Tìm hiểu hợp đồng cộng tác viên cùng NPlaw

“Cộng tác viên” có lẽ là công việc đã quá quen thuộc đối với các bạn sinh viên hiện nay, tuy nhiên có không ít các bạn chưa hiểu rõ bản chất của công việc này, cũng như những quy định của pháp luật về việc giao kết hợp đồng cộng tác viên trong đó quy định những nghĩa vụ và quyền hạn của mình như thế nào,.. Hợp đồng cộng tác viên là một hợp đồng quan trọng được ký kết giữa tổ chức và cộng tác viên, cần được thiết lập để tránh những rủi ro xảy ra cho cả tổ chức nhận cộng tác viên và cộng tác viên.

Vậy thực trạng hợp đồng cộng tác viên hiện nay như thế nào? Quy định pháp luật về hợp đồng cộng tác viên ra sao? Có những vướng mắc gì cần giải đáp liên quan đến hợp đồng cộng tác viên?

Thực trạng hợp đồng cộng tác viên

Để giải đáp vướng mắc này, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú xin gửi tới Quý độc giả thông tin dưới bài viết sau:

I. Thực trạng hợp đồng cộng tác viên

Cộng tác viên được coi là nghề phụ, nghề tay trái và không bị gò bó về thời gian, không gian và thị trường rất rộng. Công việc này đáp ứng một lượng lớn công việc mà nhân viên chính thức của các công ty, tổ chức không thể làm do hạn chế về thời gian, hay mức độ phức tạp của công việc không quá lớn. Vì vậy, nhu cầu tuyển cộng tác viên của các tổ chức khá nhiều, và một lượng lớn nguồn nhân lực này đến từ các bạn học sinh, sinh viên. Công việc cộng tác viên có thể trải dài từ những tổ chức với phạm vi nhỏ như cộng tác viên của một câu lạc bộ trong trường học, cộng tác viên tổ chức sự kiện hay cộng tác viên đối với những tổ chức mang tính “việc làm” hơn như cộng tác viên dịch thuật, cộng tác viên content,.. do những doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh tuyển dụng. Việc tuyển dụng này đi kèm với những lợi ích và nghĩa vụ mà bên nhận cộng tác viên và bên ứng tuyển vị trí cộng tác viên thỏa thuận với nhau. Cũng giống như bao hợp đồng khác, nếu việc ký kết một hợp đồng mà các bên không thỏa thuận những điều khoản hợp pháp, những lợi ích và nghĩa vụ không đúng theo quy định thì sẽ đem đến rủi ro cho cả hai bên. 

Việc xác định bản chất pháp lý và thực hiện hợp đồng cộng tác viên vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, cần được làm rõ để dễ dàng cho cả hai bên trong quan hệ hợp đồng cộng tác viên.

II. Quy định pháp luật về hợp đồng cộng tác viên

Quy định pháp luật hiện hành về hợp đồng cộng tác viên cụ thể như sau:

1. Hợp đồng cộng tác viên là gì

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu cộng tác viên là gì? Cộng tác viên là người cộng tác với tổ chức để thực hiện những công việc mà đã được định lượng sẵn khối lượng công việc, thù lao, địa điểm, thời gian,.. Đây là công việc mang tính chủ động cao, cộng tác viên có thể không cần đến nơi làm việc như những nhân viên chính thức.

 Các loại hợp đồng cộng tác viên

Thực tế, hợp đồng cộng tác viên là tên gọi mà các bên đặt cho hợp đồng chứ không phải một hợp đồng có quy định cụ thể theo pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung thể hiện trong hợp đồng này mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể nhận định hợp đồng này thực chất là quan hệ pháp luật lao động hay quan hệ pháp luật dịch vụ.

2. Các loại hợp đồng cộng tác viên

Căn cứ theo bản chất của giao dịch giữa doanh nghiệp và cộng tác viên có thể chia Hợp đồng cộng tác viên là Hợp đồng dịch vụ và Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động.

  • Theo quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên và bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Như vậy, trong Hợp đồng cộng tác viên, cộng tác viên sẽ là bên thực hiện hay cung ứng dịch vụ. Theo đó, bên nhận cộng tác viên làm việc sẽ trả tiền dịch vụ cho cộng tác viên và cộng tác viên chỉ việc hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

  • Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật lao động 2019 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. 

Như vậy, trong hợp đồng cộng tác viên có những nội dung liên quan đến việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của bên nhận cộng tác viên hay trong hợp đồng cộng tác viên có các điều khoản như: nội quy lao động, điều lệ công ty, thời gian làm việc trong một ngày, thời gian nghỉ lễ,.. thì hợp đồng đó được coi là hợp đồng lao động.

Căn cứ vào từng ngành nghề cụ thể cũng có thể chia Hợp đồng cộng tác viên thành: hợp đồng cộng tác viên kinh doanh, hợp đồng cộng tác viên hướng dẫn du lịch, hợp đồng cộng tác viên dịch thuật, hợp đồng cộng tác viên marketing,..

3. Nội dung hợp đồng cộng tác viên

Đối với hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động thì theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động 2019 thì phải đảm bảo các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

+ Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

+ Công việc và địa điểm làm việc;

+ Thời hạn của hợp đồng lao động;

+ Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

+ Chế độ nâng bậc, nâng lương;

+ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

+ Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

+ Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Đối với hợp đồng cộng tác viên trong trường hợp là hợp đồng dịch vụ thì không bắt buộc phải đảm bảo những nội dung cụ thể nào. Vì vậy các bên có quyền tự do thỏa thuận về nội dung của hợp đồng nhưng phải đảm bảo không trái với các quy định pháp luật.

4. Mẫu hợp đồng cộng tác viên

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc 

HỢP ĐỒNG CỘNG TÁC VIÊN

( Số:.../HĐCTV)

- Căn cứ vào Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015;

- Căn cứ vào khả năng nhu cầu của hai bên.

Hôm nay, ngày ... tháng... năm 20…… tại……………………, chúng tôi gồm:

Công ty: …………………………………………………………………..

- Địa chỉ:..................................

- Điện thoại:.............................. fax:..............................

- Mã số thuế:..............................

- Tài khoản: ..............................tại:..............................

- Người đại diện: Ông( bà)..............................: Chức vụ:..............................

Sau đây gọi tắt là bên A

Cộng tác viên

- Ông (bà):..............................

- Năm sinh:..............................

- Số CMND/CCCD: .............Ngày cấp ..........................Nơi cấp..........................

- Điện thoại:..............................fax:.................... Email:........................................

- Địa chỉ:..............................

- Số tài khoản:..................tại Ngân hàng:………………………………………

Sau đây gọi tắt là Bên B

Sau khi thỏa thuận, hai bên thống nhất ký kết Hợp đồng cộng tác viên với những điều khoản như sau:

Điều 1. Nội dung công việc của Bên B

Điều 2. Địa điểm và thời giờ làm việc

Điều 3. Trang bị dụng cụ làm việc, phương tiện đi lại

Điều 4. Thù lao và quyền lợi của cộng tác viên

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của Bên A

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của Bên B

Điều 7. Bảo mật thông tin

Điều 8. Điều khoản chung

Điều 9. Hiệu lực và thời hạn hợp đồng

Điều 10. Điều khoản thi hành

Các nội dung khác do các bên thỏa thuận

III. Giải đáp một số câu hỏi về hợp đồng cộng tác viên

Trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng cộng tác viên thường gặp các vướng mắc sau cần giải đáp:

/upload/images/thuong-mai/hop-dong-ctv-anh-3.jpg

1. Hợp đồng cộng tác viên có cần đóng bảo hiểm không

Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ nên bên cung ứng dịch vụ không phải là người lao động. Do đó không áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động, người lao động được hưởng quyền lợi theo quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:

Về bảo hiểm xã hội 

Theo khoản 1, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn,..

Về bảo hiểm y tế 

Theo khoản 1, Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2014, người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.

Về bảo hiểm thất nghiệp 

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật việc làm 2013, người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội.

2. Hợp đồng cộng tác viên có được đơn phương chấm dứt

Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ: Khi việc thực hiện công việc đã được ghi nhận trong hợp đồng không có lợi cho một trong bên trong hợp đồng thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, khi chấm dứt phải đảm bảo đúng các nội dung đã được ký kết trong hợp đồng.

Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động: Cộng tác viên - người lao động và bên nhận cộng tác viên - người sử dụng lao động xác lập mối quan hệ lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên cần đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 35, Điều 36 Bộ luật lao động 2019 để việc đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp.

3. Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng cộng tác viên

Như đã trình bày ở phần trên bài viết, Hợp đồng cộng tác viên mang tính chất của hợp đồng lao động hay hợp đồng dịch vụ tùy thuộc vào nội dung giao kết trong hợp đồng.

Thứ nhất, về bản chất pháp lý

  • Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự 2015.
  • Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động được điều chỉnh theo Bộ luật lao động 2019.

Thứ hai, về hình thức

  • Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ: do không có quy định về hình thức bắt buộc của hợp đồng cộng tác viên nên áp dụng tương tự như với một hợp đồng dân sự thông thường. Do vậy, hợp đồng cộng tác viên có thể được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
  • Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động: theo quy định tại Điều 14 Bộ luật lao động 2019 thì hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản (trừ trường hợp giao kết bằng lời nói). Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng (trừ một số trường hợp cụ thể được quy định theo Bộ luật lao động).

Thứ ba, về thời hạn

  • Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ thì tùy vào đặc tính của công việc mà sẽ xác định thời hạn hợp đồng cộng tác viên theo thỏa thuận.
  • Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động: Tùy theo từng trường hợp mà thời hạn thực hiện hợp đồng lao động có thể khác nhau như hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng) và hợp động không xác định thời hạn.

Như vậy, tùy vào bản chất pháp lý của từng loại hợp đồng cộng tác viên mà doanh nghiệp có thể xác định loại hợp đồng phù hợp với khả năng và điều kiện của doanh nghiệp.

4. Rủi ro pháp lý khi giao kết hợp đồng cộng tác viên để trốn đóng bảo hiểm xã hội? Hành vi này bị xử phạt bao nhiêu?

Khi giao kết hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ thì doanh nghiệp hay cá nhân hoạt động thương mại phải đăng ký kinh doanh. Nếu không thực hiện là sai quy định và rủi ro doanh nghiệp có thể bị loại khỏi chi phí được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Khi giao kết hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động mà trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ chịu phạt vi phạm từ 50 triệu đồng đến 75 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Đối với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức chịu phạt đối với cá nhân.

5. Công nhân công trình tự do không muốn đóng bảo hiểm xã hội thì bên sử dụng lao động có thể ký hợp đồng lao động với tên gọi là hợp đồng cộng tác viên không?

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Như vậy, mặc dù với tên gọi là hợp đồng cộng tác viên nhưng trường hợp này nó vẫn mang bản chất của hợp đồng lao động và việc bên sử dụng lao động lại ký kết hợp đồng lao động với tên gọi là hợp đồng cộng tác viên để trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm cá nhân là vi phạm quy định của pháp luật.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về hợp đồng cộng tác viên

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ là đơn vị có kinh nghiệm trong việc tư vấn, thực hiện thủ tục liên quan đến Hợp đồng cộng tác viên với quy trình, công việc thực hiện gồm:

- Tiếp nhận thông tin liên quan đến Hợp đồng cộng tác viên;

- Hướng các bên liên quan chuẩn bị giấy tờ hoàn thiện thực hiện soạn thảo, đàm phán, ký kết Hợp đồng cộng tác viên và thực hiện các thủ tục có liên quan khác;

- Soạn thảo, đại diện, hỗ trợ khách hàng nộp, sửa hồ sơ, làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Nhận kết quả thực hiện các thủ tục liên quan và bàn giao kết quả cho Khách hàng.

Trên đây là thông tin giải đáp thắc mắc về hợp đồng cộng tác viên NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:

Thông tin liên hệ với CÔNG TY TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Website: nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan