QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH VỀ GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BUÔN BÁN ĐIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay việc sử dụng điện là nhu cầu thiết yếu hằng ngày của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Hầu như tất cả các hoạt động sinh hoạt hằng ngày đều cần đến điện. Do đó mà thị trường hoạt động bán buôn điện cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, để thực hiện các hoạt động điện lực như bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực… thì cá nhân, tổ chức cần xin cấp giấy phép hoạt động bán buôn điện. Vậy pháp luật quy định như thế nào về thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động buôn bán điện? Hãy cùng NPLAW tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

I. Giấy phép hoạt động bán buôn điện là gì?

Căn cứ theo khoản 1 và khoản 4 Điều 3 Luật Điện lực 2004 thì hoạt động điện lực là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan. Bán buôn điện là một trong các hoạt động điện lực, là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực này cho đơn vị điện lực khác để bán lại cho bên thứ ba.

Như vậy, giấy phép hoạt động bán buôn điện là giấy chứng nhận cho phép cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định pháp luật được phép hoạt động bán điện.

II. Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động bán buôn điện là gì?

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động bán buôn điện được quy định tại Điều 32 Nghị định 137/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 3 Nghị định 17/2020/NĐ-CP, cụ thể thì các cá nhân, tổ chức nào muốn hoạt động bán buôn điện phải thực hiện đăng ký giấy phép hoạt động bán buôn điện. Để được cấp loại giấy phép này thì cá nhân, tổ chức đó cần đảm bảo:

  • Người trực tiếp quản lý kinh doanh bán buôn điện phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện, kỹ thuật, kinh tế, tài chính và có thời gian làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện ít nhất 05 năm.
  • Đơn vị đáp ứng được điều kiện về bán buôn điện được phép hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu điện

III. Thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động bán buôn điện như thế nào?

Căn cứ vào Điều 11 Thông tư 21/2020/TT-BCT quy định về thủ tục xin cấp phép hoạt động bán buôn điện được thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Thành phần hồ sơ được quy định Điều 9 Thông tư 21/2020/TT-BCT. Cá nhân, tổ chức xin cấp phép hoạt động bán buôn điện cần chuẩn bị các giấy tờ gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 21/2020/TT-BCT.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận thành lập (đối với các tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
  • Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kinh doanh theo Mẫu 3b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 21/2020/TT-BCT; 
  • Bản sao bằng tốt nghiệp của người có tên trong danh sách.
  • Bước 2: Nộp hồ sơ

Cá nhân, tổ chức có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền hoặc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

  • Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, đáp ứng được các điều kiện luật định thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Vậy đối với thủ tục này, ai có thẩm quyền cấp giấy phép bán buôn điện?

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 38 Luật Điện lực 2004 và Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật điện lực sửa đổi 2012 quy định về Thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực như sau:

“1. Bộ Công thương cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực.

2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động điện lực cho tổ chức, cá nhân có hoạt động điện lực với quy mô nhỏ trong phạm vi địa phương theo hướng dẫn của Bộ Công thương.”

Theo đó, Bộ Công thương có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các đơn vị bán buôn điện.

IV. Đơn vị bán buôn điện mà không có giấy phép hoạt động bán buôn điện bị xử phạt như thế nào?

Tại Điều 10 Nghị định 134/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm các quy định về mua, bán buôn điện như sau:

  • Phạt tiền Đơn vị bán buôn điện từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định.
  • Phạt tiền Đơn vị phát điện, Đơn vị bán buôn điện, Đơn vị bán lẻ điện từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán buôn điện mà hợp đồng mua, bán buôn điện không tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng mua, bán điện có thời hạn.
  • Phạt tiền Đơn vị phát điện, Đơn vị bán buôn điện, Đơn vị bán lẻ điện từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán điện với đơn vị không có Giấy phép hoạt động điện lực.
  • Phạt tiền Đơn vị bán buôn điện từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với hành vi xuất, nhập khẩu điện mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Ngoài ra, còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính là số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định (bao gồm cả mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra) để trả lại cho cá nhân, tổ chức bị chiếm đoạt đối với các hành vi vi phạm. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân để hoàn trả thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, đơn vị bán buôn điện mà không có giấy phép hoạt động bán buôn điện bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng. Đồng thời bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước.

V/ Có cần xin giấy phép bán buôn điện đối với doanh nghiệp kinh doanh điện năng lượng mặt trời không?

Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành 06/04/2020 và Thông tư số 18/2020/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho dự án điện mặt trời do Bộ Công thương ban hành 17/7/2020 thì không có quy định việc phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh trong quá trình đăng ký, ký hợp đồng mua bán điện, khi lắp và bán điện mặt trời.

Tuy nhiên, hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, tư vấn chuyên ngành điện lực là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV, ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020.

Và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký doanh nghiệp chỉ quy định hộ gia đình phải xin cấp giấy phép kinh doanh điện mặt trời vì đây là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo khoản 2 Điều 79 Nghị định này mà không đề cập đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với mô hình công ty, doanh nghiệp thông thường sẽ phải đăng ký kinh doanh vì đây được xem là một hình thức đầu tư với số tiền khổng lồ. Doanh thu công ty có từ việc bán lượng điện sản xuất ra từ năng lượng mặt trời thường trên 100 triệu đồng 1 năm nên phải xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh năng lượng mặt trời.

VI. Dịch vụ tư vấn giấy phép hoạt động buôn bán điện

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực pháp lý, Công ty Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLAW) là một trong những công ty Luật uy tín, cam kết tư vấn, giải quyết nhanh chóng kịp thời, chất lượng dịch vụ tốt với mức phí phù hợp. Đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, làm việc tận tâm, nhiệt tình, giúp bạn đưa ra được cách giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan