NỘI DUNG TRÊN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký, nếu nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện bảo hộ, chủ đơn sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chủ sở hữu khai thác và bảo vệ các quyền của mình đối với nhãn hiệu.

I. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là gì?

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là văn bằng bảo hộ do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Nội dung trên giấy chứng nhận này bao gồm:

  • Số giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Tên, địa chỉ của chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Số đơn, ngày nộp đơn;
  • Số, ngày quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Mẫu nhãn hiệu, màu nhãn hiệu, loại nhãn hiệu;
  • Danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  • Thông tin gia hạn, sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (nếu có).

Mẫu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.-nplaw.vn

Mẫu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

II. Hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

1. Hiệu lực về thời gian

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 (mười) năm kể từ ngày nộp đơn, có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 (mười) năm.

Để được gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký, trong vòng 06 (sáu) tháng trước ngày hết hiệu lực, chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ:

  • Đơn yêu cầu gia hạn và phí thẩm định yêu cầu gia hạn;
  • Lệ phí gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Phí sử dụng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Phí đăng bạ;
  • Phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực. Bên cạnh đó, chủ giấy chứng nhận phải nộp thêm 10% lệ phí gia hạn hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.

2. Hiệu lực về lãnh thổ

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

III. Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

1. Cấp phó bản

Trường hợp nhãn hiệu thuộc sở hữu chung, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ chỉ được cấp cho người đầu tiên trong danh sách những người nộp đơn chung. Các chủ sở hữu chung khác có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp phó bản Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với điều kiện phải nộp phí dịch vụ cấp phó bản.

Nội dung phó bản giấy chứng nhận thể hiện đầy đủ các thông tin của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng và kèm theo cụm từ “Phó bản”.

2. Cấp lại

Trường hợp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu/ phó bản giấy chứng nhận bị mất hoặc bị hỏng, rách, bẩn, phai mờ đến mức không sử dụng được, bị tháo rời không giữ được dấu niêm phong, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu/phó bản Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với điều kiện phải nộp phí dịch vụ tương ứng.

Nội dung bản cấp lại của giấy chứng nhận/ phó bản giấy chứng nhận này thể hiện đầy đủ các thông tin của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu/ phó bản giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cấp lần đầu và kèm theo cụm từ “Bản cấp lại”.

IV. Sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được sửa đổi trong các trường hợp sau đây:

1. Thay đổi các thông tin

Thay đổi về tên, địa chỉ của chủ giấy chứng nhận (Chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không thay đổi);

Thay đổi chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (chuyển dịch quyền sở hữu do thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác);

Sửa đổi quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận (đối với nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận).

Những nội dung thể hiện trên giấy đăng ký-nplaw.vn

Những nội dung thể hiện trên giấy đăng ký.

2. Yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ

Yêu cầu sửa đổi một số chi tiết nhỏ nhưng không làm thay đổi đáng kể mẫu nhãn hiệu ghi trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;

Yêu cầu giảm bớt một hoặc một số hàng hóa, dịch vụ hoặc nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà không thay đổi mẫu nhãn hiệu.

3. Sửa chữa thiếu sót

Trường hợp phát hiện có thiếu sót trong giấy chứng nhận đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ tự mình hoặc theo yêu cầu của người phát hiện ra thiếu sót tiến hành thu hồi giấy chứng nhận có thiếu sót và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới.

V. Chấm dứt hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu khi nào?

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau:

  • Chủ giấy chứng nhận không nộp lệ phí gia hạn hiệu lực theo quy định;
  • Chủ giấy chứng nhận đăng ký tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu;
  • Chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
  • Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn 05 (năm) năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất 03 (ba) tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Hậu quả của việc chấm dứt hiệu lực

Tại thời điểm giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực, quyền của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu không còn được Nhà nước tiếp tục bảo hộ. Tuy nhiên chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn có quyền khởi kiện các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu xảy ra trong thời gian Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực mặc dù tại thời điểm khởi kiện, quyền đối với nhãn hiệu không còn được bảo hộ.

VI. Hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

  • Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với nhãn hiệu;
  • Nhãn hiệu không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ.

Đăng ký nhãn hiệu là một trong những thủ tục cần thiết cho doanh nghiệp-nplaw.vn

Đăng ký nhãn hiệu là một trong những thủ tục cần thiết cho doanh nghiệp

Người có quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.

Thời hiệu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 05 (năm) năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trừ trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.

Hậu quả của việc hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không có hiệu lực kể từ ngày cấp.

Trên đây là những chia sẻ của NPLaw về các nội dung liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất các thủ tục liên quan đến đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay đến NPLaw để được giải đáp kịp thời và hiệu quả.


Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan