Tiền giả là vấn đề nghiêm trọng mà nhiều quốc gia phải đối mặt. Tiền giả gây thiệt hại kinh tế khôn lường đối với hoạt động kinh tế. Chính vì thế nhà nước ta đã ban hành những quy định nhằm phòng chống tội phạm sản xuất, lưu hành tiền giả.
Tiền giả khiến nền kinh tế bị suy yếu, khiến đồng tiền thật mất giá, lạm phát cũng vì thế mà tăng, làm mất sự ổn định của đất nước. Tiền giả được làm bằng kĩ xảo khá tinh vi, có đặc điểm giống hệt tiền thật, bằng mắt thường khó có thể phát hiện. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát, đẩy lùi tội phạm tiền giả, tuy nhiên số lượng, tính chất của tội phạm này chưa giảm và đang có những diễn biến phức tạp. Chúng còn thực hiện hành vi rao bán tiền giả công khai trên các trang mạng xã hội Internet, Facebook, Zalo… Đây là hành vi xem thường pháp luật, cần phải trừng trị.
Theo Điều 17 Luật Ngân hàng nhà Nước Việt Nam 2010 quy định: Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đó, tiền giả là tiền giống với tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng không phải Ngân hàng Nhà nưốc tổ chức in, đúc, phát hành.
Có nhiều cách để phân biệt tiền thật và tiền giả. NP Law chúng tôi đưa ra một số cách kiểm tra nhanh bằng tay hoặc mắt thường để phân biệt tiền thật, tiền giả:
- Kiểm tra chất liệu polymer in tiền:
Đồng tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao. Có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng cách vò tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm. Tiền giả chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi và bền như tiền thật, khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu.
- Soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị:
Hình bóng chìm ở bên trái mặt trước hoặc bên phải mặt sau tờ tiền được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo và sáng trắng. Còn ở tiền giả, hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.
- Vuốt nhẹ mặt trước tờ tiền, kiểm tra các yếu tố in nổi:
Tại các vị trí có yếu tố in nổi, sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in. Ở tiền giả, chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật
- Chao nghiêng tờ tiền, kiểm tra mực đổi màu, dải iriodin:
Mực đổi màu chỉ có ở 3 mệnh giá 500.000đ, 200.000đ và 100.000đ. Khi chao nghiêng tờ tiền và quan sát sẽ thấy mực đổi màu chuyển từ màu vàng sang màu xanh hoặc ngược lại.
Dải iriodin chỉ có ở các mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng, 20.000 đồng và 10.000 đồng, khi nghiêng tờ tiền sẽ thấy dải iriodin lấp lánh, trên dải có số mệnh giá hoặc hoa văn.
Ở tiền giả, có làm giả yếu tố mực đổi màu nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật; không có dải iriodin hoặc có in giả nhưng không lấp lánh như ở tiền thật.
- Kiểm tra yếu tố hình ẩn trong cửa sổ nhỏ:
Cửa sổ nhỏ chỉ có ở 4 mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng và 50.000 đồng, là chi tiết nền nhựa trong suốt và đặt tại phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền. Khi đưa cửa sổ nhỏ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng phù hợp sẽ nhìn thấy hình ảnh hiện lên xung quanh nguồn sáng.. Ở tiền giả không có chi tiết này.
Sử dụng tiền giả là hành vi sử dụng tiền giả thay thế cho tiền thật, thực hiện các hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông trong các hoạt động hằng ngày, đưa tiền giả sử dụng rộng rãi từ người này qua người khác, từ nơi này sang nơi khác trong xã hội. Ví dụ: dùng tiền giả để mua bán xăng, thực phẩm,…
Các hành vi như làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả;... bị pháp luật nghiêm cấm (Điều 23 Luật Ngân hàng nhà Nước Việt Nam 2010).
Vì sử dụng tiền giả thuộc vào hoạt động lưu hành tiền giả nên bị xử phạt theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
- Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
- Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, phụ thuộc vào mức độ vi phạm mà tội phạm có thể bị xử lý hành chính phạt tiền 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu toàn bộ tài sản; xử lý hình sự phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù hoặc chung thân.
Tội phạm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Việc chứng minh một người sử dụng tiền giả có lỗi hay không có lỗi thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Tại Điều 10 và Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về cố ý phạm tội và vô ý phạm tội như sau:
- Cố ý phạm tội:
+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
+ Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
- Vô ý phạm tội:
+ Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
+ Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Như vậy, để biết có bị xử phạt khi không biết và tiêu tiền giả thì cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được việc không biết đó có thuộc một trong hai lỗi phạm tội theo căn cứ điều luật trên không.
Nếu thuộc một trong 2 lỗi trên thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015. Còn nếu chứng minh được là không, người sử dụng tiền giả có thể sẽ không bị xử phạt.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 và điểm d, e khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng thì hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý phạt cải tạo, phạt tiền, phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Theo quy định Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
“Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
1. Sử dụng tiền giả mua hàng hóa phạm tội gì?
Sử dụng tiền giả để mua bán hàng hóa thuộc vào hoạt động lưu hành tiền giả nên người sử dụng tiền giả để mua hàng hóa sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm quy định tại Điều 207 Bộ luật hình sự.
2. Nếu bị kiểm tra hoặc bắt giữ khi sử dụng tiền giả thì cần phải làm gì?
Khi bị kiểm tra, bắt giữ khi sử dụng tiền giả thì cần phải chứng minh hành vi tiêu tiền giả đó không thuộc một trong các trường: phải thấy trước và nhận thức được hành vi của mình sẽ gây hậu nguy hiểm cho xã hội; thấy trước và nhận thức hành vi gây hậu quả nhưng mong muốn hoặc cố ý để mặc hậu quả; nhận thức và thấy trước hành vi gây hậu quả nhưng cho rằng không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa; không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Nếu không chứng minh được như trên, người có hành vi sử dụng tiền giả có thể bị xử lý hình sự theo quy định của phạt luật về tội lưu hành tiền giả theo Điều 207.
Trên đây là toàn bộ tư vấn về một số vấn đề liên quan đến tiền giả. Nếu còn thắc mắc chưa được giải đáp, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn kỹ hơn. NP Law chuyên cung cấp các dịch vụ:
- Tư vấn , hỗ trợ các vấn đề pháp lý hình sự.
- Thực hiện đại diện, bào chữa cho khách hàng khi bị bắt tội mua bán sử dụng tiền giả.
- Hỗ trợ, tư vấn các tình tiết giảm nhẹ tội mua bán sử dụng tiền giả.
- Thực hiện các công việc pháp lý, bào chữa tội mua bán sử dụng tiền giả.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn