Thị trường chứng khoán đi vào hoạt động là một sự kiện quan trọng đối với quá trình đổi mới và hội nhập của kinh tế Việt Nam. Điều này giúp các doanh nghiệp có thêm một kênh huy động vốn hiệu quả thông qua chào bán chứng khoán để mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong đó, cổ phiếu là một loại chứng khoán được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Vậy chào bán cổ phiếu ra công chúng được quy định như thế nào, hãy cùng NPLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
I. Chào bán cổ phiếu ra công chúng là gì?
Theo khoản 19 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 quy định chào bán chứng khoán ra công chúng là việc chào bán chứng khoán theo một trong các phương thức sau đây:
- Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
- Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.

Như vậy, chào bán cổ phiếu ra công chúng là chào bán cổ phiếu cho một số lượng lớn các nhà đầu tư mà không kể là nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc sử dụng các phương thức quảng cáo hoặc mời chào có tính chất rộng rãi ra công chúng khi chào bán.
II. Đặc trưng của chào bán cổ phiếu cho công chúng.
Chào bán cổ phiếu ra công chúng có các đặc trưng cơ bản sau đây:
- Chào bán cổ phiếu ra công chúng có quy mô rộng rãi, được thể hiện ở những khía cạnh như: chào bán chứng khoán cho số lượng lớn nhà đầu tư; khối lượng chào bán lớn; sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc mời chào rộng rãi ra công chúng.
- Việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi chào bán cổ phiếu ra công chúng là thủ tục pháp lý bắt buộc. Việc chào bán chỉ được thực hiện sau khi chủ thể phát hành đã đăng ký chào bán với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý thị trường chứng khoán.
- Chủ thể chào bán cổ phiếu ra công chúng rất đa dạng, có thể là doanh nghiệp, Chính phủ hay Chính quyền địa phương.

- Mục đích của chào bán cổ phiếu ra công chúng là huy động vốn trung và dài hạn và được tiến hành thông qua tổ chức trung gian là các công ty bảo lãnh phát hành hoặc đại lý phát hành cổ phiếu.
- Tổng giá trị cổ phiếu đã chào bán thường phải đạt tới mức độ nhất định nhằm tập trung được lượng vốn lớn, giúp chủ thể phát hành thực hiện được dự án mở rộng quy mô kinh doanh hoặc đầu tư mới.
III. Các phương thức chào bán cổ phiếu và công chúng.
Căn cứ khoản 19 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 quy định chào bán chứng khoán ra công chúng thì việc chào bán chứng khoán được thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:
- Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
- Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.
Như vậy, có 03 phương thức để chào bán cổ phiếu ra công chúng mà doanh nghiệp có thể lựa chọn.
IV. Điều kiện chào bán cổ phiếu đã công chúng
Do cổ phiếu là một loại chứng khoán nên việc chào bán cổ phiếu ra công chúng sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật chứng khoán 2019; Nghị định 155/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 15 Luật chứng khoán 2019, thì điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là:
1. Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần
Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần như sau:
- Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
- Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
- Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
- Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
- Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
- Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
- Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
2. Điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng.
Điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng như sau:
- Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
- Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
- Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
- Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;

- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán;
- Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
- Giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp;
- Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán. Tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
V. Hồ sơ, thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng
1. Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng
Căn cứ Điều 18 Luật chứng khoán 2019 quy định về hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, chia thành 02 trường hợp như sau:
Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần bao gồm:
- Giấy đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng;
- Bản cáo bạch;
- Điều lệ của tổ chức phát hành;
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán và văn bản cam kết niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán;
- Văn bản cam kết đáp ứng quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều 15 của Luật này;
- Văn bản cam kết của các cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành về việc cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
- Hợp đồng tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với công ty chứng khoán;
- Văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán;
- Cam kết bảo lãnh phát hành (nếu có).
Hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng bao gồm:
- Giấy đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng;
- Tài liệu quy định tại các điểm b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều này và văn bản cam kết đáp ứng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 15 của Luật này;
- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án, phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật này;
- Báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán gần nhất được kiểm toán trong 02 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ, trừ trường hợp báo cáo tài chính được kiểm toán đã có thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán gần nhất.
2. Trình tự đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng
Theo khoản 1, khoản 3 Điều 25 Luật chứng khoán 2019 quy định về cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực, tổ chức phát hành phải công bố Bản thông báo phát hành trên 01 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 03 số liên tiếp.
VI. Giải đáp các thắc mắc khi chào bán cổ phiếu ra công chúng
1. Chào bán cổ phiếu ra công chúng có bắt buộc đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường không?
Như đã đề cập ở trên tại mục điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng thì phải có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán. Cho nên, chào bán cổ phiếu ra công chúng phải đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường.
2. Vốn điều lệ bao nhiêu thì được chào bán cổ phiếu ra công chúng?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 15 Luật chứng khoán 2019 quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng thì mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
3. Có phải đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của doanh nghiệp cổ phần hóa hay không?
Trước tiên, doanh nghiệp cổ phần hóa là việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Vì vậy, căn cứ Điều 16 Luật chứng khoán 2019 quy định về đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng thì tổ chức phát hành, cổ đông công ty đại chúng trước khi chào bán chứng khoán ra công chúng phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cụ thể là trường hợp : “Chào bán cổ phiếu ra công chúng để chuyển doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần”. Như vậy, doanh nghiệp cổ phần hóa không cần đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng.
VII. Dịch vụ tư vấn thủ tục để thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng
Hiện nay có rất nhiều công ty luật/văn phòng luật sư cung cấp dịch vụ tư vấn thủ tục để thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng, trong đó NPLaw là công ty luôn đáp ứng sự tin tưởng của khách hàng. Với đội ngũ luật sư, chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm, chúng tôi không chỉ tư vấn các quy định pháp luật liên quan thủ tục để thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng mà còn hỗ trợ khách hàng chuẩn bị hồ sơ cũng như đại diện khách hàng làm việc với cơ quan có thẩm quyền trong việc đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về thủ tục chào bán cổ phiếu ra công chúng mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn