Hụi là một loại giao dịch về tài sản sớm được hình thành ở nhiều nước trên thế giới và được pháp luật một số nước công nhận và điều chỉnh. Tuy nhiên, hiện nay cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, việc chơi hụi đã bị một số đối tượng lợi dụng làm thủ đoạn để cho vay nặng lãi, hoặc lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác….
Đồng thời cùng với sự tin tưởng, không cảnh giác của người tham gia mà dẫn đến tình trạng nhiều người bị “GIẬT HỤI”. Và tùy vào từng trường hợp mà người bị giật hụi sẽ có những cách xử lý khác nhau, tuy nhiên các vụ việc liên quan đến giật hụi hiện nay rất khó giải quyết. Vậy bạn nên làm gì khi gặp phải tình trạng trên, sau đây NPLaw sẽ đưa ra một số trường hợp giật hụi và cách thức xử lý khi gặp phải.
Hiện nay, hụi đã được định nghĩa tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.”
Như vậy, Bộ luật Dân sự quy định hụi, họ là hình thức giao dịch dân sự hợp pháp về tài sản trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng nhau hùn vốn, có tính đến lãi suất, quyền và trách nhiệm của thành viên. Và xét về bản chất ban đầu của hụi vốn dĩ là hoạt động góp vốn của một nhóm người cho một người có uy tín ở địa phương, nhằm tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện nay, chơi hụi tồn tại khá nhiều rủi ro, dần biến tướng thành một hình thức huy động vốn với lãi suất cao. Do đó, việc chủ hụi bỏ trốn, chủ hụi giật tiền ngày càng phổ biến. Có thể định nghĩa giật hụi là việc tới kì mở hụi mà không tìm ra chủ hụi.
Như chúng ta biết, hiện nay tình trạng “giật hụi” diễn ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên trong thực tế, để xác định chính xác các trường hợp được xem là giật hụi thì chưa có quy định cụ thể nào, tuy nhiên căn cứ vào một số quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến hụi có thể đưa ra một số trường hợp giật hụi phổ biến như:
Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì giao tiền hụi cho các hụi viên khi đến kỳ chính là nghĩa vụ của chủ hụi. Nếu chủ hụi đến kỳ hạn mất khả năng thanh toán thì cũng được xem là một trường hợp của “giật hụi”.
Hành vi “ôm tiền bỏ trốn” không chỉ là hành vi cố ý trốn tránh nghĩa vụ thanh toán tiền cho các hụi viên, mà hành vi này còn có thể cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 35 Điều 1 Luật hình sự sửa đổi 2017. Trường hợp, chủ hụi có hành vi trên, các hụi viên có thể làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng trên gửi đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Trong thời gian qua, nhiều trường hợp giật hụi đã xảy ra với mức độ tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhiều người gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an về việc họ bị chủ hụi giật số tiền từ vài trăm đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc này, công an không thụ lý điều tra vì cho rằng, đây là vụ việc dân sự, rất khó để xử lý hình sự về tội chiếm đoạt tài sản theo yêu cầu của người tố cáo. Vậy khi bị giật hụi bạn nên thực hiện những điều sau để hạn chế tối đa thiệt hại:
Căn cứ pháp lý: Nghị định 19/2019/ NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường, cụ thể tại tại Điều 25 Nghị định này như sau:
"1. Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ."
Theo đó, khi bị giật hụi thì tùy vào từng trường hợp sẽ có cách xử lý khác nhau. Trước tiên các bên có thể ngồi lại thương lượng hướng giải quyết. Trường hợp không thương lượng được thì có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, hãy xem xét về tính chất của vụ việc, nếu trong trường hợp chủ hụi, thành viên có các dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như: có hành vi gian dối, bỏ trốn….nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có quyền đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền điều tra, khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Căn cứ pháp lý: Điều 25 Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường
“1. Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.”
Theo đó, khi có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người chơi hụi có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho “vay tiền” lãi nặng; lừa chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; huy động vốn trái pháp luật…
Như vậy, trong trường hợp bị giật hụi bạn hoàn toàn có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật
Căn cứ pháp lý: Điều 25 Nghị định 19/2019/NĐ –CP về họ, hụi, biêu, phường
Theo đó, có thể chia thành hai trường hợp như sau:
Trong trường hợp phát hiện chủ hụi có hành vi gian dối như kê khống thành viên tham gia dây hụi để lĩnh tiền, lấy tên hụi viên tự mình hốt hụi, tổ chức nhiều dây hụi ma, bán hụi để huy động vốn… hoặc sau khi bể hụi thì bỏ trốn, không có ý thức trong việc thỏa thuận với các hụi viên… Những biểu hiện trên có dấu hiệu của các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hình sự nên trong trường hợp này giật hụi là một vụ án hình sự Như vậy, giật hụi có thể xử lý dân sự hoặc hình sự tùy vào mức độ và tính chất của vụ việc. Tuy nhiên, thông thường thường được giải quyết theo pháp luật về dân sự là phổ biến.
Như đã phân tích ở phần trên, hành vi giật hụi có thể phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của BLHS 2015 nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành nên loại tội phạm này.
Trong khi đó, theo quy định của BLHS về hai tội này có thể bị phạt tù nếu số tiền lừa đảo chiếm đoạt và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt đạt đến một mức nhất định theo quy định tại Điều 174 và Điều 175 BLHS 2015 ( Sửa đổi bổ sung tại Khoản 3 Điều 2 và khoản 35 Điều 1 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017) Như vậy, trong trường hợp giật hụi có các dấu hiệu cấu thành tội phạm trên thì có thể bị phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hành vi giật hụi với số tiền lớn lên tới hàng chục, trăm triệu đồng, thậm chí là vài chục tỷ đồng thì có thể thuộc vào một trong hai tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như:
Tùy vào dấu hiệu của từng vụ việc mà “người giật hụi” có thể bị kết án về một trong các tội nêu trên.
Sau khi thương lượng, hòa giải không thành, người chơi hụi có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để đòi lại tiền do bị chủ hụi giật theo trình tự tại khoản 2, khoản 3 Điều 191 BLTTDS năm 2015 như sau:
"2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án."
Như vậy, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày được phân công, thẩm phán được phân công xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định: thụ lý vụ án, trả lại đơn khởi kiện, bổ sung hồ sơ khởi kiện. Tuy nhiên thời hạn giải quyết các vụ việc giật hụi trên thực tế khá phức tạp và kéo dài
Trên đây là một số giải đáp của NPLaw về hụi và giật hụi để bạn tham khảo. Qua đó, nhận thấy rủi ro tài chính và pháp lý đối với hoạt động này là rất lớn. Bên cạnh những vụ việc giật hụi với số tiền nhỏ, thì rất nhiều trường hợp giật hụi có dấu hiệu tội phạm với số tiền lên tới hàng trăm hàng chục triệu, tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế để xử lý được cũng rất khó và phức tạp, nhiều vụ việc còn bỏ ngỏ. Do vậy, bạn hãy đưa ra những cân nhắc kỹ càng trước khi tham gia hoạt động này để tránh gặp phải những rủi ro đáng tiếc. Hãy để lại bình luận về những thắc mắc của bạn để được NPLaw giải đáp ngay về vấn đề này.
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ - HÃNG LUẬT NPLAW
Hotline: 0913 41 99 96 - 0866 774 077
Email: legal@nplaw.vn