Mua nhà trả góp được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để nhanh chóng sở hữu ngôi nhà của riêng mình, nhất là với các gia đình trẻ hiện nay, những người chưa có nhiều tích lũy tài chính. Vậy làm sao để hiểu thế nào là mua nhà trả góp và những vấn đề liên quan xoay quanh về mua nhà trả góp như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.
I. Nhu cầu mua nhà trả góp hiện nay
Nhu cầu mua nhà trả góp tại Việt Nam hiện nay đang gia tăng mạnh mẽ, phản ánh sự phát triển và thay đổi trong thị trường bất động sản cũng như trong tâm lý của người tiêu dùng. Một số yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu này bao gồm:
- Tăng trưởng thu nhập: Với mức thu nhập ngày càng cao và sự cải thiện trong đời sống kinh tế của nhiều người dân, việc mua nhà trở thành mục tiêu ngày càng phổ biến hơn.
- Tăng giá bất động sản: Giá bất động sản liên tục tăng cao, khiến nhiều người không thể chi trả toàn bộ số tiền để mua nhà ngay lập tức. Chính vì vậy, hình thức trả góp trở nên phổ biến hơn, giúp người mua có thể sở hữu nhà mà không cần phải thanh toán toàn bộ số tiền ngay lập tức.
- Chính sách hỗ trợ từ ngân hàng và chính phủ: Nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các gói vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài hạn và các điều kiện linh hoạt. Chính phủ cũng có các chính sách hỗ trợ mua nhà, đặc biệt là cho các gia đình trẻ và người thu nhập thấp.
- Thay đổi nhu cầu và thói quen sống: Người dân ngày càng chú trọng đến việc sở hữu bất động sản để đảm bảo tài sản lâu dài, tạo điều kiện cho cuộc sống ổn định và bền vững hơn.
- Tăng trưởng dân số đô thị: Sự phát triển của các thành phố lớn và xu hướng đô thị hóa gia tăng nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là tại các khu vực đô thị mới và các khu vực có cơ sở hạ tầng phát triển.
Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu cao, người mua vẫn cần cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng tài chính của mình và các điều khoản của các hợp đồng vay vốn để tránh rủi ro tài chính trong tương lai.
II. Quy định pháp luật về mua nhà trả góp
1. Mua nhà trả góp là gì?
Mua nhà trả góp là hình thức mua bất động sản mà người mua chỉ cần trả một phần tiền ngay, phần còn lại sẽ được thanh toán dần theo thời gian qua các kỳ hạn trả góp. Thông thường, người mua sẽ vay tiền từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính và trả lãi suất trên số tiền vay, cùng với gốc hàng tháng.
2. Khi mua nhà trả góp thì người mua cần phải lưu ý những điều gì?
Việc mua nhà trả góp hiện nay được nhiều người ưa chuộng và lựa chọn vì người mua có thể vừa sử dụng căn nhà vừa thanh toán tiền mua nhà dần dần trong nhiều năm (trong mức thời gian quy định).
Tuy nhiên, để tránh một số vấn đề phát sinh khi mua nhà trả góp, người mua cũng như bên bán cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Hợp đồng mua nhà trả góp phải được công chứng, chứng thực theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014;
- Các bên tham gia hợp đồng phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 119 Luật Nhà ở 2014;
- Trường hợp bên bán/bên mua là cá nhân thì ghi tên người có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở vào hợp đồng mua nhà ở. Nếu bên bán/ bên mua là tổ chức thì ghi thông tin tên của tổ chức, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản, tên và chức vụ người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó vào trong hợp đồng;
- Nhà ở được mua bán phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 118 Luật Nhà ở 2014;
- Giá mua bán nhà ở được thực hiện theo quy định tại Điều 124 Luật Nhà ở 2014;
- Người mua nhà ở trả góp phải thanh toán trước một khoản cho bên bán, mức trả trước sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau. Thông thường, người mau sẽ thanh toán toán không quá 20% giá nhà ở (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác).
- Trường hợp mua nhà trả góp đối với nhà ở hình thành trong tương lai thì người mua có thể thanh toán lần đầu 30% giá trị hợp đồng (Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014).
- Những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng của dự án nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng (nếu chủ đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng)
- Người mua cũng cần lưu ý đến thời hạn trả nợ đã cam kết trong hợp đồng để không phải trả phí phạt trả nợ trước hạn:
- Ví dụ: Trong hợp đồng mua nhà trả góp, người mua cam kết trả nợ trong vòng 10 năm, nhưng sau đó người mua có thể trả nợ chỉ trong vòng 3 năm hay 05 năm. Khi đó, người mua sẽ phải trả phí phạt trả nợ trước hạn cho ngân hàng.
- Mức phí phạt trả nợ trước hạn sẽ dao động từ khoảng từ 0,5 đến 3,5% tính trên tổng số tiền trả nợ trước hạn, tùy vào từng ngân hàng.
3. Người mua có thể trả lại nhà khi còn đang trong thời hạn trả góp hay không?
Căn cứ Điều 125 Luật Nhà ở 2014 quy định về việc mua bán nhà trả góp như sau:.
“3. Trường hợp bên mua nhà ở có nhu cầu trả lại nhà ở đã mua trong thời gian trả chậm, trả dần và được bên bán nhà ở đồng ý thì hai bên thỏa thuận phương thức trả lại nhà ở và việc thanh toán lại tiền mua nhà ở đó.”
Như vậy, khi còn đang trong thời hạn thanh toán thì người mua nhà trả góp có thể trả lại nhà cho người bán nhưng cần phải được người bán đồng ý.
Trường hợp bên mua đồng ý thì các bên tiến hành thỏa thuận phương thức trả lại nhà ở và việc thanh toán lại tiền mua nhà ở đó.
III. Giải đáp một số câu hỏi về mua nhà trả góp
1. Những thông tin cơ bản nào bắt buộc phải có trong hợp đồng mua nhà trả góp?
Theo điểm b Khoản 1 Điều 89 Luật Nhà ở 2014 có quy định: “Việc mua bán nhà ở xã hội phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 của Luật này;”
Dẫn theo Điều 163 Luật Nhà ở 2014 có quy định thì hợp đồng mua bán nhà trả góp có các nội dung như sau:
- Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
- Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.
- Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt; giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu; trách nhiệm đóng, mức đóng kinh phí bảo trì và thông tin tài khoản nộp kinh phí bảo trì;
- Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;
- Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở;
- Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê mua, cho thuê, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn; thời hạn sở hữu đối với trường hợp mua bán nhà ở có thời hạn;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Trường hợp thuê mua nhà ở thì phải ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên về việc sửa chữa hư hỏng của nhà ở trong quá trình thuê mua;
- Cam kết của các bên;
- Thỏa thuận khác;
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
- Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
- Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
2. Mua nhà trả góp thì sổ đỏ có được đứng tên 2 người khi chỉ có một người đứng tên hợp đồng vay ngân hàng để mua nhà không?
Thì căn cứ Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
“Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo từng thửa đất. Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chung cho các thửa đất đó.
2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
…”
Do đó, về nguyên tắc thì sổ đỏ sẽ được ghi tên 02 người vì theo quy định thì thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
Để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hai người thì hợp đồng mua ban đầu phải ghi tên của cả hai. Trường hợp chỉ ghi tên người mua làm một người thì bạn anh sẽ đứng tên trên giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi xảy ra ví dụ sau này có tranh chấp thì ở đây có quyền chứng minh mình có quyền đối với phần tài sản đó nếu không được ghi nhận trong sổ thông qua những bằng chứng về thỏa thuận, chuyển tiền, tiền mặt, biên bản, hay thậm chí là những bằng chứng khác có cơ sở như tin nhắn, cuộc gọi, ...
Trường hợp nếu muốn đứng tên cả hai người thì có thể làm hợp đồng tặng cho hoặc bán một phần tài sản trên cho anh và ghi nhận thỏa thuận về tài sản này là tài sản chung đồng sở hữu của cả hai lúc đó sẽ có cơ sở cấp sổ đứng tên 02 người.
3. Vay mua nhà trả góp 10 năm thì cần phải đáp ứng các điều kiện nào?
Vay mua nhà trả góp 10 năm thì cần phải đáp ứng đầy đủ điều kiện được vay vốn theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Điều 2 Thông tư 06/2023/TT-NHNN như sau:
- Khách hàng:
- Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.
- Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
- Hoặc khác hàng từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
- Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
- Có phương án sử dụng vốn khả thi.
- Có khả năng tài chính để trả nợ.
IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về mua nhà trả góp
Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề mua nhà trả góp. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn