HỒ SƠ ĐĂNG KÝ BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI

Đăng ký biến động đất đai có thể hiểu là việc thực hiện thủ tục để ghi nhận sự thay đổi về một hoặc một số thông tin đã đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật. Vậy làm sao để hiểu thế nào là hồ sơ đăng ký biến động đất đai và những vấn đề liên quan xoay quanh về hồ sơ đăng ký biến động đất đai như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.

I. Nhu cầu đối với hồ sơ đăng ký biến động đất đai hiện nay

     Hiện nay, nhu cầu đối với hồ sơ đăng ký biến động đất đai ngày càng tăng lên do nhu cầu về quản lý đất đai ngày càng cao. Các hồ sơ đăng ký biến động đất đai là cần thiết để cung cấp thông tin chính xác về tình hình sở hữu đất đai, quyền sử dụng đất đai, các biến động về diện tích đất đai, vị trí đất đai và các thông tin liên quan khác.

     Nhu cầu này bắt nguồn từ nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng, đầu tư và quản lý đất đai hiệu quả. Quản lý đất đai chính xác và linh hoạt là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững của một địa phương hoặc một quốc gia. Do đó, việc có hồ sơ đăng ký biến động đất đai đầy đủ, minh bạch và chính xác giúp cho cơ quan chức năng có thông tin cần thiết để thực hiện quản lý đất đai một cách hiệu quả.

      Ngoài ra, việc đăng ký biến động đất đai còn giúp bảo vệ quyền lợi của các chủ sở hữu đất đai, người sử dụng đất đai và người quan tâm khác. Thông tin về biến động đất đai cũng giúp cho các bên liên quan có thể tham khảo để ra quyết định đúng đắn trong các giao dịch liên quan đến đất đai.

      Tóm lại, nhu cầu đối với hồ sơ đăng ký biến động đất đai hiện nay là rất lớn và quan trọng để đảm bảo quản lý đất đai hiệu quả và bền vững. Các cơ quan chức năng cũng như các cá nhân, tổ chức cần phải hỗ trợ và thúc đẩy quá trình đăng ký biến động đất đai để nâng cao chất lượng quản lý đất đai và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

II. Các quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký biến động đất đai

1. Hồ sơ đăng ký biến động đất đai là gì?

    Hồ sơ đăng ký biến động đất đai là tập hợp các tài liệu, thông tin và giấy tờ cần thiết để ghi nhận các thay đổi về quyền sở hữu, sử dụng, giao dịch, chuyển nhượng đất đai. Hồ sơ này được lập ra và nộp cho cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến khu vực đất đai cụ thể. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc quản lý tài sản đất đai và phát triển đô thị nông thôn.

Thành phần hồ sơ đăng ký biến động đất đai

2. Thành phần hồ sơ đăng ký biến động đất đai

Theo Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT có quy định hồ sơ đăng ký biến động đất đai như sau: 

Trường hợp 1: Đăng ký biến động trong trường hợp chuyển đổi, chuyển nhượng

  • Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đổi thửa”; chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng.
  • Người sử dụng đất có nhu cầu đăng ký biến động phải tiến hành hoàn thiện một bộ hồ sơ gồm:
  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với với đất theo mẫu số 09 đính kèm thông tư 24/2014/BTNMT;
  • Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp;
  • Một số giấy tờ liên quan đến nội dung biến động. Tùy trường hợp đăng ký biến động mà giấy tờ cần đưa vào hồ sơ là khác nhau. Cụ thể:
  • Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định.
  • Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;.
  • Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;
  • Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.

 Thủ tục giải quyết hồ sơ đăng ký biến động đất đai

Trường hợp 2: Đăng ký biến động trong trường hợp thay đổi thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

  • Trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được đổi tên; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận thì hồ sơ gồm có:
  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09 đính kèm thông tư 24/2014/TT-BTNMT;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
  • Một trong các giấy tờ liên quan đến nội dung biến động:
  • Văn bản công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với trường hợp cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình thay đổi họ, tên;
  • Bản sao sổ hộ khẩu đối với trường hợp thay đổi người đại diện là chủ hộ gia đình; văn bản thỏa thuận của hộ gia đình được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với trường hợp thay đổi người đại diện là thành viên khác trong hộ;
  • Văn bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đối với trường hợp cộng đồng dân cư đổi tên;
  • Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về tình trạng sạt lở tự nhiên đối với trường hợp giảm diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất do sạt lở tự nhiên;
  • Chứng từ về việc nộp nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp có ghi nợ hoặc chậm nộp nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp người sử dụng đất được miễn giảm hoặc không phải nộp do thay đổi quy định của pháp luật;
  • Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi hạn chế về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp có hạn chế theo quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp có thay đổi hạn chế theo văn bản chuyển quyền sử dụng đất thì phải có văn bản chấp thuận thay đổi hạn chế của người có quyền lợi liên quan, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;
  • Bản sao một trong các giấy tờ thể hiện nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin về tài sản gắn liền với đất đã ghi trên Giấy chứng nhận.

Trường hợp 3: Đăng ký biến động trong trường hợp xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn

  • Khi thực hiện thủ tục xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hồ sơ gồm có:
  • Văn bản thanh lý hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có xác nhận đã được thanh lý hợp đồng;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Ngoài các trường hợp nêu trên thì còn một số trường hợp phải thực hiện đăng ký biến động và quy định hồ sơ được ghi nhận tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT.

3. Thủ tục giải quyết hồ sơ đăng ký biến động đất đai

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất

  • Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo thành phần, số lượng hồ sơ theo quy định. Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, bạn phải nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
  • Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

  • Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:
  • Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;
  • Trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
  • Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;
  • Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;
  • Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã

Bước 3: Trả kết quả

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cập nhật bổ sung thông tin biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến hồ sơ đăng ký biến động đất đai

1. Hồ sơ đăng ký biến động đất đai khi cho thuê quyền sử dụng đất theo quy định mới gồm có những gì?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BTNMT như sau:

“Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất

...

2. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp "dồn điền đổi thửa"; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng gồm có:

a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.

Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải thể hiện tổng diện tích nhận chuyển quyền tại điểm 4 Mục I của Mẫu số 09/ĐK (Lý do biến động) như sau: "Nhận ... (ghi hình thức chuyển quyền sử dụng đất) ...m2 đất (ghi diện tích đất nhận chuyển quyền); tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng do nhận chuyển quyền và đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất từ ngày 01/7/2007 đến trước ngày 01/7/2014 là ... m2 và từ ngày 01/7/2014 đến nay là ... m2 (ghi cụ thể diện tích nhận chuyển quyền theo từng loại đất, từng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)";

b) Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định.

Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;

c) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

d) Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;

đ) Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.”

Như vậy, theo quy định nêu trên thì khi cho thuê quyền sử dụng đất, hồ sơ đăng ký biến động bao gồm:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;
  • Hợp đồng, văn bản về cho thuê quyền sử dụng đất;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
  • Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cho thuê đối với trường hợp cho thuê tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.

2. Thừa kế quyền sử dụng đất thì hồ sơ đăng ký biến động đất đai gồm những giấy tờ gì?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì phải thực hiện đăng ký biến động.

Theo đó, hồ sơ đăng ký biến động quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BTNMT được trình bày như mục trên.

Như vậy, hồ sơ đăng ký biến động đất đai khi thừa kế quyền sử dụng đất bao gồm:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.

Đối với trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải thể hiện tổng diện tích nhận chuyển quyền tại điểm 4 Mục I của Mẫu số 09/ĐK (Lý do biến động) như sau: "Nhận ... (ghi hình thức chuyển quyền sử dụng đất) ...m2 đất (ghi diện tích đất nhận chuyển quyền); tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng do nhận chuyển quyền và đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất từ ngày 01/7/2007 đến trước ngày 01/7/2014 là ... m2 và từ ngày 01/7/2014 đến nay là ... m2 (ghi cụ thể diện tích nhận chuyển quyền theo từng loại đất, từng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)";

  • Hợp đồng, văn bản về việc thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;

  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

3. Hồ sơ đăng ký biến động đất đai khi giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên bao gồm những giấy tờ gì?

Căn cứ quy định tại Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 14/2023/TT-BTNMT, hồ sơ đăng ký biến động đất đai khi giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên bao gồm:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
  • Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về tình trạng sạt lở tự nhiên đối với trường hợp giảm diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất do sạt lở tự nhiên.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến hồ sơ đăng ký biến động đất đai

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề hồ sơ đăng ký biến động đất đai. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan