CẤP PHÉP BIỂN QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay, ngành quảng cáo không ngừng phát triển mạnh mẽ, một trong các hình thức quảng cáo phổ biến được các doanh nghiệp ưa chuộng là sử dụng biển quảng cáo ngoài trời. Việc đặt biển quảng cáo sẽ thu hút được nhiều khách hàng, truyền thông rộng rãi, tiếp cận được các khách hàng tiềm năng, mang đến nguồn lớn lợi ích kinh tế nên hầu hết các doanh nghiệp sử dụng hình thức này để chạy quảng cáo cho công ty và sản phẩm của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần xin cấp phép biển quảng cáo ngoài trời để được sử dụng, xây dựng hình thức quảng cáo này. Cùng NPLaw tìm hiểu qua các quy định liên quan đến việc xin cấp phép biển quảng cáo ngoài trời nhé!

I. Tại sao treo biển quảng cáo ngoài trời cần phải xin cấp phép?

Để thu hút khách hàng, nhiều doanh nghiệp đề nghị xin cấp phép biển quảng cáo ngoài trời, vì nhiều ưu điểm của hình thức quảng cáo này. Tuy nhiên, vì loại hình quảng cáo này dễ dàng thu hút và tiếp cận đến công chúng, có khả năng tác động và ảnh hưởng đến công chúng, một phần thể hiện nét đẹp văn hóa, nhận diện được thương hiệu một cách hiệu quả. Vì vậy mà nhà nước đã xây dựng các quy định và ban hành các văn bản để điều chỉnh hình thức quảng cáo này sao cho phù hợp với hoạt động quảng cáo, nhằm đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động quảng cáo và phòng tránh các đối tượng xấu lợi dụng hình thức quảng cáo này, truyền tải các thông tin xấu, không tốt đến cộng đồng, công chúng. Do đó, mà doanh nghiệp cần phải xin cấp phép treo biển quảng cáo ngoài trời và cần đáp ứng đủ điều kiện, nguyên tắc theo luật định để được cấp phép. 

II. Cấp phép treo biển quảng cáo ngoài trời được pháp luật quy định như thế nào?

Cấp phép biển quảng cáo ngoài trời được thực hiện theo quy định của Luật Quảng cáo 2012 và Thông tư 04/2018/TT- BXD. Biển quảng cáo ngoài trời muốn được cấp phép cần đáp ứng các nguyên tắc và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời, cụ thể:Nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời:

  • Đối với vị trí:
    • Không đặt trong hành lang an toàn giao thông, đê điều, mạng lưới điện quốc gia.
    • Bảo đảm không ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan đô thị.
    • Xác định vị trí dành cho hoạt động tuyên truyền cổ động chính trị, phục vụ lợi ích xã hội và vị trí quảng cáo thương mại.
  • Đối với xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ:
    • Phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo, xây dựng, giao thông và quy định khác của pháp luật có liên quan;
    • Phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương, bảo đảm mỹ quan đô thị, an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội;
    • Bảo đảm tính ổn định, công khai, minh bạch và khả thi;
    • Bảo đảm sự thống nhất, hài hòa giữa các địa phương tại các điểm tiếp giáp trên trục đường quốc lộ, tỉnh lộ;
    • Ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp với quy hoạch đã có trước; trong trường hợp thực hiện hoặc điều chỉnh quy hoạch gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì cơ quan phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm tổ chức đền bù theo quy định của pháp luật;
    • Lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo và nhân dân.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời cần đảm bảo:

  • Khi xây dựng, lắp đặt các phương tiện quảng cáo ngoài trời đứng độc lập hoặc gắn/ốp vào công trình xây dựng có sẵn.
  • Phương tiện quảng cáo ngoài trời bao gồm:
    • Bảng quảng cáo; Hộp đèn;
    • Màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời; Biển hiệu;
    • Phương tiện quảng cáo dạng chữ, hình, biểu tượng.
  • Về kỹ thuật:
    • Phương tiện quảng cáo ngoài trời phải được xây dựng, lắp đặt phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương.
    • Phương tiện quảng cáo ngoài trời phải có địa điểm, kiểu dáng, kích thước, chất liệu, số lượng phù hợp với quy hoạch quảng cáo được phê duyệt và đảm bảo ở bên ngoài hành lang an toàn đường bộ, hành lang an toàn đường sắt, hành lang an toàn bảo vệ luồng đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ đê điều, hành lang an toàn lưới điện cao áp.
    • Vị trí, địa điểm, khu vực xây dựng, lắp đặt và công tác quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân theo các yêu cầu sau:
      • Đảm bảo mỹ quan đô thị;
      • Đảm bảo tầm nhìn giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và không che khuất tầm nhìn biển báo giao thông;
      • Đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, yêu cầu thoát nạn, yêu cầu cứu hộ cứu nạn, kết cấu xây dựng, trật tự an toàn xã hội;
      • Đảm bảo các hoạt động sản xuất, sinh hoạt bình thường của người dân và an toàn sinh mạng.
  • Vật liệu được sử dụng để chế tạo phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tuổi thọ của từng phương tiện quảng cáo.
  • Vật liệu được sử dụng để chế tạo phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo không bị biến dạng tự nhiên theo thời gian và các tác động bất lợi của môi trường; Tất cả các bề mặt và cạnh nhìn thấy của phương tiện quảng cáo ngoài trời phải là vật liệu ít bị ăn mòn và không bị ảnh hưởng bởi sự bị ăn mòn lẫn nhau của bất cứ bộ phận nào xung quanh.
  • Các chất liệu sơn phủ, mực in, trang trí... và các chất kết dính trên bề mặt của phương tiện quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo an toàn, không gây độc hại cho môi trường xung quanh; Phải được sử dụng phù hợp cho vật liệu theo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm.
  • Trường hợp phương tiện quảng cáo ngoài trời được làm từ những vật liệu không đồng chất với độ giãn nở nhiệt khác nhau, phải được tính toán để chừa các khe co giãn phù hợp giữa các cấu kiện không đồng chất.
  • Vật liệu của phương tiện quảng cáo ngoài trời phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hoặc thay thế.
  • Chiếu sáng phương tiện quảng cáo ngoài trời phải phù hợp với khu vực được chiếu sáng, đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, không được làm ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông và các hoạt động khác của đô thị.
  • Hệ thống điện chiếu sáng cho phương tiện quảng cáo ngoài trời phải có nguồn cấp riêng và cầu dao, aptomat bảo vệ.
  • Phương tiện quảng cáo ngoài trời phải có hệ thống chống sét phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật được lựa chọn.
  • Phương tiện quảng cáo ngoài trời được gắn/ốp vào mặt ngoài các công trình xây dựng phải đảm bảo các quy định an toàn điện; an toàn về kết cấu, vật liệu xây dựng; Không được gây ảnh hưởng, che lấp hoặc làm cản trở đến các lối thoát nạn và khả năng cứu hộ cứu nạn.
  • Về quản lý:
    • Chủ sở hữu phương tiện quảng cáo ngoài trời có trách nhiệm: khảo sát kỹ thuật, báo cáo về hiện trạng; tuân theo các quy định về cấp phép và quản lý xây dựng theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng tại địa phương; thực hiện kiểm tra, bảo trì định kỳ theo quy định và đảm bảo các điều kiện an toàn cho phương tiện quảng cáo ngoài trời trong suốt thời gian thi công xây dựng/lắp đặt cũng như thời gian tồn tại của phương tiện quảng cáo ngoài trời.
    • Phương tiện quảng cáo ngoài trời đã được cơ quan có thẩm quyền về xây dựng và quy hoạch quảng cáo chấp thuận nhưng chưa xây dựng, lắp đặt không phù hợp với quy định trong Quy chuẩn này phải điều chỉnh lại cho phù hợp mới được xây dựng, lắp đặt.
    • Phương tiện quảng cáo ngoài trời hiện hữu có vị trí, kích thước, kiểu dáng không phù hợp với quy định của Quy chuẩn này, chỉ được tồn tại hết thời hạn ghi trong giấy phép quảng cáo.​​​​​​​

III. Hướng dẫn thủ tục và hồ sơ xin cấp phép treo biển quảng cáo ngoài trời thực hiện như thế nào?

Căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 31 Luật Quảng cáo 2012 quy định trình tự, hồ sơ xin cấp phép treo biển quảng cáo ngoài trời thực hiện theo các bước dưới đây.Bước 1: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép treo biển quảng cáo ngoài trời nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương. Hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;
  • Bản sao có chứng thực một trong những loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với công trình quảng cáo đứng độc lập; hợp đồng thuê địa điểm giữa chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp đối với công trình quảng cáo gắn với công trình xây dựng có sẵn hoặc văn bản thông báo kết quả trúng thầu đối với trường hợp địa điểm quảng cáo trong quy hoạch phải tổ chức đấu thầu;
  • Trường hợp công trình quảng cáo gắn với công trình đã có trước phải có văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc người được giao quyền quản lý công trình đã có trước;
  • Bản vẽ thiết kế của tổ chức thiết kế hợp pháp thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo. Trường hợp công trình quảng cáo gắn vào công trình đã có trước thì bản vẽ thiết kế phải thể hiện được giải pháp liên kết công trình quảng cáo vào công trình đã có trước.

Bước 2: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đối với hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Thông báo bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ.

Bước 3: Trả kết quả

  • Trường hợp địa điểm quảng cáo nằm trong quy hoạch quảng cáo đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không cấp giấy phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
  • Trường hợp địa phương chưa phê duyệt quy hoạch quảng cáo, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương gửi văn bản xin ý kiến các sở, ban, ngành liên quan. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương, các sở, ban, ngành nêu trên phải có ý kiến trả lời bằng văn bản gửi cho cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương. Trong thời hạn 13 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến của các sở, ban, ngành nêu trên, cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương phải cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không cấp giấy phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.​​​​​​​

IV. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép biển quảng cáo ngoài trời?

Sở văn hóa - Thông tin là cơ quan có thẩm quyền cấp phép biển quảng cáo ngoài trời, có trách nhiệm xem xét việc có cấp giấy phép treo bảng, biển quảng cáo cho doanh nghiệp hay không và phải trả lời cho doanh nghiệp trong khoảng thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ từ doanh nghiệp. Nếu trường hợp không chấp thuận hồ sơ (không cấp Giấy phép treo bảng, biển quảng cáo) thì Sở văn hóa - Thông tin phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

V. Chi phí cấp phép biển quảng cáo ngoài trời là bao nhiêu?

Cấp phép biển quảng cáo ngoài trời đối với những biển quảng có kích thước khác nhau thì lệ phí làm hồ sơ xin giấy phép sẽ khác nhau, do đó công ty, doanh nghiệp hay cá nhân cần nắm rõ. Những điều này được quy định tại Thông tư 64/2008/TT-BTC như sau:

  • Diện tích từ dưới 10m2 : 100.000đ/giấy phép/bảng, biển
  • Diện tích từ 10m2 – dưới 2m2: 200.000đ/giấy phép/bảng, biển
  • Diện tích từ 20m2- dưới 30m2: 400.000đ/giấy phép/bảng, biển
  • Diện tích từ 30m2 – dưới 40m2: 500.000đ/giấy phép/bảng, biển
  • Quảng cáo trên bảng, biển hoặc các hình thức tương tự có diện tích từ 40m2 trở lên có lệ phí là: 600.000đ/ giấy phép/ bảng, biển.

Tuy nhiên, mức giá trên chỉ mang tính chất tham khảo và sẽ thường xuyên thay đổi. Hiện nay Thông tư 64/2008/TT-BTC đã hết hiệu lực và chưa có văn bản mới quy định về vấn đề này.

VI. Cố tình treo biển quảng cáo ngoài trời không xin phép bị xử phạt như thế nào?

Trước đây hành vi cố tình treo biển quảng cáo ngoài trời không xin phép được quy định xử phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông trở lên mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình có sẵn mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
  • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông trở lên mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.

Tuy nhiên, Nghị định 38/2021/NĐ-CP thay thế cho văn bản cũ đã bãi bỏ quy định này.

Trên đây là bài viết tham khảo về việc xin cấp phép biển quảng cáo ngoài trời, hy vọng có thể giải đáp được các thắc mắc của bạn. Nếu cần hỗ trợ giải đáp thắc mắc và thực hiện các thủ tục pháp lý, hãy liên hệ ngay với NPLaw.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan