Quy định pháp luật về bán thực phẩm gây ngộ độc

Ngộ độc thực phẩm là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tuỳ theo tác nhân gây ngộ độc. Vậy việc bán thực phẩm gây ngộ độc sẽ bị xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây NPLaw sẽ làm rõ vấn đề này.

Thực trạng bán thực phẩm gây ngộ độc

I. Thực trạng bán thực phẩm gây ngộ độc

Trong những năm gần đây, việc sử dụng các chất phụ gia trong việc chế biến thực phẩm đang trở nên ngày càng phổ biến, tràn lan, không đúng liều lượng... Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai gây mất an toàn thực phẩm. Thậm chí những thức ăn đó còn khiến cho người sử dụng nó ngộ độc gây nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Qua đó có thể thấy rằng việc bán các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm gây ngộ độc ngày càng phổ biến và tràn lan nhằm mục đích thu lợi cao gây nguy hại tới sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng

II. Quy định pháp luật về bán thực phẩm gây ngộ độc

1. Bán thực phẩm gây ngộ độc là gì?

Bán thực phẩm gây ngộ độc là hành vi bán các thực phẩm có chứa các chất phụ gia, hóa chất,.. vượt quá mức cho phép theo quy định của Bộ y tế hoặc bán các thực phẩm đã hết hạn sử dụng, để qua ngày không đảm bảo được việc bảo quản và hàm lượng dinh dưỡng có trong thực phẩm. Việc bán các loại thực phẩm này gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

2. Thế nào là thực phẩm ngộ độc?

Thế nào là thực phẩm ngộ độc?

Thực phẩm ngộ độc là thực phẩm mà sau khi ăn vào sẽ có các triệu chứng như sau:

  • Có những biểu hiện khác thường sau khi ăn uống một thực phẩm nào đó.
  • Những người cùng ăn chung một loại thực phẩm có biểu hiện giống nhau, trong khi những người không ăn loại thực phẩm đó không có biểu hiện gì.
  • Gặp phải những triệu chứng ngộ độc thực phẩm đặc trưng như đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy.
  • Thực phẩm vừa ăn uống có mùi vị lạ, ôi thiu, thậm chí có thể có giun sán.

3. Bán thực phẩm gây ngộ độc cho người khác bị xử lý như thế nào?

Xử phạt hành chính: Theo điểm a khoản 6, điểm a khoản 8, điểm b khoản 10 và khoản 11 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 124/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt hành chính về hành vi bán đồ ăn gây ngộ độc thực phẩm cho người khác như sau:

  • (1) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • (2) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm và đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại (2) mục này.

+ Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 12 tháng đến 16 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại (1) mục này.

  • Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại (1) và (2) mục này:

+ Buộc thu hồi thực phẩm vi phạm.

+ Buộc tiêu hủy thực phẩm vi phạm.

+ Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.

+ Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.

Mức phạt tiền trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi (Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 124/2021/NĐ-CP)).

Truy cứu trách nhiệm hình sự: Người có hành vi bán thực phẩm gây ngộ độc cho người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017) với khung hình phạt thấp nhất là 01 năm tù và cao nhất là 20 năm tùy vào mức độ phạm tội. Bên cạnh đó, người có hành vi phạm tội có thể  có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

III. Giải đáp một số câu hỏi về bán thực phẩm gây ngộ độc

 1. Gây ngộ độc thực phẩm cho người khác khi bán thức ăn có chứa hóa chất chưa được phép lưu hành bị phạt tù bao nhiêu năm?

Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017), người bán thức ăn có chứa hóa chất chưa được phép sử dụng gây ngộ độc thực phẩm cho người khác  bị xử phạt như sau:

  • Bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
  • Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
  • Có tổ chức;
  • Làm chết người;
  • Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
  • Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
  • Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
  • Tái phạm nguy hiểm. 
  • Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
  • Làm chết 02 người;
  • Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
  • Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
  • Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
  • Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
  • Làm chết 03 người trở lên;
  • Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên;
  • Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
  • Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
  • Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
  • Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

2. Người bán đồ ăn gây ngộ độc chết người chủ động tự thú có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Người bán đồ ăn gây ngộ độc chết người chủ động tự thú có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Theo quy định tại điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a và điểm b khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), tự thú được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. 

Do đó, người bán đồ ăn gây ngộ độc chết người chủ động tự thú sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

3. Cơ sở bán thực phẩm gây ngộ độc có bị thu hồi giấy phép không? Xin lại được không?

 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 124/2021/NĐ-CP) ngoài hình thức xử phạt tiền, thì hình thức xử phạt bổ sung không có đề cập đến vấn đề cơ sở bán thực phẩm gây ngộ độc bị thu hồi giấy phép kinh doanh, Do đó, cơ sở bán thực phẩm gây ngộ độc không bị thu hồi giấy phép. 

Tuy nhiên, cơ sở bán thực phẩm gây ngộ độc có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm. Điều này cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của cơ sở. 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến bán thực phẩm gây ngộ độc

Trên đây là những thông tin cơ bản về bán thực phẩm gây ngộ độc. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi. NPLaw luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về pháp luật. NPLaw không chỉ tư vấn trong lĩnh vực thực phẩm, hình sự, đầu tư mà còn nhiều dịch vụ khác. NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan