Đấu thầu thuốc cần lưu ý quy định pháp lý gì?

Đấu thầu thuốc là một trong những hoạt động quan trọng trong lĩnh vực y tế, đóng vai trò quyết định đến chất lượng, giá cả và khả năng tiếp cận thuốc của người dân. Đây không chỉ là một quá trình kinh tế đơn thuần mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của ngành y tế. 

Vậy đấu thầu thuốc cần lưu ý quy định pháp lý gì? Sau đây, NPLaw sẽ cung cấp cho quý khách thông tin về các quy định pháp lý liên quan đến đấu thầu thuốc. 

I. Tìm hiểu về đấu thầu thuốc

1. Đấu thầu thuốc là gì?

Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành chưa có văn bản định nghĩa cụ thể về khái niệm đấu thầu thuốc là gì. Theo khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023, đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

Và tại khoản 2 Điều 2 Luật Dược 2016, thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm. 

Như vậy, có thể hiểu: Đấu thầu thuốc là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp chế phẩm có chứa dược chất hoặc dựa liệu được sử dụng cho người với mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

2. Đấu thầu thuốc được hiểu như thế nào?

Đấu thầu thuốc là quá trình tổ chức mua sắm công khai, minh bạch nhằm lựa chọn nhà cung cấp thuốc phù hợp theo tiêu chí chất lượng, giá cả, và yêu cầu kỹ thuật đã được xác định trước. Đây là một hoạt động quan trọng trong quản lý dược phẩm, thường diễn ra tại các cơ sở y tế công lập hoặc tư nhân để đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, đúng chất lượng và với chi phí hợp lý.

Mục đích của đấu thầu thuốc:

  • Đảm bảo nguồn cung thuốc: Đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân tại các cơ sở y tế.
  • Quản lý ngân sách hiệu quả: Giúp tối ưu hóa chi phí mua sắm thuốc.
  • Tăng cường cạnh tranh lành mạnh: Thúc đẩy các nhà cung cấp cạnh tranh về giá và chất lượng.
  • Đảm bảo minh bạch: Hạn chế tiêu cực và gian lận trong quá trình mua sắm công.

II. Quy định pháp luật về đấu thầu thuốc

1. Hình thức đấu thầu thuốc hiện nay

Theo Khoản 6 Điều 12 Thông tư 07/2024/TT-BYT, các hình thức đấu thầu thuốc hiện nay căn cứ giá gói thầu và tính chất của từng gói thầu để lựa chọn một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu sau đây: 

  • Đấu thầu rộng rãi, 
  • Đấu thầu hạn chế, 
  • Chỉ định thầu, 
  • Chào hàng cạnh tranh, 
  • Mua sắm trực tiếp, 
  • Chào giá trực tuyến, 
  • Mua sắm trực tuyến;

2. Quy trình đấu thầu thuốc

Theo Chương III Thông tư 07/2024/TT-BYT, quy trình đấu thầu thuốc bao gồm các bước:

  • Kế hoạch lựa chọn nhà thầu
  • Trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu
  • Lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu
  • Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, đề nghị trúng thầu và sử dụng thuốc đã trúng thầu

3. Phương thức lựa chọn nhà thầu trong trong giai đoạn đấu thầu thuốc

Phương thức lựa chọn nhà thầu theo điểm b Khoản 6 Điều 12 Thông tư 07/2024/TT-BYT như sau: 

  • Áp dụng phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ theo quy định tại Điều 30 của Luật Đấu thầu. 
  • Cơ sở y tế công lập chỉ áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ khi có hướng dẫn của pháp luật về khoa học, công nghệ.

III. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến đấu thầu thuốc

1. Cơ quan nào thực hiện đấu thầu thuốc?

Theo Điều 40 Thông tư 07/2024/TT-BYT, cơ quan thực hiện đấu thầu thuốc bao gồm:

  • Bộ Y tế: Là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về lĩnh vực y tế, chịu trách nhiệm ban hành các quy định, hướng dẫn và giám sát việc đấu thầu thuốc trên toàn quốc.
  • Sở Y tế cấp tỉnh: Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan chủ trì tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương.
  • Đơn vị mua sắm tập trung: Đây là các đơn vị được thành lập theo quyết định của Bộ Y tế hoặc UBND cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung thuốc.
  • Các cơ sở y tế công lập: Các bệnh viện, trung tâm y tế và cơ sở y tế công lập khác có thể tổ chức đấu thầu thuốc trực tiếp trong trường hợp không thuộc phạm vi đấu thầu tập trung.
  • Các cơ quan giám sát và hỗ trợ: Thanh tra Y tế,  Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế),..

2. Đấu thầu thuốc có hạn chế về số lượng nhà thầu đăng ký không?

Hiện nay, pháp luật chỉ có quy định hạn chế số lượng nhà thầu đăng ký trong trường hợp mua thêm.

Cụ thể theo Khoản 10 Điều 12 Thông tư 07/2024/TT-BYT trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, phải ghi rõ số lượng, giá trị ước tính của phần tùy chọn mua thêm.

Số lượng mua thêm không vượt 30% của số lượng thuốc tương ứng nêu trong hợp đồng; có dự toán được phê duyệt đối với số lượng mua thêm; đơn giá của thuốc mua thêm không được vượt đơn giá của thuốc tương ứng trong hợp đồng; chỉ áp dụng trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng.

3. Sau khi trúng đấu thầu thuốc thì giá thuốc có được nâng lên cao hơn giá trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phê duyệt không?

Theo mục 31. Điều kiện xét duyệt trúng thầu Chương I. CHỈ DẪN NHÀ THẦU của PHỤ LỤC IV ban hành kèm theo Thông tư số 07/2024/TT-BYT, giá đề nghị trúng thầu của từng mặt hàng thuốc không được cao hơn giá trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được người có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các quy định khác về đấu thầu thuốc có liên quan.

Như vậy, về nguyên tắc sau khi trúng đấu thầu thuốc thì giá thuốc không được cao hơn giá của thuốc đó trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được người có thẩm quyền phê duyệt và không vượt giá bán buôn kê khai.

4. Phát hiện đấu thầu thuốc có hành vi gian lận thì cần làm gì?

Căn cứ khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 thì những hành vi được xem là gian lận trong đấu thầu thuốc gồm:

  • Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu.
  • Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Hành vi gian lận trong đấu thầu thuốc có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, khi phát hiện đấu thầu thuốc có hành vi gian lận, có thể tố cáo hành vi này để cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

IV. Vấn đề liên quan đến đấu thầu thuốc có nên liên hệ với Luật sư không? Liên hệ như thế nào?

Việc liên hệ với luật sư trong các vấn đề liên quan đến đấu thầu thuốc là rất cần thiết nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật, phòng tránh rủi ro pháp lý và những tranh chấp phát sinh. 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn về đấu thầu thuốc, liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan