QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THU HỒI GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH TẠI VIỆT NAM

Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ phát triển du lịch ổn định, nhanh chóng thu hút sự tham gia của thường xuyên tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư, nhiều loại hình sản phẩm du lịch mới ra đời, sự cạnh tranh trong nước và khu vực ngày càng trở nên gay gắt. Cùng với sự phát triển đó là sự cạnh tranh nghẹt thở của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Một tác động của thị trường chung có thể kéo theo tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Thực trạng thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành diễn ra như thế nào? Pháp luật quy định gì về việc thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành? Đồng hành cùng Quý bạn đọc, NPLaw có bài viết làm rõ các vấn đề pháp lý còn thắc mắc nêu trên. 

I. Thực trạng doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Thời gian vừa qua, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chịu ảnh hưởng vô cùng to lớn bởi Đại dịch Covid-19, kéo theo sự tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế đất nước, trong đó bao gồm các doanh nghiệp du lịch. Năm 2020, Số doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Kinh doanh lưu trú du lịch - lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách (trừ các cơ sở đón khách cách ly). Sang năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động vì không có khách.

Thực trạng doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Có thể thấy rằng, thực trạng thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành không còn xa lạ trong hoạt động kinh doanh du lịch tại Việt Nam. Để làm rõ, NPLaw sẽ đồng hành cùng Quý Khách hàng làm rõ một số nội dung pháp lý liên quan đến vấn đề này.

II. Quy định pháp luật về thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

1. Các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Du lịch 2017, các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm:

  • Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;
  • Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật Du lịch năm 2017;
  • Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật Du lịch năm 2017;
  • Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
  • Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;
  • Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
  • Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 37 của Luật Du lịch năm 2017, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
  • Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Quy định pháp luật về thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

2. Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL quy định trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành riêng biệt đối với hai trường hợp: Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản; và Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 36 Luật Du lịch. Cụ thể như sau:

Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành:

Thành phần hồ sơ gồm: 

  • Trường hợp doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành, hồ sơ gồm: 

Thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành; giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp;

  • Trường hợp doanh nghiệp giải thể hoặc bị giải thể, hồ sơ gồm: 

Thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành; giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp; Quyết định giải thể, biên bản họp của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp giải thể theo quy định tại các điểm a, b và c Khoản 1 Điều 201 của Luật Doanh nghiệp; Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định giải thể của Tòa án trong trường hợp doanh nghiệp giải thể theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 201 của Luật Doanh nghiệp;

  • Trường hợp doanh nghiệp phá sản, hồ sơ gồm: 

Quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản kèm theo giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp.

Bước 2: Gửi hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;

Bước 3: Cơ quan cấp giấy phép ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành và gửi Quyết định đó đến doanh nghiệp, cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Bước 4: Hoàn trả tiền ký quỹ sau khi thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành:

Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp khác:

Bước 1: Cơ quan cấp phép ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng và gửi Quyết định này đến doanh nghiệp, cơ quan chức năng về thanh tra, kiểm tra, cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép, doanh nghiệp gửi báo cáo về việc hoàn thành nghĩa vụ với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch theo hợp đồng đã ký kèm theo giấy phép đã được cấp đến cơ quan cấp phép.

Bước 3: Sau khi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch theo hợp đồng đã ký kèm theo giấy phép đã được cấp đến cơ quan cấp phép.

Bước 4: Hoàn trả tiền ký quỹ sau khi thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành:

III. Các câu hỏi thường gặp về thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

1. Doanh nghiệp có được hoàn trả tiền ký quỹ sau khi bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành hay không?

  • Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL, hoàn trả tiền ký quỹ sau khi thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định như sau: Sau 30 ngày, kể từ ngày đăng quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trường hợp không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cơ quan cấp phép có văn bản gửi ngân hàng để doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ; trường hợp có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cơ quan cấp phép phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết theo quy định của pháp luật
  • Trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, tiền ký quỹ do tòa án quyết định theo quy định của pháp luật về phá sản.

Như vậy, có thể thấy, trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp vẫn được hoàn trả số tiền ký quỹ đã nộp theo đúng quy định pháp luật.

2. Có phải thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được pháp luật quy định giống nhau cho tất cả các trường hợp bị thu hồi không?

Căn cứ quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL, NPLaw nhận thấy Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định riêng biệt thành hai trường hợp:

  • Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;
  • Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong trường hợp quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 36 Luật Du lịch.

Do vậy, có thể kết luận rằng thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được pháp luật quy định không giống nhau cho các trường hợp bị thu hồi.

3. Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh thì có bị thu hồi không?

Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 36 Luật Du lịch 2017 quy định về trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành thì:

“Thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành

1. Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp sau đây:

… e) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh; ...”

Như vậy có thể kết luận, việc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh là một trong những trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

4. Khi bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành doanh nghiệp cần phải làm gì?

  • Khi bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cần xem xét kỹ các vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành của cơ quan có thẩm quyền. 
  • Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép, doanh nghiệp gửi báo cáo về việc hoàn thành nghĩa vụ với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch (trong trường hợp cần thiết).
  • Trường hợp không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết để được hoàn trả tiền ký quỹ.

Như vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo hoàn thành các  nghĩa vụ đối với bên thứ ba có liên quan, xem xét kỹ các hành vi pháp lý để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

IV. Luật sư tư vấn về trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành

Trên đây là nội dung tư vấn pháp lý của Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) về thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp. Trong trường hợp Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề pháp lý về thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật TNHH Ngọc Phú để được đội ngũ Luật sư của chúng tôi tư vấn tận tình và nhanh chóng. 

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú 

Hotline: 0913 449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan