nhu cầu di chuyển cá nhân: Ô tô giúp cải thiện chất lượng sống, mang lại sự tiện nghi và an toàn.
  • Phục vụ kinh doanh: Xe ô tô còn là công cụ hỗ trợ kinh doanh, như chạy xe dịch vụ (taxi, Grab) hoặc vận tải hàng hóa.
  • Mua trả góp cho phép người mua giảm áp lực tài chính, chỉ cần thanh toán trước một khoản tiền nhỏ (thường từ 20%-30%) và phần còn lại được trả dần theo thời gian. Điều này đặc biệt hữu ích với những người có thu nhập ổn định nhưng chưa tích lũy đủ tài chính.
  • Hình thức trả góp đáp ứng nhu cầu sở hữu ô tô của nhiều đối tượng khách hàng với khả năng tài chính khác nhau, vừa tiện lợi vừa hiệu quả.

Như vậy, mua xe ô tô trả góp đáp ứng nhu cầu sở hữu xe một cách linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng và hoàn cảnh tài chính khác nhau.

II. Quy định pháp luật về mua xe ô tô trả góp

1. Mua xe ô tô trả góp là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không định nghĩa cụ thể về “mua trả góp là gì?” Tuy nhiên, có thể hiểu mua trả góp là hình thức mua hàng mà người mua chỉ cần trả trước một khoản mà không phải toàn bộ giá trị sản phẩm. Sau đó sẽ tiếp tục thanh toán số tiền còn lại theo kỳ hạn cho đến khi thanh toán đầy đủ tiền.

2. Mua xe ô tô trả góp được đứng tên xe khi nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 453 Bộ luật Dân sự 2015 thì các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo quy định trên, khi mua xe bằng cách vay trả góp thì bên bán đang bảo lưu quyền sở hữu đối với chiếc xe. Điều này có nghĩa là người mua chiếc xe chỉ có quyền sử dụng đối với chiếc xe mà không có quyền sở hữu (đứng tên) hay định đoạt đối với tài sản này trong thời gian đang thực hiện trả góp.

Như vậy, người mua xe ô tô trả góp được đứng tên khi hoàn thành nghĩa vụ trả góp.

3. Mua xe ô tô trả góp cần lập hợp đồng không?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 453 Bộ luật dân sự 2015 thì khi mua xe ô tô trả góp bắt buộc phải lập hợp đồng bằng văn bản. 

Mua xe ô tô trả góp cần lập hợp đồng không?

Hợp đồng trong giao dịch mua xe trả góp không chỉ đảm bảo tính minh bạch mà còn là căn cứ pháp lý quan trọng khi xảy ra tranh chấp.

III. Giải đáp một số câu hỏi về mua xe ô tô trả góp

1. Mua xe ô tô trả góp cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Khi mua xe trả góp, tùy từng trường hợp mà người mua cần chuẩn bị các loại giấy tờ khác nhau, có thể bao gồm:

Trường hợp cá nhân đứng tên mua

Đối với cá nhân

  • Căn cước công dân/Hộ chiếu của khách hàng
  • Những giấy tờ chứng minh khả năng tài chính như: bảng lương, hợp đồng lao động, sổ tiết kiệm, tài khoản cá nhân; những tài sản có giá trị mà cá nhân đang sở hữu như nhà, đất, xưởng, ô tô...hoặc các loại hợp đồng như cho thuê xe, cho thuê xưởng, thuê nhà...
  • Ngoài ra, một số cơ sở còn có thể yêu cầu khách hàng cung cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Trường hợp tổ chức đứng tên mua

  • Giấy phép kinh doanh
  • Báo cáo thuế 01 năm gần nhất; Báo cáo tài chính
  • Báo cáo hoá đơn VAT 01 năm gần nhất
  • Điều lệ công ty/Biên bản họp hội đồng thành viên
  • Bảng copy giấy đăng ký sử dụng mẫu dấu
  • Giấy tờ chứng minh tài sản: Nhà máy, dây chuyền, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, ôtô…
  • Bảng lương
  • Bảng chia lợi nhuận từ công ty.

Các loại giấy tờ trên có thể thêm hoặc bớt tùy theo chính sách của đơn vị cho vay. Việc chuẩn bị đầy đủ giấy tờ sẽ giúp quá trình mua xe trả góp diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.

2. Mua xe hơi trả góp thì tài sản sẽ thuộc về ai?

Người mua xe trả góp là chủ sở hữu xe, nhưng quyền này bị ràng buộc bởi hợp đồng thế chấp với ngân hàng. Ngân hàng có quyền xử lý tài sản nếu người mua không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Như vậy, xe thuộc quyền sở hữu của người mua nhưng chịu sự kiểm soát từ ngân hàng cho đến khi khoản vay được hoàn tất.

3. Đang mua xe ô tô trả góp có thể chuyển nhượng lại xe không?

Căn cứ tại khoản 1 và khoản 8 Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên thế chấp thì bên thế chấp chỉ giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác. Đồng thời, không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.

Như vậy, mua xe trả góp được xem là một hình thức thế chấp mà tài sản mang ra thế chấp chính là chiếc xe đó.

Đồng thời căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định việc đăng ký sang tên xe cần phải có giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe. Tuy nhiên trong thời gian trả góp thì giấy tờ đăng ký xe sẽ do bên nhận thế chấp giữ và người thế chấp không thể bán tài sản đang thế chấp.

Do đó, trong thời gian đang thực hiện nghĩa vụ tài chính với bên nhận thế chấp thì bạn không thể bán chiếc xe này được.

4. Mua xe ô tô trả góp có phải chịu lệ phí trước bạ?

Điều 4 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định lệ phí trước bạ hay còn gọi là thuế trước bạ, là khoản tiền cá nhân, tổ chức phải nộp vào ngân sách nhà nước khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp được miễn lệ phí trước bạ.

Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 6 và khoản 4 Điều 8 Nghị định 10/2022/NĐ-CP, xe trả góp vẫn phải nộp lệ phí trước bạ như xe mua trả thẳng.

Mua xe ô tô trả góp có phải chịu lệ phí trước bạ?

 Lệ phí trước bạ ô tô được tính như sau: Lệ phí trước bạ phải nộp = Giá tính lệ phí trước bạ x Mức thu lệ phí theo tỷ lệ (%)

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về mua xe ô tô trả góp

Mua xe ô tô trả góp là giải pháp tài chính hiệu quả, nhưng người mua cần nắm rõ các quy định pháp luật để tránh rủi ro. Các dịch vụ tư vấn pháp lý sau của NPLaw là sự hỗ trợ cần thiết, giúp bạn an tâm trong việc sở hữu xe và thực hiện các nghĩa vụ tài chính.:

  • Kiểm tra, soạn thảo hợp đồng.
  • Tư vấn về lãi suất, nghĩa vụ tài chính.
  • Hỗ trợ giải quyết tranh chấp trong giao dịch mua xe.

NPLaw cam kết cung cấp các giải pháp pháp lý chuyên sâu, đảm bảo quyền lợi và hạn chế rủi ro cho khách hàng. Hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin bên dưới để được tư vấn cụ thể.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan