CẦN LÀM GÌ ĐỂ NGĂN CHẶN PHẪU THUẬT THẨM MỸ DẪN ĐẾN TỬ VONG?

Bất kì ai sinh ra đều mong muốn mình là một phiên bản hoàn hảo, từ gương mặt đến vóc dáng,...Do đó, khi cảm thấy một thiếu sót nào đó trên cơ thể mình, một số cá nhân thường lựa chọn phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ để hoàn chỉnh những khiếm khuyết đó. Thế nhưng, đây là một phương pháp tiềm ẩn vô số những rủi ro, thậm chí đã có trường hợp nghiêm trọng đó là phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong. 

Vậy đâu là nguyên nhân phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong? Cần phải làm như thế nào để ngăn chặn việc phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong? Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng NPLaw tìm hiểu và làm rõ một số vấn đề liên quan đến phương pháp đầy tính rủi ro này.

I. Thực trạng về tình hình phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong hiện nay

1. Ví dụ các trường hợp thực tế phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong 

Thực tế đã cho thấy, rất nhiều trường hợp tử vong do thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Có thể điểm qua một số vụ án lớn về phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong gây xôn xao dư luận như:

Vụ án thẩm mỹ viện Cát tường tại Thành phố Hà Nội, mặc dù đã xảy ra cách đây khá lâu (2013), nhưng sự ám ảnh và dư âm mà nó để lại không hề nhỏ. Cụ thể, nạn nhân là Lê Thị Thanh Huyền (sinh năm 1974) đã đến cơ sở để tiến hành phẫu thuật hút mỡ bụng và nâng ngực thẩm mỹ.Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường là người trực tiếp thực hiện phẫu thuật, sau khi kết thúc thì bệnh nhân có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép và có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Nguyễn Mạnh Tường cùng các nhân viên cấp cứu cho chị Huyền nhưng không thành công và chị đã tử vong ngay sau đó. Điều đáng chú ý là bác sĩ sau khi gây ra cái chết cho nạn nhân lại không báo cáo cho cơ quan chức năng, mà ngược lại tìm cách vứt xác nạn nhân xuống sông để phi tang cho tội lỗi của mình. Vụ việc tại thời điểm xảy ra đã gây nên tranh cãi vì mức độ nghiêm trọng cũng như tính tàn nhẫn của nó, được cho là làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế nói chung, đồng thời thể hiện lỗ hổng trong việc quản lý các phòng khám tư. 

Hay mới đây nhất, vụ việc cô gái 25 tuổi chết sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm thẩm mỹ KeyBeauty Center (số 154/9, Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Trước đó, nạn nhân đã đến trung tâm này để đốt mỡ vùng hai cánh tay và ngực trái. Trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật, bác sĩ gây mê tiêm lần lượt các loại thuốc gây mê và giảm đau nhưng ngay sau đó bệnh nhân tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn. Bệnh nhân được nhập khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy qua nội khí quản. Bệnh nhân được hồi sức tích cực nhưng đã tử vong. Nguyên nhân được chuẩn đoán là sốc phản vệ nghi do thuốc gây mê/gây tê. Theo điều tra thì đã phát hiện Trung tâm này là một cơ sở thẩm mỹ viện “chui” vì  không được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh mà chỉ có giấy đăng ký kinh doanh do ông Huỳnh Trung Đồng (địa chỉ thường trú tại Cần Thơ) làm chủ với loại hình dịch vụ chăm sóc da, phun thêu thẩm mỹ. Theo danh mục loại hình dịch vụ trên không được sử dụng thuốc gây tê, không được thực hiện các phương pháp xâm lấn. Tuy nhiên, ngày 26/11, khi nữ bệnh nhân N.T.P đến làm đẹp tại Trung tâm Thẩm mỹ Key Beauty Center thì phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch và tử vong với chẩn đoán bị sốc thuốc gây tê. Vụ việc xảy ra nêu trên được đánh giá là nghiêm trọng và gây bức xúc cho nhiều người dân.

2. Các nguyên nhân dẫn đến tử vong khi phẫu thuật thẩm mỹ thường gặp 

Qua các trường hợp thực tế phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mức độ rủi ro và sự nguy hiểm của việc làm đẹp thông qua phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, những nguyên nhân chủ yếu thường gặp dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi phẫu thuật thẩm mỹ đó là:

Thứ nhất, có nhiều trường hợp tử vong do một số bác sĩ hành nghề “chui” hoặc tay ngang chuyển sang cầm dao kéo. Theo như TS.BS Nguyễn Văn Phùng - bộ môn phẫu thuật tạo hình, Đại học Y dược TP.HCM nhận định “Một bác sĩ để có thể được cầm dao phẫu thuật thực hiện các can thiệp chuyên khoa là cả một quá trình đào tạo 3-5 năm sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa. Nhưng hiện nay, nhiều người không phải là bác sĩ, chỉ cần học 1 - 2 khóa học ngắn hạn nhưng đã làm phẫu thuật thẩm mỹ. Khi có những phản ứng ngoài kiểm soát, họ không thể xử lý được dẫn đến hậu quả đáng tiếc”. Thứ hai, thủ thuật gây mê và gây tê cho bệnh nhân không được chú trọng. Theo như PGS.TS Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho bệnh nhân khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó đặc biệt nhất vẫn là thủ thuật gây tê và gây mê. Cụ thể “Thường thì gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện tư, nhưng gây mê thì phải làm ở bệnh viện có đội ngũ bác sĩ có tay nghề và có trang thiết bị đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình gây tê, nếu không thử thuốc trước sẽ dẫn đến tình trạng sốc phản vệ. Mặc dù sốc phản vệ ít khi xảy ra nhưng khi bệnh nhân nào gặp phải mà không được hồi sức cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ cao”. Điều này đã được chứng minh trong vụ việc cô gái 25 tuổi tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm thẩm mỹ KeyBeauty Center như đã đề cập trước đó. 

Thứ ba, bác sĩ không chú ý khám cẩn thận thể trạng cho bệnh nhân và bệnh nhân cũng giấu bệnh là điều cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn đến chết người trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Hà Nội nhận định thì “ Khi bệnh nhân giấu mà nhiều phòng mạch thiếu trang thiết bị xét nghiệm thể trạng nên vẫn phẫu thuật sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong”. 

Trên đây là một trong số các nguyên nhân phổ biến thường gặp trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. 

II. Quy định pháp luật về xử lý hành vi phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong 

Khi có hành vi phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong, thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Cụ thể như sau: 

Đối với tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp được quy định tại Điều 129 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì tội danh này sẽ được áp dụng đối với người có chuyên môn, có đầy đủ giấy phép hành nghề nhưng không tuân thủ quy tắc nghề nghiệp trong việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dẫn tới hậu quả chết người. Theo đó, nếu làm chết 01 người thì sẽ bị phạt tù từ 01 đến 05 năm và nếu làm chết từ 02 người trở lên mức phạt sẽ là 03 đến 10 năm tù. Ngoài ra, còn áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 đến 05 năm.Đối với tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác được quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì nếu làm chết 01 người thì bị phạt từ 01 đến 05 năm tù. Nếu làm chết 02 người thì mức phạt sẽ từ 03 đến 10 năm tù và nếu làm chết 03 người thì mức sẽ phải ngồi tù từ 07 đến 15 năm tù.

III. Cần làm gì để ngăn chặn phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong 

Thông qua các trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ thất bại mà hậu quả là gây tử vong trên thực tế, có thể nhận định rằng không phải tất cả các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ đều an toàn, mà nó còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như tay nghề bác sĩ, thể trạng của người thực hiện thẩm mỹ có phù hợp hay không,...Do đó, để có thể ngăn chặn phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong, cần có những biện pháp cụ thể trước khi tiến hành bất kì một ca phẫu thuật nào, như sau: 

1. Cho chủ cơ sở thẩm mỹ 

Bác sĩ được chọn tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ phải là người được đào tạo chuyên khoa sâu về phẫu thuật thẩm mỹ và có kinh nghiệm thực tế. Nhân sự gây mê hồi sức rất quan trọng; phải là người có kinh nghiệm, phụ gây mê, phụ mổ và có đầy đủ các phương tiện theo dõi trong và sau mổ để phát hiện sớm các tai biến. Bởi lẽ, trong phần nguyên nhân đã phân tích trước đó thì tiến trình gây mê và gây tê hết sức quan trọng, nếu làm không cẩn thận thì rủi ro cho tính mạng của người phẫu thuật là rất lớn. Cần có ê kíp gây mê hồi sức theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe trong suốt quá trình phẫu thuật cũng như giai đoạn hồi sức hậu phẫu. Tiêu chuẩn của một khu phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ là một phòng mổ mà là hệ thống chăm sóc người bệnh trước, trong và sau phẫu thuật rất chặt chẽ và khoa học với các quy trình nghiêm ngặt của chuyên ngành, nhằm đem lại sự hồi phục sớm cho người bệnh, đặc biệt là các khâu an toàn cho người bệnh. 

2. Cho khách hàng

Khách hàng cần phải lựa chọn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ uy tín, đảm bảo chất lượng đã được Bộ Y tế cấp phép. Không nên tự mình tìm hiểu trên mạng hay nghe lời quảng cáo, giới thiệu của người khác rồi đăng ký phẫu thuật thẩm mỹ. Điều quan trọng nhất là khách hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin sức khỏe, tiền sử dị ứng, tiền sử phẫu thuật cho bác sĩ một cách trung thực và không được giấu bệnh. Đồng thời cũng cần xét nghiệm đầy đủ, khám tầm soát, phát hiện sớm các bất thường sức khỏe, chống chỉ định phẫu thuật hoặc các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến ca phẫu thuật theo sự tư vấn của bác sĩ.  

Trên đây là toàn bộ tư vấn của NPLaw về các vấn đề liên quan đến việc phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong bao gồm thực trạng, nguyên nhân cũng như đề xuất một số giải pháp thích hợp cho cơ sở thẩm mỹ cũng như khách hàng có nhu cầu thẩm mỹ được biết, nhằm ngăn chặn những rủi ro không đáng có.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan