Quy định pháp luật về vấn đề ký quỹ bảo vệ môi trường

Trên thực tế hiện nay, Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ, nặng nề của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường đã và đang là vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ của các cấp Đảng ủy, chính quyền địa phương mà còn là của toàn thể hệ thống chính trị, của cộng đồng và của người dân, đặc biệt là dân cư sinh sống và cư trú trên địa bàn có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cao. Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường và trách nhiệm của người dân là một vấn đề vô cùng quan trọng, tăng cường cam kết của các doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực bảo vệ môi trường, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của xã hội. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cá nhân đối với môi trường cũng chính là việc các doanh nghiệp, cá nhân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của cộng đồng và các thế hệ tương lai.

Trước thảm họa về môi trường và những hậu quả tiêu cực về xã hội do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân gây ra, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình bảo vệ môi trường được đặt ra một cách cấp bách. Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có hoạt động ký quỹ bảo vệ môi trường. Cùng tham khảo quy định của pháp luật về vấn đề ký quỹ bảo vệ môi trường trong bài viết dưới đây.

Thực trạng ký quỹ bảo vệ môi trường hiện nay

I. Thực trạng ký quỹ bảo vệ môi trường hiện nay

Ký quỹ bảo vệ môi trường đang được pháp luật quan tâm, ngày càng được thực hiện phổ biến trong thực tế hiện nay, các chủ thể cần phải thực hiện thủ tục ký quỹ bảo vệ môi trường để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của bản thân đối với môi trường chung của nhân loại. 

Trong những năm gần đây, mặc dù đã được nhà nước quan tâm đặc biệt tuy nhiên một số doanh nghiệp và một số cá nhân vẫn chưa nhận thấy rõ trách nhiệm của mình đối với tác động môi trường, chưa thực hiện tốt công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đã và đang diễn ra vô cùng phức tạp, ở mức báo động đỏ, các vụ việc xả thải chất thải chưa qua xử lý trực tiếp vào môi trường gây hoang mang trong dư luận, có thể kể đến hành vi xả thải chất thải chưa qua xử lý của công ty Fomusa Hà tĩnh hoặc Vedan Đồng Nai ... Vì vậy, hoạt động ký quỹ bảo vệ môi trường sẽ giúp cho các chủ thể nâng cao hơn nữa trách nhiệm của bản thân đối với môi trường.

Ký quỹ bảo vệ môi trường là gì? Vì sao phải ký quỹ bảo vệ môi trường

II. Tìm hiểu về ký quỹ bảo vệ môi trường

1. Ký quỹ bảo vệ môi trường là gì? Vì sao phải ký quỹ bảo vệ môi trường

Pháp luật hiện nay chưa có bất kỳ điều luật nào đưa ra khái niệm về ký quỹ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên có thể hiểu: Ký quỹ bảo vệ môi trường là việc các tổ chức, cá nhân gửi một khoản tiền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ xử lý ô nhiễm môi trường, cải tạo môi trường trong một số hoạt động nhất định. 

Mục đích của ký quỹ bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 137 của Văn bản hợp nhất Luật bảo vệ môi trường năm 2022: Ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm mục đích bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, xử lý rủi ro, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phát sinh từ một số hoạt động nhất định (các hoạt động được liệt kê tại khoản 2 Điều 137 của Văn bản hợp nhất Luật bảo vệ môi trường năm 2022).

2. Hình thức ký quỹ bảo vệ môi trường

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 137 của Văn bản hợp nhất Luật bảo vệ môi trường năm 2022, việc ký quỹ bảo vệ môi trường có thể được thực hiện thông qua một trong những hình thức sau:

-Bằng tiền;

-Kim khí quý;

-Đá quý;

-Hoặc giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật.

III. Quy định pháp luật về ký quỹ bảo vệ môi trường

1. Các trường hợp ký quỹ bảo vệ môi trường

Căn cứ theo quy định khoản 2 Điều 137 của Văn bản hợp nhất Luật bảo vệ môi trường năm 2022 có quy định về vấn đề ký quỹ bảo vệ môi trường. Theo đó, các tổ chức và cá nhân có hoạt động sau đây bắt buộc phải thực hiện thủ tục ký quỹ bảo vệ môi trường. Bao gồm:

-Khai thác khoáng sản;

-Chôn lấp các loại chất thải;

-Nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên vật liệu sản xuất trong nước.

2. Nội dung ký quỹ bảo vệ môi trường

Các tổ chức và cá nhân khi thực hiện thủ tục ký quỹ bảo vệ môi trường cần phải thực hiện theo nội dung như sau (khoản 4 Điều 137 của Văn bản hợp nhất Luật bảo vệ môi trường năm 2022):

+ Tổ chức và cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản hoặc chôn lấp các loại chất thải thực hiện thủ tục ký quỹ bảo vệ môi trường tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương;

+ Tổ chức và cá nhân có hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên vật liệu sản xuất trong nước thì thực hiện thủ tục ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc các tổ chức tài chính, tín dụng theo quy định của pháp luật.

3. Khai thác khoáng sản có phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường hay không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 30 của Văn bản hợp nhất Luật khoáng sản năm 2018 có quy định về vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Theo đó:

+ Tổ chức và cá nhân hoạt động khoáng sản bắt buộc phải sử dụng công nghệ, trang thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường, thực hiện đầy đủ biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, cải tạo và phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật;

+ Tổ chức và cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản phải thực hiện một số giải pháp, phương án, chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường. Giải pháp, chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường phải được xác định trong dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

+ Trước khi tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản, các tổ chức và cá nhân khai thác khoáng sản phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Theo đó, trước khi tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục ký quỹ bảo vệ môi trường.

4. Thời điểm ký quỹ bảo vệ môi trường là khi nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 37 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP, có quy định về thời điểm ký quỹ bảo vệ môi trường. Theo đó:

+ Trong trường hợp các tổ chức và cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản mới, thời gian ký quỹ bảo vệ môi trường được xác định theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định tuy nhiên tối đa không vượt quá 30 năm;

+ Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã có giấy phép khai thác khoáng sản, thời gian ký quỹ bảo vệ môi trường sẽ được xác định theo thời gian còn lại ghi nhận trong giấy phép khai thác khoáng sản, bắt đầu tính từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án;

+ Trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn khai thác khác với thời gian đã tính trong phương án đã phê duyệt, thì tổ chức và cá nhân điều chỉnh nội dung, tính toán số tiền ký quỹ bảo vệ môi trường theo thời gian ghi nhận trong giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp, sau đó gửi cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án để xem xét và điều chỉnh. 

Như vậy thời gian ký quỹ, xác nhận ký quỹ sẽ được tính từ ngày dự án đầu tư xử lý chất thải có hoạt động chôn lấp được cấp giấy phép môi trường đến khi kết thúc hoạt động chôn lấp và ngay sau khi nhận ký quỹ, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh xác nhận việc ký quỹ của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bãi chôn lấp chất thải vào văn bản đề nghị ký quỹ của tổ chức, cá nhân.

5. Khi nào được hoàn trả lại số tiền ký quỹ bảo vệ môi trường đã nộp?

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 76 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP, có quy định: Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh đã nhận ký quỹ có trách nhiệm hoàn trả số tiền ký quỹ và lãi suất tiền ký quỹ cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bãi chôn lấp chất thải sau khi nhận được văn bản đề nghị của chủ dự án đầu tư kèm theo hồ sơ đã hoàn thành nội dung xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường đối với bãi chôn lấp chất thải.

Như vậy, số tiền ký quỹ bảo vệ môi trường sẽ được hoàn trả lại cho các tổ chức, cá nhân sau khi nhận được văn bản đề nghị của chủ dự án đầu tư có kèm theo hồ sơ đã hoàn thành nội dung xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường đối với bãi chôn lấp chất thải.

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến ký quỹ bảo vệ môi trường

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ là đơn vị có kinh nghiệm trong việc tư vấn, thực hiện thủ tục liên quan đến ký quỹ bảo vệ môi trường:

-Tư vấn về các quy định pháp luật liên quan đến ký quỹ bảo vệ môi trường.

-Hỗ trợ trong việc soạn thảo và chuẩn bị hồ sơ liên quan đến ký quỹ bảo vệ môi trường.

-Tư vấn về các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình ký quỹ bảo vệ môi trường.

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc có liên quan đến ký quỹ bảo vệ môi trường mà công ty NPLAW gửi đến quý độc giả. Nếu quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan