BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA

Hiện nay, công nghệ máy móc ngày càng phát triển, chế tạo ra nhiều phương tiện hiện đại. Tuy nhiên, nó cũng kéo theo nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với những máy móc, thiết bị hiện đại này. 

Vậy khi những đối tượng này gây ra thiệt hại, pháp luật sẽ giải quyết như thế nào? Ai là người phải bồi thường thiệt hại? Bài viết này, NPLaw sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ và chi tiết đối với vấn đề nguồn nguy hiểm độ cao.

I. Nguồn nguy hiểm cao độ 

Theo quy định pháp luật, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.Như vậy, pháp luật không có khái niệm về nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê ra các đối tượng được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu thuộc các đối tượng nêu trên thì đó là nguồn nguy hiểm cao độ.

II. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Đối với nguyên tắc xác định việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì yếu tố lỗi không bắt buộc. Cụ thể được quy định tại khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 và điểm c mục 2 phần III Nghị quyết 03/NQ-HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao như sau: Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

  • Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
  • Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

Ngoài ra còn có các nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại sau đây: Căn cứ dựa vào Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 và mục 2 phần I Nghị quyết 03/NQ-HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao:

  • Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Về mức bồi thường, hình thức bồi thường các bên tự thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
  • Được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
  • Khi mức bồi thường thiệt hại không phù hợp với thực tế, người thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
  • Khi bên thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  • Sẽ không được bồi thường thiệt hại nếu bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.

III. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Khi xác định việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chúng ta phải có căn cứ xác định việc bồi thường. Chúng ta căn cứ qua các vấn đề sau:

Phải có thiệt hại xảy ra

Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức.

Thiệt hại phải do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Các đối tượng thuộc nguồn nguy hiểm cao độ như phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp phải ở trạng thái đang hoạt động. Trong lúc hoạt động gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Lỗi

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau:

  • Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
  • Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

IV. Chủ thể chịu trách bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Sau khi đã có căn cứ về việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì việc tiếp theo là phải biết được ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường. Căn cứ theo khoản 2 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là:

  • Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra;
  • Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
  • Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

V. Giải đáp thắc mắc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Trường hợp A là chủ sở hữu chiếc xe máy Vision, nhưng trong lúc thiếu tiền A đã bán cho B chiếc xe máy theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật về giao dịch dân sự, đây là một giao dịch hợp pháp. Tối cùng ngày bán xe, B lái xe về và gây tai nạn giao thông với một chiếc xe máy khác, khiến người điều khiển bị thương tật 9%. Vậy trong trường hợp này, ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Trước tiên, chúng ta cần xác định chiếc xe máy Vision là nguồn nguy hiểm cao độ, căn cứ theo khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015. Trong trường hợp trên, thì anh A đã bán chiếc xe máy cho anh B theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật, là một giao dịch dân sự hợp pháp nên có hiệu lực pháp luật. Việc B sử dụng xe gây tai nạn xảy ra sau khi giữa A và B đã hoàn thành giao dịch dân sự. Cho nên, trong lúc đó, B đã là chủ sở hữu của chiếc xe máy Vision, B đã điều khiển xe gây tai nạn cho người khác, nên căn cứ theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” thì B sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. A hoàn toàn không có nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp này.

2. Anh Nguyễn Văn A giao xe môtô của mình cho chị Nguyễn Thị B (đã có giấy phép lái xe) mượn. Sau khi nhận xe, Chị B đưa xe này cho chị C điều khiển chở chị B ngồi phía sau và gây tai nạn làm anh H bị thương 45%. Vậy trong trường hợp này, ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đối với anh H?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì xe moto được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. 

Giả sử trong tình huống trên, chị B được anh A cho mượn xe máy một cách hợp pháp và theo đúng quy định pháp luật. Do đó, chị B là người đang chiếm hữu, sử dụng chiếc xe đó. Tuy nhiên chị B đã giao xe moto cho chị C lái khi chưa được anh A đồng ý, khi chị C điều khiển xe thì chị B ngồi sau nên chị B vẫn đang là người chiếm hữu, sử dụng xe nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại là của chị B, căn cứ pháp lý dựa vào khoản 2 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 “nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường”. Và cũng căn cứ theo khoản 3 Điều 601 Bộ luật dân sự thì: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Do đó, mặc dù trong tình huống trên chị C là người có lỗi gây ra tai nạn, chị B không có lỗi nhưng xét theo khoản 2 và 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì chị B là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra kể cả khi chị B không có lỗi.

Còn về chị C là người có lỗi gây tai nạn nên cũng phải liên đới bồi thường thiệt hại cùng chị B.

Trong tình huống này, thì anh A hoàn toàn không có nghĩa vụ bồi thường trong vụ việc này.

Hiện nay, với tình hình tai nạn giao thông nhiều, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đa dạng, thực tế áp dụng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra còn thiếu thống nhất về việc xác định chủ thể bồi thường và mức độ bồi thường trong trường hợp không có lỗi. 

Hy vọng qua bài viết này, NPLaw giúp bạn đọc có thêm thông tin, đồng thời giải đáp được những thắc mắc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu còn thắc mắc, các bạn vui lòng liên hệ với NPLaw ngày nhé!


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan

A PHP Error was encountered

Severity: Core Warning

Message: PHP Startup: Unable to load dynamic library 'pdo_mysql.so' (tried: /opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so (/opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so: cannot open shared object file: No such file or directory), /opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so.so (/opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so.so: cannot open shared object file: No such file or directory))

Filename: Unknown

Line Number: 0

Backtrace: