Pháp luật quy định như thế nào về kinh doanh thuốc thú y

Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, con người thường xuyên tiếp xúc với các loài động vật khác nhau. Vì vậy, bảo vệ sức khỏe động vật là một cách bảo vệ con người tránh được những căn bệnh lây nhiễm trực tiếp hoặc thông qua thức ăn, đồng thời duy trì một môi trường sống trong lành. Để bảo vệ sức khỏe cho động vật và đảm bảo nguồn thực phẩm từ chăn nuôi có giá trị, đạt chất lượng cao, cách phổ biến nhất hiện nay chính là sử dụng thuốc thú y. 

Xuất phát từ vai trò quan trọng nêu trên, nên vì vậy nhu cầu sử dụng thuốc thú y ngày càng tăng nhiều, từ đó các cơ sở kinh doanh thuốc thú y cũng dần được phát triển. Ở bài viết này, NPLaw sẽ cung cấp cho các khách hàng một số thông tin cần thiết liên quan đến việc kinh doanh thuốc thú y.

I. Thực trạng kinh doanh thuốc thú y hiện nay

Theo thông tin từ Cục Thú y (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vào năm 2022, cả nước ta hiện có trên 16.000 sản phẩm thuốc, vắc xin thú y được sản xuất, lưu hành. Trong đó, có trên 180 loại vắc xin của 83 nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, đã đáp ứng khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến trên 40 quốc gia. Trong lĩnh vực buôn bán thuốc thú y, cả nước hiện có hơn 17.700 cửa hàng, đại lý. Các cửa hàng, đại lý đều đảm bảo về yêu cầu cơ sở vật chất; trong đó, có 93,6% cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.

Chính vì việc kinh doanh thuốc thú y diễn ra phổ biến như vậy nên các cơ quan nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình rà soát, kiểm tra. Thực tế cho thấy vẫn còn không ít cơ sở kinh doanh thuốc thú y chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật như hành nghề kinh doanh khi chưa đủ điều kiện; nhiều nơi có kho bảo quản thuốc nhưng thiếu các trang thiết bị cần thiết; để thuốc thú y lẫn với thức ăn chăn nuôi, lương thực, thực phẩm dành cho con người; …

Vì vậy, việc nắm rõ các quy định pháp luật về kinh doanh thuốc thú ý là điều cần thiết đối với các cơ sở kinh doanh.

II. Thế nào là kinh doanh thuốc thú y?

1. Thuốc thú y là gì?

Theo khoản 21 Điều 3 Luật Thú y 2015 định nghĩa thuốc thú y là đơn chất hoặc hỗn hợp các chất bao gồm dược phẩm, vắc-xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất được phê duyệt dùng cho động vật nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều chỉnh, phục hồi chức năng sinh trưởng, sinh sản của động vật.

2. Thế nào là kinh doanh thuốc thú y? Ví dụ?

Kinh doanh thuốc thú y là hoạt động đầu tư, sản xuất, buôn bán các loại dược phẩm, vắc-xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất được phê duyệt dùng cho động vật nhằm tạo ra lợi nhuận. 

Thuốc thú y có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe động vật và ảnh hưởng gián tiếp đến con người, vậy nên để kinh doanh sản phẩm này, các cơ sở phải thỏa mãn điều kiện hành nghề được quy định.

III. Điều kiện hành nghề kinh doanh thuốc thú y

- Điều 108 Luật Thú y 2015 quy định, đối với cá nhân hành nghề thú y phải đáp các điều kiện bao gồm:

  • Có Chứng chỉ hành nghề thú y phù hợp với từng loại hình hành nghề thú y;
  • Có đạo đức nghề nghiệp;
  • Có đủ sức khỏe hành nghề.

- Tổ chức muốn hành nghề thú y thì phải có cá nhân đáp ứng các yêu cầu trên và có cơ sở vật chất, kỹ thuật phù hợp với từng loại hình hành nghề thú y theo quy định của pháp luật.

- Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân hành nghề kinh doanh thuốc thú y còn phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn theo khoản 3, 4, 5 Điều 21 Nghị định 35/2016/NĐ-CP như sau:

  • Người buôn bán thuốc thú y phải có bằng trung cấp trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản.
  • Người phụ trách kỹ thuật của cơ sở khảo nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc thú y được quy định như sau:
  • Cơ sở khảo nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc dùng trong thú y cho động vật trên cạn phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y, dược sỹ, cử nhân hóa dược, hóa học, sinh học;
  • Cơ sở khảo nghiệm, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc dùng trong thú y cho động vật thủy sản phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, dược sỹ, cử nhân hóa dược, hóa học, sinh học.
  • Người phụ trách kỹ thuật của cơ sở sản xuất, kiểm nghiệm thuốc thú y được quy định như sau:
  • Cơ sở sản xuất, kiểm nghiệm thuốc là dược phẩm dùng trong thú y cho động vật trên cạn phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành thú y, dược sỹ, hóa dược; dùng trong thú y cho động vật thủy sản phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, dược sỹ, hóa dược;
  • Cơ sở sản xuất, kiểm nghiệm thuốc là vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y cho động vật trên cạn phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y, dược sỹ, cử nhân hóa dược, hóa học, sinh học; dùng trong thú y cho động vật thủy sản phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, dược sỹ, cử nhân hóa dược, hóa học.

- Tương tự như các ngành nghề khác, việc kinh doanh thuốc thú y sẽ đặt ra quyền và nghĩa vụ đối với chủ thể kinh doanh. Việc đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ sẽ giúp các chủ thể kinh doanh vừa có thể tìm kiếm lợi nhuận, vừa góp phần đảm bảo trật tự thị trường.

IV. Quyền và nghĩa vụ đối với cơ sở kinh doanh thuốc thú y

Điều 113 Luật Thú y 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hành nghề thú y như sau:

  • Tổ chức, cá nhân hành nghề thú y có quyền:
  • Được hành nghề theo nội dung ghi trong Chứng chỉ hành nghề thú y;
  • Được đào tạo, tập huấn nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ thú y;
  • Được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích khi tham gia hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương.
  • Tổ chức, cá nhân hành nghề thú y có nghĩa vụ:
  • Tuân thủ các quy định của pháp luật về thú y và pháp luật có liên quan trong hành nghề; bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong hành nghề thú y;
  • Cung cấp thông tin liên quan cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; tuân thủ và tham gia các hoạt động về thú y khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Quyền và nghĩa vụ sẽ phát sinh sau khi việc kinh doanh thuốc y được đăng ký một cách hợp pháp. Ngoài vấn đề phải đảm bảo các điều kiện thì chủ thể kinh doanh còn phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục.

V. Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh thuốc thú y

- Về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y, khoản 2 Điều 96 Luật Thú y 2015 quy định như sau:

  • Tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc thú y nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y cho Cục Thú y;
  • Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú ý, khoản 2 Điều 97 Luật Thú y 2015 quy định như sau:

  • Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh;
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh kiểm tra điều kiện của cơ sở buôn bán thuốc thú y, nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Bên cạnh các hiểu biết cơ bản về kinh doanh thuốc thú y nêu trên, NPLaw xin giải đáp một số thắc mắc mà các bạn đọc thường gặp phải xung quanh vấn đề dưới đây.

VI. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến việc kinh doanh thuốc thú y

1. Có bằng tốt nghiệp chăn nuôi thuốc thú y thì có được hành nghề kinh doanh thuốc thú y không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 35/2016/NĐ-CP thì người buôn bán thuốc thú y phải có bằng trung cấp trở lên chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản.

Như vậy, nếu bằng tốt nghiệp là bằng trung cấp trở lên thì có thể hành nghề kinh doanh thuốc thú y. Tuy nhiên, việc được hành nghề còn phải xem xét thêm các điều kiện khác được luật quy định. 

2. Có văn bằng kỹ sư chăn nuôi thú y có đủ điều kiện chuyên môn để buôn bán thuốc thú y hay không?

Văn bằng kỹ sư chăn nuôi thú y có giá trị tương với bằng đại học, vì vậy theo khoản 3 Điều 21 Nghị định 35/2016/NĐ-CP thì đủ điều kiện chuyên môn để buôn bán thuốc thú y.

3. Làm đại lý cho cửa hàng bán thuốc thú y có cần phải đảm bảo điều kiện như buôn bán thuốc thú y hay không?

Căn cứ quy định tại Điều 166 Luật Thương mại 2005, đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. 

Như vậy, làm đại lý cho cửa hàng buôn bán thuốc thú y cũng mang bản chất là việc mua bán thuốc thú y, do đó, cần phải đảm bảo điều kiện như buôn bán thuốc thú y.

4. Hộ kinh doanh có được buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chung với những loại thuốc thú y hay không?

Theo điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định 90/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 21 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi bán thuốc thú y chung khu vực hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dùng cho người, lương thực, thực phẩm.

Như vậy, hộ kinh doanh không được buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chung với những loại thuốc thú y.

5. Không đáp ứng đủ điều kiện hành nghề kinh doanh thuốc thú y sẽ bị xử phạt như thế nào?

Theo Điều 35 Luật Thú y 2015 được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 3 Nghị định 07/2022/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm về điều kiện trong buôn bán thuốc thú y như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

  • Không đủ điều kiện về địa điểm, kho chứa, trang thiết bị bảo quản thuốc thú y;
  • Bán thuốc thú y chung khu vực hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dùng cho người, lương thực, thực phẩm;
  • Người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y không có Chứng chỉ hành nghề thú y hoặc Chứng chỉ hành nghề thú y hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi buôn bán vắc xin, chế phẩm sinh học;

  • Không có tủ lạnh, tủ mát hoặc kho lạnh để bảo quản theo điều kiện bảo quản ghi trên nhãn;
  • Không có nhiệt kế để kiểm tra điều kiện bảo quản;
  • Sử dụng phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin không đủ điều kiện bảo quản theo quy định;
  • Tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán thuốc thú y không có cửa hàng địa điểm cố định.

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi tự ý san chia mỗi loại thuốc thú y không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

  • Không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y;
  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán hết hiệu lực.

VII. Dịch vụ tư vấn và thực hiện thủ tục liên quan đến việc kinh doanh thuốc thú y

Hiện nay có khá nhiều các công ty luật và văn phòng luật sư uy tín hỗ trợ tư vấn và thực hiện thủ tục cho các khách hàng trong việc kinh doanh thuốc thú y. Trong đó, NPLaw cũng cam kết cung cấp dịch vụ cho khách hàng một cách hoàn hảo nhất. 

Trên đây là những vấn đề liên quan đến kinh doanh thuốc thú y mà NPLaw đã cung cấp. Nếu quý khách hàng còn nhiều thắc mắc về chủ đề trên có thể liên hệ trực tiếp với NPLaw để nhận được sự tư vấn cụ thể nhất. NPLaw luôn sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau mà các bạn vướng mắc. Vì vậy, hãy liên hệ bất cứ khi nào các bạn cần, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan