Trong thời gian gần đây, tình trạng lan truyền tin giả, tin sai sự thật trên Internet và mạng xã hội đang gây báo động và diễn biến ngày càng phức tạp, với xu hướng gia tăng. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về vấn đề này
Trong thời đại số hóa ngày nay, việc đăng tin không đúng sự thật đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng và phổ biến. Các nền tảng truyền thông xã hội và các trang web tin tức đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, sự gia tăng của thông tin sai lệch và tin đồn đã gây ra những hậu quả đáng lo ngại.
Hành vi đăng tin không đúng sự thật là việc cung cấp, chia sẻ những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bóp méo sự thật trên các nền tảng truyền thông, bao gồm mạng xã hội, báo chí, website, v.v. Những thông tin này có thể gây hiểu lầm, hoang mang cho dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức, hoặc gây bất ổn cho xã hội.
Xử phạt vi phạm hành chính
Đối với các hành vi mà Bộ luật hình sự chưa quy định là tội phạm hoặc các hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể, theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, thì chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt hành chính nếu có một trong các hành vi sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Xử lý hình sự
Nếu người cố ý đăng tải thông tin sai thật nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015.
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm; bị phạt tù từ 1-3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015; bị phạt tù từ 3-7 năm phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Thủ tục áp dụng yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật, sai sự thật trên mạng theo khoản 2 và khoản 3 Điều 19 Nghị định 53/2022/NĐ-CP như sau:
- Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông:
+ Quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo các trường hợp tại mục 1;
+ Gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, dịch vụ trên mạng Internet, dịch vụ gia tăng trên không gian mạng, chủ quản hệ thống thông tin xóa bỏ thông tin trái pháp luật
Hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo các trường hợp tại mục 1;
+ Kiểm tra việc chấp hành thực hiện biện pháp của các chủ thể có liên quan được yêu cầu;
+ Trao đổi, chia sẻ thông tin về việc thực hiện biện pháp này, trừ trường hợp nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc yêu cầu nghiệp vụ của Bộ Công an.
- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh quân đội theo các trường hợp tại mục 1 đối với hệ thống thông tin quân sự.
Căn cứ Điều 19 Nghị định 53/2022/NĐ-CP cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi đăng tin không đúng sự thật là: Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng.
Căn cứ theo khoản 3, khoản 5 Điều 10 Nghị định 119/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b Khoản 11 Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm cải chính trên báo chí thì sẽ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật đối với hành vi này.
Bước 1. Thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm
Sao chụp, lưu giữ những bài viết, thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín để làm bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của các đối tượng; tìm một vài người tin cậy làm chứng cho vụ việc; hoặc lập vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại để xác nhận nội dung thông sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của anh.
Bước 2. Yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm
Trực tiếp yêu cầu người có hành vi vi phạm nhanh chóng gỡ bỏ tin bài, chấm dứt hành vi vi phạm để hạn chế sự lan truyền thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đồng thời cũng là lời cảnh báo để người có hành vi vi phạm nhận thức được sai phạm của mình và dừng việc làm sai trái.
Bước 3. Tự mình làm việc trực tiếp
Trường hợp đã xác minh được danh tính, tiến hành làm việc trực tiếp với những người đó để buộc họ phải gỡ bài viết và đính chính thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín và yêu cầu họ bồi thường một mức tiền hợp lý cho những thiệt hại
Bước 4. Gửi đơn tố cáo cho cơ quan công an hoặc khởi kiện ra tòa án
Gửi đơn tố cáo cho cơ quan công an để yêu cầu xử phạt hành chính hoặc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật;
Khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm
Tại điểm a khoản 1 và điểm e khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 quy định trường hợp đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống với mức phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Căn cứ theo điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội thì không có quy định hành vi đăng thông tin không đúng sự thật bị tịch thu điện thoại.
Căn cứ theo Điều 42 Luật Báo chí 2016 quy định về cải chính trên báo chí đối với hành vi loan truyền thông tin sai sự thật của người nhà báo gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của công ty thì công ty có quyền yêu cầu họ gỡ bỏ, cải chính ngay thông tin sai sự thật.
Nếu như trao đổi với nhau không được, công ty có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người loan truyền thông tin sai sự thật chấm dứt hành vi đăng tin sai sự thật, bồi thường thiệt hại (nếu có) và cải chính thông tin theo quy định tại Điều 42 Luật Báo chí 2016. Trường hợp quá trình này không ổn thỏa, công ty anh có quyền khởi kiện hành vi đăng thông tin sai sự thật này ra tòa án cấp huyện nơi nhà báo kia đặt trụ sở.
Trên đây là những thông tin xoay quanh đề tài đăng tin không đúng sự thật. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về đăng tin không đúng sự thật, Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn