Thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu mà doanh nghiệp cần biết

Thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu bao gồm tất cả các công việc mà người khai báo hải quan và cơ quan hải quan phải thực hiện theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa và phương tiện vận tải khi xuất khẩu.

Hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu

Đối với doanh nghiệp lần đầu xuất khẩu hàng hóa thì trước khi thực hiện thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp phải mua chữ ký số, đăng ký chữ ký số với Tổng cục Hải quan Việt Nam, tải và cài đặt phần mềm khai báo hải quan điện tử.

Tờ khai hàng hóa xuất khẩu cần có những thông tin gì?

Tờ khai hải quan xuất khẩu bao gồm các thông tin cần khai báo sau:

  • Đơn vị hải quan cửa khẩu.
  • Thông tin công ty xuất khẩu, thông tin công ty nhập khẩu.
  • Phương thức và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.
  • Tên hàng, khối lượng, trị giá hàng hóa xuất khẩu.
  • Nghĩa vụ thuế (nếu có).
  • Các chỉ thị của hải quan đối với lô hàng xuất khẩu.

Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu

Thông thường, hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu bao gồm các chứng từ sau đây:

  • Hợp đồng thương mại (Purchase Order or Contract): 01 bản sao y
  • Hóa đơn thương mại (Invoice): 01 bản gốc
  • Phiếu đóng gói (Packing List): 01 bản gốc
  • Vận tải đơn (Airway Bill/ Bill of lading).
  • Giấy phép (nếu có): 01 bản gốc
  • Giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin) (nếu có): 01 bản gốc
  • Giấy tờ khác theo yêu cầu của Hải quan (nếu có).
  • Các giấy tờ liên quan đến hàng hóa có yêu cầu kiểm tra chuyên ngành như: xác nhận của kiểm lâm đối với gỗ, kiểm dịch động vật, …

Ký mã hiệu hàng hóa xuất khẩu

Ký mã hiệu hàng hóa xuất khẩu là dấu hiệu dạng chữ viết, hình vẽ, con số hoặc dấu hiệu khác được thể hiện trên chính hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa để dễ nhận biết, xác định hàng hóa trong quá trình bốc xếp, giao nhận, vận chuyển hàng hóa. 

Ký mã hiệu hàng hóa xuất khẩu thường bao gồm: tên hàng, tên cảng bốc hàng, tên cảng dỡ hàng, số hiệu kiện hàng, trọng lượng, khối lượng, tên của công ty xuất khẩu, …

Trong thực tiễn giao dịch thương mại tồn tại 2 hệ thống cơ bản về ký mã hiệu hàng hóa xuất khẩu gồm:

  • Hệ thống UPC (Universal Product Code): được sử dụng tại thị trường Hoa Kỳ và Canada, lưu hành từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX đến nay.
  • Hệ thống mã số hàng hóa: Được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia trên thế giới, phổ biến là hệ thống EAN (European Article Number).

Quy trình thông quan hàng hóa xuất khẩu

Quy trình thông quan trong thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu bao gồm các bước sau đây:

Bước 1. Chuẩn bị chứng từ hải quan

  • Nhà xuất khẩu cần chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ chứng từ hải quan như trên.
  • Trước khi đăng ký tờ khai xuất khẩu, nhà xuất khẩu phải thực hiện thủ tục khai thông tin xuất khẩu để làm căn cứ mở tờ khai. Sau khi nhà xuất khẩu đã khai báo đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ tự động tính toán những chỉ số liên quan tới thuế, trị giá,…và phản hồi lại cho nhà xuất khẩu trên màn hình đăng ký tờ khai (EDC).

Bước 2. Đăng ký tờ khai xuất khẩu (EDC)

  • Sau khi nhận được phản hồi của hệ thống trên màn hình đăng ký tờ khai (EDC), nhà xuất khẩu kiểm tra lại các thông tin đã khai báo và thông tin do hệ thống tự động tính toán đã chính xác chưa.
  • Trường hợp phát hiện có thông tin không chính xác cần điều chỉnh, người khai báo sử dụng nghiệp vụ EDB gọi lại màn hình khai thông tin xuất khẩu (EDA) và sửa lại trên đó.

Bước 3. Kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai

Trước khi cấp tờ khai, hệ thống sẽ kiểm tra Danh sách doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện đăng ký tờ khai (như doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản, có nợ quá thời hạn 90 ngày, …)

Bước 4. Phân luồng tờ khai

Sau khi khai báo và đăng ký xong tờ khai xuất khẩu, hệ thống sẽ trả kết quả phân luồng tờ khai. Cán bộ hải quan sẽ phân tờ khai thành các luồng xanh, vàng, đỏ như sau:

  • Đối với các tờ khai luồng xanh:
  • Nếu số thuế phải nộp bằng 0: Hệ thống tự động cấp phép thông quan cho nhà xuất khẩu.
  • Nếu số thuế phải nộp khác 0:
  • Khi khai báo nộp thuế bằng với hạn mức hoặc thực hiện bảo lãnh: Nếu số tiền hạn mức hoặc bảo lãnh lớn hơn hoặc bằng số thuế phải nộp, hệ thống sẽ cấp phép thông qua cho nhà xuất khẩu. Ngược lại, hệ thống sẽ báo lỗi nếu số tiền hạn mức hoặc bảo lãnh nhỏ hơn số thuế phải nộp.
  • Khi khai báo nộp thuế ngay (chuyển khoản, tiền mặt, …): Hệ thống sẽ xuất cho bạn “chứng từ ghi số thuế phải thu”. Sau khi hoàn tất nộp thuế, phí, lệ phí thì hệ thống sẽ cấp thông quan cho nhà xuất khẩu.
  • Đối với các tờ khai luồng vàng:
  • Hải quan sẽ làm thủ tục và kiểm tra tính hợp lệ của bộ chứng từ trên màn hình VCIS.
  • Nếu bộ chứng từ không hợp lệ thì hải quan sẽ trả lại và yêu cầu bổ sung. Sau khi nhà xuất khẩu bổ sung chứng từ đầy đủ thì tiếp tục đăng ký để thông quan hàng.
  • Trường hợp vẫn còn nghi vấn về hồ sơ, cơ quan hải quan sẽ yêu cầu chuyển luồng đỏ, đưa hồ sơ lên lãnh đạo và chuyển hồ sơ sang bộ phận kiểm hóa.
  • Đối với các tờ khai luồng đỏ:
  • Khi tờ khai là luồng đỏ hoặc bị chuyển sang bộ phận kiểm hóa, nhà xuất khẩu sẽ phải kiểm tra trên hệ thống điện tử của hải quan để biết được thông tin chuyển kiểm của tờ khai (họ tên cán bộ kiểm hóa, số điện thoại,…) và tiến hành kiểm hóa.
  • Sau khi kiểm hóa xong, nếu hàng hóa đúng như nội dung nhà xuất khẩu đã khai báo và không còn vấn đề gì nghi vấn, cán bộ kiểm hóa sẽ nhập tờ khai lên hệ thống và tiến hành thông quan hàng.
  • Nếu qua kiểm tra phát hiện hàng hóa không đúng như nội dung tờ khai thì cán bộ hải quan sẽ trình lên lãnh đạo để xin ý kiến xử lý. 

Bước 5. Thông quan và thanh lý tờ khai

  • Cán bộ hải quan tiến hành kiểm tra hàng hóa và cho phép thông quan. Nhà xuất khẩu phải nộp thuế đầy đủ để hoàn tất thủ tục thông quan.
  • Sau khi tờ khai được thông quan trên hệ thống trang web của cơ quan hải quan, bạn sẽ tiến hành in mã vạch và gặp hải quan lần nữa để thanh lý tờ khai.
  • Sau khi mã vạch được hải quan đóng dấu thì việc thông quan hàng hóa xuất khẩu hoàn thành. 

Mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất khẩu

Hàng hóa thường không do bên xuất khẩu và bên nhập khẩu vận chuyển mà các bên thường thuê dịch vụ vận chuyển của bên thứ ba. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho hàng hóa, việc mua bảo hiểm cho hàng hóa trong thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu là quan trọng và cần thiết.

Mặc khác, việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng đường biển. Tuy nhiên, vận tải hàng hóa bằng đường biển thường gặp nhiều rủi ro có thể gây tổn thất cho hàng hoá như thiên tai, mắc cạn, đâm va, đắm chìm, cháy nổ, mất cắp, cướp biển, …. Vì vậy, việc tham gia bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu là cần thiết.

Các loại bảo hiểm trong vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bao gồm: Bảo hiểm đường bộ, bảo hiểm đường sắt, bảo hiểm đường hàng hải, bảo hiểm đường hàng không.

Quy định về nhãn hàng hóa xuất khẩu

Quy định về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu

Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2022.

Theo các Nghị định này, việc ghi nhãn của hàng hóa xuất khẩu được thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nhà xuất khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Nội dung nhãn hàng hóa xuất khẩu không được thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Lấy số định danh hàng hóa xuất khẩu

Số định danh hàng hóa là gì?

Số định danh hàng hóa (Unique Consignment Reference – UCR): Là số tham chiếu để sử dụng và cung cấp cho cơ quan hải quan tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan. Số UCR phải là số duy nhất trên phạm vi quốc gia và quốc tế, được cấp cho từng lô hàng và được khởi tạo sớm nhất có thể trong giao dịch quốc tế. Mã số định danh hàng hóa giúp theo dõi toàn bộ lịch sử của một lô hàng. 

Hướng dẫn lấy số định danh trên phần mềm hải quan VNACCS

Để lấy số định danh trên dịch vụ công trực tuyến, người khai hải quan thực hiện các bước như sau:

  • Bước 1: Đăng nhập vào phần mềm khai báo hải quan điện tử VNACCS
  • Bước 2: Vào menu Tờ khai hải quan => Khai báo bổ sung => Đăng ký số định danh hàng hóa và thực hiện khai báo lên hệ thống Hải quan lấy số định danh (hoặc trên tờ khai xuất tại mục số vận đơn, nhấn vào nút Đăng ký để hoàn tất). Sau khi có số định danh, bạn nhập số định danh vào tờ khai VNACCS tại chỉ tiêu Số vận đơn
  • Bước 3: Khai báo tờ khai lên hệ thống Hải quan như bình thường.

Xuất khẩu hàng hóa sang Trung quốc, Mỹ, Nhật bản như thế nào?

Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc

Các hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc trong những năm gần đây gồm: Gạo, cà phê, trà (chè), cao su, hạt điều, hạt tiêu, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, trái cây (thanh long, vải thiều, chuối, mít, dưa hấu, nhãn, xoài, chôm chôm, măng cụt), thủy hải sản (tôm đông lạnh, cua, ghẹ, bạch tuộc, cá tra, cá basa).

Hàng hóa muốn được xuất khẩu sang Trung Quốc phải đảm bảo các tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng nghiêm ngặt của họ.

Ngoài ra, sản phẩm nông sản, thủy hải sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc còn phải chịu sự quản lý về hạn ngạch nhập khẩu do Bộ Thương mại và Ủy ban Phát triển Cải cách quốc gia Trung Quốc quy định.

Thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ

Ngoài các thủ tục chung, thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ còn bao gồm các bước sau:

1/ Kê khai hải quan tự động (Automatic Manifest System – AMS)

Thông tin của lô hàng nhập khẩu vào Mỹ phải được kê khai cho Hải quan của Mỹ 48 tiếng trước khi tàu ở cảng chuyển tải khởi hành đến Mỹ. Nhà xuất khẩu có trách nhiệm kê khai thông tin này ngay tại cảng xếp hàng.

2/ Kê khai an ninh dành cho nhà nhập khẩu (Import Security Filing – ISF)

Thủ tục này yêu cầu nhà nhập khẩu ở Mỹ phải cung cấp thêm các thông tin khác như thông tin nhà sản xuất, thông tin của nhà nhập khẩu, mã số hàng hóa và nhà vận tải đóng hàng vào container. Thông tin này cũng phải được kê khai cho Hải quan của Mỹ 48 tiếng trước khi tàu ở cảng chuyển tải khởi hành đến Mỹ.

3/ Soi container (X-ray).

Hải quan Mỹ sẽ áp dụng biện pháp soi container đối với những lô hàng nào mà họ nghi ngờ về an ninh hoặc trong trường hợp kiểm tra ngẫu nhiên. Việc soi container này có thể diễn ra ở cảng chuyển tải hoặc ở cảng đích tại Mỹ.

Xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản

Hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát gắt gao về chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, … của Nhật Bản như GAP, HACCP, JAS hoặc JIS đối với hàng công nghiệp. Trước khi hàng hóa được xuất khẩu, các nhà xuất khẩu phải thông báo cho các trạm kiểm dịch tại địa điểm nhập khẩu biết thông qua một hệ thống thông tin điện tử do Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội quản lý.

Việc xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản tuân thủ các quy định trong các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên như: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu

Khi xuất khẩu hàng hóa, nhà xuất khẩu phải đảm bảo hàng hóa đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của nước nhập khẩu và nhà nhập khẩu.

Các tiêu chuẩn hàng hóa thường gặp khi xuất khẩu bao gồm:

1/ Chất lượng thương mại và các quy định ghi nhãn mác

  • Hoa Kỳ yêu cầu tất cả những nông sản nhập khẩu phải đạt phẩm cấp theo tiêu chuẩn của Ban Thị Trường thuộc Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Thông tin chi tiết về các yêu cầu phẩm cấp và chất lượng sản phẩm được Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ xây dựng có thể tìm thấy tại các địa chỉ Internet sau: 
  • USDA: www.ams.usda.gov/standards/stanfrfv.htm 
  • USDA: www.ams.usda.gov/fv/moab-8e.html 
  • FDA: www.cfsan.fda.gov/~dms/lab-ind.html
  • USDA: www.ams.usda.gov/cool/
  • Cộng đồng Châu Âu yêu cầu rau quả tươi nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn thị trường của EU về chất lượng và ghi nhãn. Việc kiểm soát được cơ quan thanh tra tiến hành tại địa điểm nhập khẩu hoặc trong một vài trường hợp được kiểm chứng tại nước thứ ba, tại địa điểm xuất khẩu.
  • Thông tin chi tiết về tiêu chuẩn thị trường của EU tham vấn với Cục Môi Trường, Thực phẩm và Vấn đề nông thôn của Anh Quốc (DEFRA) trên trang Web: www.defra.gov.uk/hort/hmi.htm 
  • Hỗ trợ trực tuyến xuất khẩu của EU cho các nước đang phát triển trên trang Web: www.export-help.cec.eu.int/
  • Nhật Bản đòi hỏi sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các quy định trong Luật vệ sinh Thực phẩm, Luật tiêu chuẩn Nông Nghiệp của Nhật Bản và Luật đo lường. Thông tin chi tiết về tiêu chuẩn và các thủ tục nhập khẩu đối với các sản phẩm cụ thể có thể thấy trên các trang Web sau: 
  • Tổ chức Ngoại Thương Nhật Bản: www.jetro.go.jp/en/market/regulations/ 
  • Bộ Nông Nghiệp, Lâm Nghiệp và Thủy Sản: www.maf.go.jp/soshiki/syokuhin/hinshitu/e_label/index.htm

2/ Quy định về an toàn thực phẩm

a/ Mức dư lượng tối đa cho phép đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật

Các website cung cấp thông tin về quy định an toàn thực phẩm ở cấp độ quốc tế gồm:

Tại Hoa Kỳ, thông tin chi tiết về các yêu cầu và mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật có thể được tra cứu tại website:

Tại các nước trong Cộng đồng chung Châu Âu, thông tin chi tiết về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép và thủ tục nhập khẩu có thể được tìm thấy trên các website:

Tại Nhật Bản, thông tin các quy định về an toàn thực phẩm có thể được tìm thấy trên website: www.mhlw.go.jp/english/topics.foodsafety/index.html

b/ Truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Thông tin về các quốc gia và tổ chức yêu cầu về HACCP, GHPs và GAPs trong sản xuất thực phẩm có thể được tìm thấy ở các website sau:

Tại Mỹ, Luật Khủng bố sinh học đòi hỏi các nhà xuất khẩu phải đăng ký và thông báo với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) trước khi xuất khẩu hàng hóa đến Mỹ. Nhà xuất khẩu có thể tham khảo thêm thông tin trên website:

Tại các quốc gia thuộc Cộng đồng chung Châu Âu, các nhà sản xuất có thể tham khảo thông tin về truy xuất nguồn gốc xuất xứ tại các website:

3/ Các quy định về kiểm dịch

Tại Mỹ, nhà xuất khẩu có thể tra cứu thông tin hệ thống kiểm dịch trên website: www.aphis.usda.gov/ppq/permits

Tại các quốc gia thuộc Cộng đồng chung Châu Âu, để có thông tin các quy định về sức khỏe thực vật, nhà xuất khẩu có thể tra cứu trên website: www.ippc.int/IPP/En/nppo.jsp; để có thông tin các quy định về kiểm dịch thực vật của ủy ban Châu Âu, truy cập vào website:

www.europa.eu.int/eur-lex/en/consleg/pdf/2000/en_2000L0029_do_ 001.pdf

Tại Nhật Bản, nhà xuất khẩu có thể tra cứu các quy định về kiểm dịch thực vật trên các website:


Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Trụ sở chính: 139H4 Lý Chính Thắng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Chi nhánh Hà Nội: Tầng 10, Tòa nhà Ford Thăng Long, 105 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Chi nhánh Nha Trang: Số 3M, tầng trệt chung cư CT2, khu đô thị VCN Phước Hải, đường Tố Hữu, phường Phước Hải, TP.Nha Trang, Khánh Hòa.

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan
  • QUY ĐỊNH VỀ THÔNG BÁO KHUYẾN MẠI

    QUY ĐỊNH VỀ THÔNG BÁO KHUYẾN MẠI

    Hiện nay, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp thường áp dụng những chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ, sản phẩm của mình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách, sẽ có những quy...
    Đọc tiếp
  • Quy định về phát tờ rơi quảng cáo

    Quy định về phát tờ rơi quảng cáo

    Mục lục Ẩn I. Thực trạng phát tờ rơi quảng cáo hiện nay II. Quy định về phát tờ rơi quảng cáo 1. Việc phát tờ rơi quảng cáo có phải đăng ký với cơ quan nhà nước không? 2. Hoạt động phát tờ rơi quảng cáo có làm...
    Đọc tiếp
  • Quảng cáo dành cho trẻ em cần lưu ý gì?

    Quảng cáo dành cho trẻ em cần lưu ý gì?

    Mục lục Ẩn I. Thực trạng về quảng cáo dành cho trẻ em II. Quy định pháp luật về quảng cáo dành cho trẻ em 1. Hiểu như thế nào về quảng cáo dành cho trẻ em 2. Khi đối tượng quảng cáo là trẻ em thì cần chú ý những...
    Đọc tiếp