QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ BÀI THUỐC GIA TRUYỀN

Bài thuốc gia truyền là một trong những nét văn hóa y học truyền thống của Việt Nam, được nhiều người dân tin tưởng sử dụng và được cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, bảo đảm khả năng điều trị thực tế trong lĩnh vực y học. Thông qua bài viết này, NPLaw xin gửi đến Quý bạn đọc bài viết pháp lý liên quan đến bài thuốc gia truyền.

I. Nhu cầu sử dụng bài thuốc gia truyền hiện nay

Nhiều người dân Việt Nam tin rằng các bài thuốc gia truyền, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, có hiệu quả trong việc điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh mãn tính. Bởi lẽ, các bài thuốc gia truyền thường được chế biến từ các thảo dược tự nhiên, được cho là ít gây tác dụng phụ hơn so với thuốc tây. Việc sử dụng bài thuốc gia truyền đã trở thành một phần văn hóa của người Việt, thể hiện sự gắn bó với truyền thống và cội nguồn. Do đó, có cơ sở nhận định nhu cầu sử dụng bài thuốc gia truyền tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao.Quy định pháp luật về bài thuốc gia truyền

II. Quy định pháp luật về bài thuốc gia truyền

1. Bài thuốc gia truyền là gì?

Căn cứ tại khoản 8 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định:

“8. Bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền là bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm do dòng tộc hoặc gia đình truyền lại và điều trị có hiệu quả đối với một hoặc một số bệnh được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận”.

Như vậy, bài thuốc gia truyền là bài thuốc theo kinh nghiệm do dòng tộc hoặc gia đình truyền lại và điều trị có hiệu quả đối với một hoặc một số bệnh được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận.

2. Người có bài thuốc gia truyền là ai?

Căn cứ tại khoản 9 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền là người giữ quyền sở hữu bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh quy định tại khoản 8 Điều 2 Luật này.

Như vậy, người có bài thuốc gia truyền là người giữ quyền sở hữu bài thuốc theo kinh nghiệm do dòng tộc hoặc gia đình truyền lại và điều trị có hiệu quả đối với một hoặc một số bệnh được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận.

3. Người có bài thuốc gia truyền có phạm vi hành nghề là gì?

Căn cứ theo điểm b khoản 11 Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định người có bài thuốc gia truyền chỉ được bán thuốc theo bài thuốc gia truyền thuộc quyền sở hữu của mình đã được đăng ký.

Bên cạnh đó, tại khoản 14 Điều 11 Thông tư số 32/2023/TT-BYT quy định phạm vi hành nghề của người có bài thuốc gia truyền như sau:

- Người có bài thuốc gia truyền được khám bệnh, sử dụng bài thuốc gia truyền được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận để chữa bệnh hoặc chứng bệnh;

- Bài thuốc gia truyền sử dụng chữa bệnh phải đúng thành phần, dạng bào chế, công dụng (chỉ định), liều lượng, cách dùng;

- Được sử dụng nhiều bài thuốc gia truyền được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận để chữa bệnh hoặc chứng bệnh khác nhau trong cùng một người bệnh;

- Người vừa có bài thuốc gia truyền và phương pháp chữa bệnh gia truyền được sử dụng đồng thời cho người bệnh trong cùng một thời điểm;

- Không được kê đơn và sử dụng thuốc hóa dược, thuốc dược liệu và sử dụng phương pháp, kỹ thuật chuyên môn của y học hiện đại để khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, người có bài thuốc gia truyền có phạm vi hành nghề như nội dung quy định pháp luật nêu trên.

III. Giải đáp một số câu hỏi về bài thuốc gia truyền

1. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền theo quy định Điều 21 Thông tư số 02/2024/TT-BYT bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BYT.

- Bản thuyết minh về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BYT.

- Bản sao hợp lệ kết quả thử độc tính cấp và bán trường diễn đối với bài thuốc gia truyền.

- Bản sao hợp pháp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.

- 02 ảnh chân dung cỡ 04 x 06 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền

Căn cứ theo Điều 20 Thông tư số 02/2024/TT-BYT quy định như sau:

“Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền."

Như vậy, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền là Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Điều kiện cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền

Dựa trên tinh thần quy định tại Điều 4 Quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” ban hành kèm theo Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT (đã hết hiệu lực) quy định để được cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” người được cấp cần đáp ứng các điều kiện:

- Có đủ năng lực hành vi dân sự.

- Có quyền thừa kế theo quy định của pháp luật.

- Biết cụ thể các vị thuốc và thành phần bài thuốc, cách bào chế, cách sử dụng, liều dùng, đường dùng, chỉ định, chống chỉ định và chẩn đoán bệnh.

- Được chính quyền địa phương (xã/phường/thị trấn) chứng nhận là người được dòng tộc, gia đình có bài thuốc gia truyền lâu năm, có hiệu quả điều trị một bệnh nhất định, được nhân dân trong vùng tín nhiệm và không có sự tranh chấp dân sự về bài thuốc đó đồng ý truyền cho.

4. Trong lĩnh vực về y dược cổ truyền Sở Y tế có quyền thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền không?

Căn cứ theo điểm d khoản 7 Điều 2 Thông tư số 37/2021/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Y tế như sau:

“7. Về y dược cổ truyền

d) Cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền trên địa bàn quản lý;”

Như vậy, Sở Y tế có quyền thu hồi giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền trên địa bàn Sở Y tế quản lý.

5. Không có giấy chứng nhận thừa kế có thể đăng cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền không?

Dựa trên tinh thần quy định “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”. Điều 4 Quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” ban hành kèm theo Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT (đã hết hiệu lực) thì không bắt buộc phải có văn bản thừa kế bài thuốc mà có thể thông qua một số tài liệu để đăng ký cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền như:

- Quyền thừa kế có thể thông qua di chúc hoặc thông qua thừa kế theo pháp luật. Đối với hình thức thừa kế theo pháp luật thì không nhất thiết phải có văn bản.

- Sơ yếu lý lịch ghi rõ quá trình hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền của dòng tộc, gia đình và bản thân (Có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú)

- Bản giải trình về bài thuốc gia truyền, trong đó phải ghi rõ:

+ Xuất xứ của bài thuốc qua các đời trong dòng tộc, gia đình, nơi đã sử dụng bài thuốc để điều trị.

+ Công thức của bài thuốc (ghi rõ tên từng vị, liều lượng); Cách gia giảm (nếu có); Cách bào chế; Dạng thuốc; Cách dùng, đường dùng; Liều dùng; Chỉ định và chống chỉ định.


Dịch vụ tư vấn pháp lý về bài thuốc gia truyền

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về bài thuốc gia truyền

Hiểu được nhu cầu tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến bài thuốc gia truyền của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú với kinh nghiệm tư vấn dày dặn, sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề liên quan đến bài thuốc gia truyền. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan