Kinh doanh dịch vụ bảo vệ là gì? Điều kiện và thủ tục như thế nào?

Hiện nay, ở mọi lĩnh vực, hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp,… dù lớn hay nhỏ đều cần một lực lượng bảo vệ để quan sát, ngăn chặn những rủi ro đến từ bên ngoài. Từ đó, các chủ thể kinh doanh cũng bắt đầu triển khai ngày càng nhiều công ty dịch vụ bảo vệ. Để hiểu rõ hơn về lĩnh vực này, NPLaw sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin liên quan đến Kinh doanh dịch vụ bảo vệ qua bài viết dưới đây.

I. Kinh doanh dịch vụ bảo vệ là gì?

Sau đây là những điều cần biết khi kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

1.1 Đặc điểm kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Kinh doanh dịch vụ bảo vệ là việc pháp nhân sử dụng lực lượng được đào tạo chuyên nghiệp cùng nhiều phương tiện, công cụ hỗ trợ cung cấp dịch vụ bảo vệ nhằm tìm kiếm lợi nhuận và góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đây là một ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thực tế, mọi người không thể vừa làm việc vừa dành thời gian để bảo vệ bản thân và tài sản khỏi nhiều rủi ro. Vậy nên, có thể thấy các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ đóng vai trò rất quan trọng.

1.2 Vai trò của kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Vai trò của kinh doanh dịch vụ bảo vệ được thể hiện qua các phương diện sau: Thứ nhất, nhân lực từ công ty dịch vụ bảo vệ thường được đào tạo chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ công cụ, thiết bị hiện đại. Điều này khiến cho các chủ thể sử dụng dịch vụ tin cậy và yên tâm hơn. Thứ hai, lực lượng bảo vệ không chỉ bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản mà còn tuần tra, phát hiện, ngăn chặn những hành vi phạm tội ngay từ đầu, nhờ vậy có thể tránh hoặc giảm thiểu hậu quả nghiêm trọng xảy ra. 

Kinh doanh dịch vụ bảo vệ nếu tuân thủ tốt các quy định của pháp luật thì được xem như một điểm tựa để phát triển các ngành nghề lĩnh vực khác. Để thực hiện kinh doanh dịch vụ bảo vệ, các chủ thể phải nắm rõ quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Trong đó, bao gồm quy định về loại hình kinh doanh, về điều kiện, thủ tục,…

II. Các loại hình kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Có nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ bảo vệ gồm dịch vụ bảo vệ con người, tài sản, mục tiêu và các hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tùy vào từng đối tượng mà dịch vụ bảo vệ được thực hiện dưới hình thức khác nhau như bảo vệ mục tiêu cố định (công ty, chung cư, bệnh viện,…) hay bảo vệ sự kiện,…

Như đã nói, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy sẽ được quy định nghiêm ngặt trong các văn bản quy phạm pháp luật.

III. Quy định về kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Hiện nay Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự, đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Bên cạnh đó còn có Thông tư số 08/2016/TT-BCA quy định trang phục cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Vậy, các văn bản quy phạm pháp luật nói trên đã đặt ra những điều kiện gì để có thể kinh doanh dịch vụ bảo vệ và trình tự, thủ tục để đăng ký kinh doanh diễn ra như thế nào?

IV. Điều kiện kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Để thực hiện kinh doanh dịch vụ bảo vệ thì bên cạnh việc đăng ký kinh doanh, các chủ thể còn phải đảm bảo điều kiện an ninh trật tự như sau,

Thứ nhất, điều kiện an ninh, trật tự áp dụng chung cho các ngành nghề quy định tại Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP:

  • Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với người Việt Nam:

Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

  • Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Thứ hai, điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ bảo vệ quy định tại Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP:

1. Là doanh nghiệp.

2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và không phải là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà trong 24 tháng liền kề trước đó đã bị thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (trừ quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này).

3. Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam liên doanh với cơ sở kinh doanh nước ngoài:

Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam chỉ được liên doanh với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ nước ngoài trong trường hợp cần đầu tư máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và chỉ được thực hiện dưới hình thức cơ sở kinh doanh nước ngoài góp vốn mua máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ.

4. Cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư góp vốn với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam:

a) Là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ liên tục ít nhất 05 năm;

b) Người đại diện cho phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài là người chưa bị cơ quan pháp luật của nước ngoài nơi họ hoạt động kinh doanh xử lý về hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ cảnh cáo trở lên;

c) Phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài chỉ được sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ. Số vốn góp đầu tư của cơ sở kinh doanh nước ngoài ít nhất là 1.000.000 USD (một triệu đô la Mỹ). Việc định giá máy móc, thiết bị kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên thực hiện; chi phí định giá do cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ chi trả.

Khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì chủ thể kinh doanh dịch vụ bảo vệ còn phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục đăng ký để được xem là kinh doanh hợp pháp.

V. Thủ tục đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ để đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ được quy định tại Điều 23 Nghị định 96/2016/NĐ-CP:

5.1 Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ

a) Cơ sở kinh doanh nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền đề nghị cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại các Điều 19, 20, 21 và Điều 22 Nghị định này;

b) Tại một địa điểm kinh doanh có nhiều ngành, nghề khác nhau thuộc một cơ sở kinh doanh nhưng thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của nhiều cấp Công an thì nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền cao nhất để cấp một Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các ngành, nghề đó;

c) Tại một địa điểm kinh doanh có nhiều ngành, nghề khác nhau thuộc nhiều cơ sở kinh doanh khác nhau nhưng thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của nhiều cấp Công an thì mỗi cơ sở kinh doanh nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền cao nhất để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho từng cơ sở kinh doanh;

d) Đối với chi nhánh, cơ sở kinh doanh trực thuộc có địa điểm kinh doanh ngoài địa điểm của cơ sở kinh doanh chính, thì mỗi chi nhánh, cơ sở kinh doanh trực thuộc nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền quản lý cơ sở kinh doanh chính để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho chi nhánh và cơ sở kinh doanh trực thuộc đó.

5.2 Hình thức nộp hồ sơ

Cơ sở kinh doanh chọn một trong các hình thức nộp hồ sơ sau đây:

a) Nộp trực tiếp cho cơ quan Công an có thẩm quyền;

b) Gửi qua cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính;

c) Nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an.

Đối với hình thức nộp hồ sơ qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an thì khi nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, cơ sở kinh doanh phải chuyển cho cơ quan Công an có thẩm quyền các văn bản, tài liệu quy định tại các Điều 19, 20, 21 hoặc Điều 22 Nghị định này.

Như vậy, nếu các chủ thể đăng ký kinh doanh đáp ứng đầy đủ các điều kiện chung và riêng về đảm bảo an ninh, trật tự, thực hiện đúng trình tự, thủ tục đăng ký thì có thể kinh doanh dịch vụ bảo vệ một cách hợp pháp. Bên cạnh các quy định pháp luật, NPLaw sẽ giúp các bạn giải đáp một số thắc mắc dưới đây.

VI. Những thắc mắc thường gặp về kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Dưới đây là tổng hợp những thắc mắc được quan tâm nhiều nhất khi kinh daonh dịch vụ này, mời Quý độc giả cùng tham khảo, cụ thể:

6.1 Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có phải xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 96/2016/NĐ-CP về cơ sở kinh doanh các ngành, nghề phải có phương án bảo đảm an ninh, trật tự không bao gồm hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Vì vậy, cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ không phải xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự.

6.2 Hộ kinh doanh có được kinh doanh dịch vụ bảo vệ không?

Theo Khoản 1 Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải là doanh nghiệp nên hộ kinh doanh không được kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

6.3 Tôi có một công ty kinh doanh nhà đất, nay tôi muốn mở thêm một công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ, có được không?

Trường hợp này, khách hàng có thể mở thêm một công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Bởi Nghị định 96/2016/NĐ-CP không cấm việc thực hiện hoạt động kinh doanh đồng thời như trên, chỉ cần thỏa mãn đủ các điều kiện.

6.4 Tôi đã mở công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ được 5 năm. Nay công ty tôi rất phát triển, tôi muốn cùng một đối tác nước ngoài mở rộng công ty. Vậy phải tiến hành các thủ tục gì?

Để được hợp tác cùng đối tác nước ngoài mở rộng công ty, cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Đặc biệt, phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài chỉ được sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ. Khi đã thỏa mãn điều kiện thì Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư với cơ quan có thẩm quyền. 

6.5 Tôi đã từng đi tù, nay mãn hạn tù, tôi muốn mở công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ có được không?

Nếu rơi vào trường hợp có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích thì khách hàng không thể mở công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Vì không thỏa mãn điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng chung các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu không thuộc trường hợp được nêu, đồng thời thỏa mãn các điều kiện còn lại thì khách hàng có thể thực hiện.

Qua các thông tin được cung cấp ở trên, hy vọng rằng quý khách hàng có thể hiểu rõ hơn về kinh doanh dịch vụ bảo vệ và ngày càng tin cậy vào dịch vụ của NPLaw. Nếu quý khách hàng vẫn còn nhiều thắc mắc nhưng không có thời gian tiếp cận thì có thể liên hệ với NPLaw để nhận được sự hỗ trợ, giúp cho việc kinh doanh dịch vụ bảo vệ được ổn định và phát triển hơn.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan